Đây là nhận định của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, các công ty đa quốc gia cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp của sản phẩm dệt may tại Việt Nam gồm có Bureau Veritas, Intertek, SGS, TUV.
Các công ty này có tiềm lực và thị phần rất mạnh vì có khả năng cung cấp một dãy rộng các loại dịch vụ thí nghiệm, chứng nhận, giám định trên toàn thế giới. Có trang bị thiết bị hiện đại, hệ thống kiến thức thị trường thử nghiệm và đặc biệt là đã được các nhà cung ứng dệt may thế giới chấp nhận, nên việc tiếp cận thị trường rất thuận lợi và hiệu quả.
Trong khi đó, ở Việt Nam chúng ta mới chỉ có các tổ chức cung cấp dịch vụ đánh giá như Quatest 1, 2, 3, Vinacontrol và Viện Dệt may, Viện Da giày. Các tổ chức này có hệ thống chất lượng được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO/EC, trong đó Quatest 3 và Viện Dệt may là các đơn vị có năng lực cung cấp một dãy rộng các thử nghiệm dệt may, các chỉ tiêu an toàn và sinh thái. Các tổ chức thử nghiệm này có xuất xứ sở hữu nhà nước và thực hiện nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước trong quản lý chất lượng sản phẩm dệt may, da giày.
Mặc dù được đầu tư về năng lực thử nghiệm, trang thiết bị, nhân lực và hệ thống quản lý nhưng các tổ chức thử nghiệm trong nước còn gặp một số trở ngại để được công nhận kết quả thử nghiệm ở thị trường các nước nhập khẩu, nhất là tại thị trường châu Âu và Mỹ - hai thị trường xuất khẩu chủ lực hàng dệt may, da giày của Việt Nam. Các tổ chức thử nghiệm trong nước gặp rào cản lớn trong việc công nhận kết quả thử nghiệm ở các nước do chưa có sự ký kết đồng chứng nhận song phương giữa các quốc gia hoặc quy định của nước nhập khẩu. Đơn cử như thị trường Mỹ, họ yêu cầu các sản phẩm trẻ em khi nhập và bán tại Mỹ, bắt buộc phải có chứng nhận chất lượng của phòng thử nghiệm thứ ba về tính an toàn cháy, hàm lượng chì… Tuy nhiên, thị trường Mỹ không công nhận với các phòng thử nghiệm được sở hữu, quản lý, kiểm soát bởi công ty hoặc nhà sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, da giày trẻ em vào Mỹ hoặc công nhận hạn chế với các phòng thử nghiệm thuộc chính phủ. Đối với thị trường EU, chúng ta lại chưa có Hiệp định song phương về sự công nhận lẫn nhau nên sản phẩm Việt Nam cũng vấp phải những rào cản về kỹ thuật, quy chuẩn tương tự như tại thị trường Mỹ. Điều này đã và đang làm hạn chế đáng kể hiệu quả xâm nhập thị trường của sản phẩm Việt Nam do phải tăng chi phí thuê đơn vị chứng nhận độc lập nước ngoài. Đặc biệt, khi rào cản thuế quan bị dỡ bỏ, rào cản kỹ thuật càng tăng lên, những chi phí do phải thuê đơn vị chứng nhận độc lập nước ngoài nhiều khi còn cao hơn cả thuế nhập khẩu.
Để giải quyết khó khăn này, bà Phan Thị Thanh Xuân và các doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý kỹ thuật về chất lượng các nguyên liệu sản phẩm và hàng hóa da giày, dệt may. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thử nghiệm thông qua các cơ chế chính sách mà không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của các Hiệp định thương mại; tăng cường đàm phán hiệp định thừa nhận chứng nhận tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm lẫn nhau nhằm tạo điều kiện cho dịch vụ kiểm định trong nước phát triển. Mặt khác, cần phải thiết lập đầu mối thu thập, cập nhật và phổ biến thông tin về hàng rào kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
MINH HẢI