Phát triển công nghiệp tàu thủy Việt Nam

Cần lời giải cho bài toán bảo vệ môi trường

Càng lên tiếng càng ô nhiễm...
Cần lời giải cho bài toán bảo vệ môi trường

Năm 2006, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã ký hợp đồng đóng 15 tàu có trọng tải 53.000 tấn cho Vương quốc Anh, 8 chiếc tàu chở ôtô cho Israel có trọng tải chở 4.900 ôtô... với tổng trị giá các hợp đồng vài trăm triệu USD. Tuy nhiên cũng trong năm này, thông tin về những ô nhiễm môi trường do các nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu lại càng nóng lên, đặc biệt là ô nhiễm từ Nhà máy Tàu biển Hyundai-Vinashin.

Càng lên tiếng càng ô nhiễm...

Cần lời giải cho bài toán bảo vệ môi trường ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Hoa Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Phước xòe bàn tay dính đầy bụi Nix.

Đầu năm 2007 trở về trước, khi nghe có nhà báo đến tìm hiểu tình trạng ô nhiễm do Hyundai-Vinashin (HVS) gây ra, bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm luôn có hàng chục người dân thôn Ninh Yểng, xã Ninh Phước, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đến để kể với nhà báo những gì mà bà con phải chịu đựng hàng chục năm qua.

Thế nhưng, những ngày cuối tháng 6 vừa qua, khi có mặt tại hai thôn Ninh Yểng và Mỹ Giang, xã Ninh Phước, người dân tại đây đã không còn đon đả “nhiệt tình” kể về nỗi khổ bụi Nix của mình như trước đây, thay vào đó là những ánh mắt buồn bã cùng tiếng thở dài dường như tuyệt vọng. Tại Văn phòng HĐND và UBND xã Ninh Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Trần Vũ Vương ngậm ngùi: “Đợt tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội vừa qua, có cả đại biểu Nguyễn Văn Son (Trưởng ban Đối ngoại Trung ương), cử tri chúng tôi cũng trực tiếp trình bày và hy vọng có kết quả.

Nhưng rồi chẳng thấy HVS thôi phun Nix, mà ngược lại, hình như phun nhiều hơn…”. Giơ bàn tay đen nhẻm sau khi xoa lên cánh cửa, chị Nguyễn Thị Hoa Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Phước, bức xúc: “Nhà báo có thấy ở đâu như ở đây không? Cúng giỗ mà phải khép cửa! Làm sao rước ông bà về? Vậy mà, khi nhang vừa tàn thì xôi, gà cũng bị đen như rắc tiêu! Gần chục năm hít bụi Nix, chẳng biết bây giờ phổi chúng tôi màu gì? Hàng chục năm qua, trên 2.000 cư dân sống quanh nhà máy đã phải gồng mình chịu đựng”.

Một chuyên gia về kinh tế của Bộ KH-ĐT ví von: “Mức lợi nhuận của HVS, sự phá hủy môi trường và bức xúc người dân luôn tỷ lệ thuận với nhau”. Ông giải thích: “Khi người dân lên tiếng càng nhiều, chứng tỏ mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng và điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng tốt của HVS, với nhiều đơn đặt hàng sửa chữa tàu hơn”. Tuy nhiên có một điều ngạc nhiên là không chỉ người dân mà ngay cả khi các bộ - ngành chức năng nhập cuộc và lên án, thậm chí xử phạt và “dọa” đình chỉ hoạt động HVS, nhưng rồi xem ra mọi việc vẫn chưa có gì tiến triển.

Trước những phản ánh của người dân, cuối năm 2006, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong vấn đề ô nhiễm do HVS gây ra ở khu vực, có biện pháp kiên quyết, dứt điểm. Sau đó Bộ TN-MT đã tổ chức đoàn liên ngành gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ GT-VT, Bộ KH-CN... đến kiểm tra, kể cả lấy mẫu phân tích, đánh giá tác động môi trường, tổ chức kiểm điểm và bàn biện pháp giải quyết ô nhiễm do chất thải của HVS và đi đến kết luận: “Nhà máy đang có hơn 600.000 tấn chất thải Nix tập trung tại kho tạm.

