Cần học tập cách chào đón khách nước ngoài

Việt Nam được nhiều du khách nước ngoài nhận xét là đất nước có nhiều nụ cười, người dân thân thiện và hiếu khách. Thế nhưng khi có dịp đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao, hội nghị, hội thảo quốc tế, chúng ta lại không chú ý “tiếp thị” nụ cười Việt Nam, giới thiệu sự thân thiện, hiếu khách vốn có của người Việt một cách đơn giản nhưng giàu ý nghĩa.

Như vừa qua, để chuẩn bị cho cuộc họp của IMF, nước bạn Singapore đã đưa ra bức ảnh khổng lồ “bốn triệu nụ cười” với những nụ cười đủ kiểu, đủ vẻ của các tầng lớp dân Sing nhằm thể hiện sự mến khách của đảo quốc Sư tử. “Bốn triệu nụ cười” và câu “Welcome” thế là đủ. Hình thức đón khách và “đánh bóng” hình ảnh của mình kiểu này vừa đơn giản lại rất hiệu quả.

Còn ở ta, các cuộc hội nghị, hội thảo trong nước cũng như đón khách quốc tế cũng thường có đầy dẫy pa-nô, áp-phích với đủ các khẩu hiệu, lời chào mừng – nhiều khi rối rắm và “quá thân thiện” như “warmly welcome” (trong kỳ Sea Games mới rồi), hay hàng loạt băng-rôn đơn điệu treo khắp nơi với tên tuổi của các nhà tài trợ… Tất nhiên chi phí cho lời chào đón này không ít. Tại Hội nghị quan chức cấp cao (SOM 3) - APEC 2006, tôi thấy địa phương đăng cai cũng tổ chức theo bài bản cũ, không có điểm gì nổi bật, gây ấn tượng cho khách đến tham dự.

Dù hình thức tổ chức, chào đón khách không phải là điều quyết định cho sự thành công của các cuộc hôi thảo, hội nghị, nhưng cách thức đón tiếp sẽ tạo được ấn tượng sâu đậm về nước chủ nhà đối với khách nước ngoài, và ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến những nội dung chính được thảo luận trong cuộc họp. Vì thế chúng ta nên tận dụng lợi thế sẵn có của đất nước và con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách để có cách chào đón khách nước ngoài một cách hiệu quả nhất. 

VĂN KÝ (TPHCM)
 

Tin cùng chuyên mục