Cần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Nguyễn Đình Cung (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ không chỉ đề ra mục tiêu cao hơn, giải pháp cụ thể hơn đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh mà còn chú ý tới năng lực và công cụ tổ chức thực hiện.
Cần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Nguyễn Đình Cung (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ không chỉ đề ra mục tiêu cao hơn, giải pháp cụ thể hơn đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh mà còn chú ý tới năng lực và công cụ tổ chức thực hiện.

Cần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh ảnh 1

* Phóng viên: Thưa ông, có thể hiểu Nghị quyết 19/2015/ NĐ-CP như một sự “nâng cấp” Nghị quyết 19/2014 được ban hành 1 năm trước đó? Có ý kiến cho rằng, sự trùng hợp tên gọi “Nghị quyết 19” đã vô hình trung biến nó trở thành một “thương hiệu” thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, ông có bình luận gì?

* TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Trong thể chế kinh tế thị trường, muốn có doanh nghiệp thì trước hết phải có cơ chế ghi nhận, bảo vệ được tài sản và giao dịch tài sản. Khung pháp lý để đảm bảo việc này đã và đang tiếp tục được hoàn thiện, sau Hiến pháp 2013 thì tới đây là việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự.

Các bước tiếp theo trong vòng đời của doanh nghiệp (DN) là khởi sự kinh doanh; giao dịch thị trường và cuối cùng là rời khỏi thị trường. Ở giai đoạn giao dịch thị trường, vấn đề quan trọng nhất là duy trì được một trật tự thị trường để bảo đảm quá trình trên diễn ra cạnh tranh công bằng, minh bạch. Nghị quyết 19/2015 chủ yếu tạo thuận lợi hóa cho khâu gia nhập thị trường và thuận lợi hóa sản xuất kinh doanh. Khảo sát làm kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chủ yếu đo lường các khâu này; làm sao để chi phí thấp, rủi ro thấp.

Về mặt hình thức, Nghị quyết 19/2015 có thể coi là tiếp tục một số nhiệm vụ, giải pháp ở một mức cao hơn, cụ thể là năm 2015 vượt mức trung bình của ASEAN 6 và năm 2016 đạt mức trung bình của ASEAN 4. Về giải pháp, nghị quyết năm nay chặt chẽ hơn, chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm, giao việc rõ hơn. Báo chí nên theo dõi xem các cơ quan được giao việc có thực hiện không, thực hiện ở mức nào! Bên cạnh đó, Nghị quyết 19/2015 đã chú ý năng lực và công cụ tổ chức thực hiện. Chẳng hạn, để thông quan qua biên giới dễ dàng thì đòi hỏi sự phối hợp và kết nối giữa hải quan với nhiều ngành khác: kiểm dịch, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm… và những ngành này cũng đã được giao nhiệm vụ rất cụ thể. Một yêu cầu nữa là coi trọng hơn khâu hậu kiểm (giảm tiền kiểm).

* Vừa qua, một số đạo luật quan trọng, như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi… đã được Quốc hội thông qua, sắp sửa có hiệu lực thi hành. Việc này chắc chắn sẽ tạo ra những nhân tố mới giúp cải thiện môi trường kinh doanh?

* Chính vì thế, Nghị quyết 19/2015 đã lồng ghép nhiều nội dung nhằm thực hiện các luật này, đặc biệt là đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Luật mới xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện, còn điều kiện cụ thể của từng ngành nghề thế nào thì đang rà soát. Tôi cho rằng, phần lớn trong số hơn 5.000 điều kiện kinh doanh hiện nay là bất hợp lý, có thể bãi bỏ hoặc đơn giản hóa. Tất nhiên, Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định chi tiết.

* Bên cạnh các bộ ngành trung ương, hẳn còn phải nói đến vai trò của các địa phương, thưa ông?