Việc quản lý bãi thải mang tính tạm thời, chỉ dùng vải để che phủ tạm... Môi trường đất và nước đều đang ô nhiễm vượt các tiêu chuẩn cho phép đến mức nghiêm trọng. Thực tế, đối với việc xử lý chất thải, trong 3 năm qua, nhà máy đã có triển khai nghiên cứu thử nghiệm tái sử dụng hạt Nix bằng cách đưa vào làm vật liệu xây dựng. Nhưng với khối lượng thải ra trung bình 100.000 tấn/năm, nhà máy chưa triển khai được những biện pháp có tính khả thi, mà mới chỉ mang tính hình thức để đối phó”. Sau kết luận trên của đoàn kiểm tra liên ngành, đầu năm 2007, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định xử phạt HVS ở khung cao nhất là 85 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường. Mức phạt quá khiêm tốn đối với một đơn vị có doanh thu hàng trăm triệu USD/năm.

Xử lý ô nhiễm: Bắt đầu từ đâu?

Cần lời giải cho bài toán bảo vệ môi trường ảnh 2

Núi Nix khổng lồ lộ thiên ở Ninh Thủy. Ảnh: C.T.V

Đã có nhiều giải pháp được bàn cãi, từ thay đổi công nghệ, di dời dân đến đình chỉ sản xuất HVS, tuy nhiên đến nay vẫn chưa giải pháp nào được triển khai!?

Thay đổi công nghệ là giải pháp được nhiều nhà khoa học đồng tình nhất. Theo những chuyên gia trong lĩnh vực đóng tàu, HVS chỉ cần đầu tư từ 5 đến 10 triệu USD là có thể giải quyết được một cách căn bản về thay đổi công nghệ làm sạch bề mặt thép, từ công nghệ sử dụng máy bắn cát và hạt Nix sang sử dụng công nghệ bắn bằng nước áp lực cao. Hiện nhiều nước trên thế giới dùng nước áp lực cao để làm sạch vì nước không tạo bụi bay xa, nhưng quan trọng hơn là không còn hàng núi chất thải, vì làm sạch bằng nước chúng ta có thể giảm 60 -70 lần lượng chất thải so với phương pháp làm sạch bằng Nix và cát.

Tuy nhiên phương án này không được HVS mặn mà, vì họ phải bỏ tiền ra đầu tư thay đổi công nghệ. Trong khi đó, phương án mà HVS ủng hộ là tỉnh Khánh Hòa tổ chức di dời dân ra ngoài vành đai ô nhiễm, tạo khoảng đất trống để HVS chôn lấp và khắc phục số bụi Nix từ nhà máy thải ra. Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin – một đối tác liên doanh trong HVS - cho rằng, HVS đang đề ra phương án di dân cách bờ rào nhà máy 2-3km để vừa có đất làm khu công nghiệp vừa hạn chế ô nhiễm cho khu dân cư. Ước tính thực hiện phương án này tốn khoảng trên 300 tỷ đồng, trong đó Khánh Hòa phải chi ra số tiền cả trăm tỷ đồng.

- Hạt Nix là các hạt sắt, đá vôi và Silic Oxít, còn gọi là xỉ đồng. Khi hạt Nix bắn ra, dưới sự va đập rất mạnh, sơn, gỉ bị vỡ ra cùng hạt Nix. Một phần bay vào không khí, còn phần lớn còn lại rơi vương vãi xung quanh tàu, được thu gom lại dưới dạng hạt Nix thải.

- Thông thường để làm sạch 1m² bề mặt kim loại phải dùng 60 - 70kg hạt Nix. Với một con tàu tải trọng 20.000 tấn có diện tích cần làm sạch khoảng 30.000m², phải sử dụng 1.500 tấn hạt Nix.

Phương án thứ ba do Bộ TN-MT kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, cho phép HVS được gia hạn đến hết 31-12-2007 để thực hiện các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quá thời hạn này, nếu HVS không chấp hành sẽ bị tạm đình chỉ hoặc cấm hoạt động. Lý do bộ này đưa ra là, thời gian qua HVS chỉ tiến hành hoán cải và sửa chữa tàu biển gồm chủ yếu các loại tàu dầu, tàu hàng và tàu container (không thực hiện dự án đóng mới như được cấp phép).

Trong quá trình hoạt động HVS đã tự ý thay đổi quy mô và quy trình công nghệ sản xuất, làm phát sinh các loại chất thải như hơn 600.000 tấn hạt Nix, 240 tấn sắt thép phế liệu và dầu mỗi năm… đã gây những tác hại cho môi trường.

Hiện nay, Vinashin đang có trên 40 nhà máy đóng và sửa chữa tàu trên toàn quốc, trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà máy nữa được xây dựng. Do đó, đã đến lúc Vinashin cần quan tâm và có trách nhiệm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường khi phát triển ngành công nghiệp đóng tàu.

Chiến Dũng - Thùy Dương

Tin cùng chuyên mục