* Không thể khác hơn, các địa phương cũng phải vào cuộc. Năm ngoái vai trò của các địa phương còn chưa thật rõ nét; nhất là trong những vấn đề như khởi sự kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, đăng ký tài sản, tiếp cận điện năng… Năm nay, Nghị quyết 19/2015 đã “thúc ép” việc cải thiện môi trường kinh doanh, coi đây là một tiêu chuẩn được đánh giá hàng quý đối với tất cả các ngành, các địa phương.

* Trở lại với báo cáo khảo sát làm kinh doanh của WB. Được biết có ý kiến chuyên gia không hoàn toàn đồng tình với những đánh giá trong bản báo cáo. Ông có thể nói rõ thêm?

* Một điểm đáng lưu ý là phương pháp luận của việc tiến hành khảo sát này phải đảm bảo yêu cầu so sánh được với 189 nền kinh tế khác, cho nên khó phù hợp hoàn toàn với điều kiện Việt Nam. Việc thu thập thông tin của các chuyên gia WB - đều là chuyên gia ở tổng hành dinh chứ không phải WB Việt Nam - cũng được tiến hành hoàn toàn độc lập. Về tổng thể, kết quả là chính xác, phản ánh đúng thực trạng, nhưng ở một số chỉ tiêu có khác biệt với cách đánh giá của trong nước; có cái hơn, có cái kém. Ví dụ về khởi sự kinh doanh, tôi cho rằng chúng ta đã thực sự cải cách rất nhiều. Báo cáo phản ánh thời gian trung bình để khởi sự kinh doanh mất 34 ngày với 10 thủ tục, nhưng thực tế khảo sát của chúng tôi thì nếu tính khắt khe cũng chỉ 10 ngày với 8 thủ tục mà thôi. Ngược lại, có tiêu chí được họ đánh giá tốt, nhưng thực tế có lẽ chưa được như vậy. Ví dụ tiếp cận tín dụng. Đại diện các DN nhỏ và vừa luôn “than thở” với chúng tôi rằng đấy là một khó khăn với họ. Báo cáo hàng năm của Diễn đàn kinh tế thế giới cũng luôn đặt ra vấn đề này như một rào cản kinh doanh. Tương tự với tiêu chí về giấy phép xây dựng, họ đánh giá cao, nhưng chúng tôi cho là chưa được thế...

* Các chuyên gia WB có đưa ra khuyến nghị đáng lưu ý nào không?

* Ở loại báo cáo này, họ chỉ đưa ra thực tiễn tốt của các nước và cung cấp thông tin chứ không khuyến nghị. Từ thực tiễn tốt đó, mình rút kinh nghiệm và có thể áp dụng.

* Ông có nói một bước phát triển của Nghị quyết 19/2015 là đảm bảo một trật tự vận hành thị trường tốt, vậy ông có nhận xét gì về hiệu quả can thiệp thị trường của cơ quan quản lý thời gian qua?

* Vì thị trường của ta chưa vận hành đầy đủ, các tổ chức để vận hành trật tự thị trường cũng vậy, cho nên cần phải nói rất thẳng thắn với nhau là sự can thiệp của một số cơ quan quản lý vừa qua không đúng hướng.

* Ông có thể nêu một ví dụ cụ thể không?

* Ví dụ vào dịp trước Tết Nguyên đán, năm nào giá vận tải cũng tăng. Đó là diễn biến đúng quy luật, vì cung thiếu, cầu lại cao. Thế thì nếu muốn giá tăng ít hơn, nhà xe không nhồi nhét khách thì phải tăng nguồn cung lên; có thể nới lỏng điều kiện gia nhập thị trường của doanh nghiệp vận tải, miễn là đảm bảo được điều kiện tối quan trọng là an toàn cho hành khách và phương tiện. Chứ nếu làm cứng nhắc hơn cả ngày thường, siết chặt điều kiện kinh doanh thì khoảng cách cung - cầu càng lớn. Mà cầu vẫn luôn có, người ta không đi xe này thì phải nhảy xe khác, cho nên chuyện chở quá quy định là không tránh được. Tịch thu xe, giữ xe, giữ bằng lái… thì cung đã thiếu lại càng thiếu.

* Cảm ơn ông!

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục