Việc xây dựng KTX cho sinh viên

Cần phải xã hội hóa

Cần phải xã hội hóa

Sau khi đăng loạt bài “Xây dựng KTX sinh viên - Vì sao doanh nghiệp chưa vào cuộc?” (ngày 21 và 22-10), chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các nhà quản lý ngân hàng, các doanh nghiệp, các trường đại học (ĐH) và nhiều bạn đọc. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến để có thêm cơ sở góp phần vào việc giải bài toán chỗ ở cho sinh viên.

Ông Nguyễn Phước Thanh-Giám đốc Vietcombank chi nhánh TPHCM:
Bài toán mang tính xã hội

Cần phải xã hội hóa ảnh 1

Một khu ký túc xá cho sinh viên.

Hiện nay, Vietcombank chưa có chính sách cụ thể về vấn đề này, nhưng theo tôi, đặt vấn đề xã hội hóa việc xây KTX cho sinh viên là đúng vì về lâu dài sẽ giải quyết được nhiều vấn đề xã hội. Điều này cũng thể hiện rõ quan điểm của nhà nước về đầu tư cho giáo dục…Cần phải nhìn nhận việc xây KTX là một vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề của kinh tế.

Vì vậy, nếu yêu cầu nhà trường làm thì nhà trường không có kinh phí, nhưng yêu cầu doanh nghiệp làm mà không đặt vấn đề lợi nhuận thì càng không được. Điều này nhà nước phải tính. Theo tôi, kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây KTX thì nhà nước không nên thu tiền sử dụng đất đối với doanh nghiệp vì sẽ làm cho chi phí đội lên. Thứ hai là cần có chính sách hỗ trợ về vốn. Thay vì nhà nước phải bỏ ra 100% vốn để đầu tư thì giờ đây kết hợp với doanh nghiệp, nhà nước cùng chia sẻ về vốn với doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhà nước cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất ngân hàng. Sự hỗ trợ càng nhiều thì chi phí xây dựng càng thấp, doanh nghiệp thấy có lời sẽ vào cuộc. Lấy ví dụ, chi phí xây dựng khoảng 3 triệu đồng/m2, diện tích ở cho một sinh viên khoảng 7m2 thì tốn kém nhân lên khoảng 20 triệu đồng. Nếu phải vay ngân hàng 20 triệu đồng với lãi suất 0,8% thì mỗi tháng riêng tiền lãi suất là 160.000 đồng/sinh viên. Vì vậy, thay vì nhà nước phải bỏ ra 20 triệu đồng thì khi kết hợp với doanh nghiệp, mỗi tháng nhà nước chỉ phải chi phí tương đương với lãi suất ngân hàng là 160.000đ/tháng để xây dựng.

Ông
Nguyễn Khang - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Hoàng Thắng:
Cơ chế rõ ràng, ưu đãi cụ thể

Việc xây KTX sẽ không có lợi nhuận nhiều, nhưng mang tính xã hội cao, những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc sẽ rất muốn chung tay với nhà nước để xây dựng các công trình như thế. Tuy nhiên, đọc loạt bài về xây dựng KTX trên báo SGGP, chúng tôi hiểu vì sao doanh nghiệp vẫn lắc đầu. Doanh nghiệp còn lắc đầu và bản thân chúng tôi còn e dè vì cơ chế còn mập mờ, nhà nước chưa có một ưu đãi nào cụ thể trong việc tham gia đầu tư xây dựng KTX.

Doanh nghiệp ngoài quốc doanh luôn thiếu vốn. Để doanh nghiệp chúng tôi có thể tham gia thì dứt khoát phải có cơ chế rõ ràng. Trước hết, nhà nước phải đảm bảo làm sao để thời gian thu hồi vốn không quá lâu, kế đến là phải có chính sách ưu đãi về vốn với lãi suất thấp, giống như đối với chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp.

KTX do ĐHQG quản lý mà báo SGGP phản ánh cũng là một mô hình tốt, nhưng theo tôi, nếu muốn làm tốt hơn nữa thì nhà nước phải có quy hoạch cụ thể hơn để KTX chuẩn hơn, có nhiều công trình công cộng hơn như nhà thi đấu, câu lạc bộ… cho sinh viên. Nhà trường phải có quy hoạch tổng thể, trong đó quy chế quản lý cũng phải được xây dựng rành mạch, chặt chẽ. Có như vậy, doanh nghiệp sẽ tự tin hơn khi tham gia.

Ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức TPHCM:
Đảm bảo hiệu quả kinh doanh, chúng tôi tham gia ngay

Xây KTX ư? Chúng tôi sẵn sàng nếu có chính sách rõ ràng. Nhưng vấn đề ở đây là chính sách đầu tư và ưu đãi như thế nào.
Thời gian qua, chúng tôi đã từng tiếp xúc với ĐHQG TPHCM vì họ có ý định mời hợp tác, nhưng sau nhiều lần bàn thảo vẫn chưa có sự thống nhất vì bản thân nhà trường cũng chưa… thông các chính sách nhà nước.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng e ngại về thủ tục pháp lý kéo dài. Đối với vấn đề xã hội này, chúng tôi không đặt quá nặng chuyện lợi nhuận, nhưng doanh nghiệp thì phải đảm bảo hiệu quả kinh doanh nên nếu đảm bảo vấn đề thủ tục và được thu với mức giá như sinh viên đang thuê nhà trọ ở ngoài (150.000đ - 200.000đ/tháng – PV) như báo nêu thì chắc chắn sẽ làm được.

TS
Huỳnh Thành Đạt - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM:
Có thể thu cao hơn mức khống chế chung


ĐHQG TPHCM đã có chủ trương về việc mời gọi các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp cùng tham gia việc xây dựng KTX. Khi doanh nghiệp tham gia, về phía ĐH Quốc gia chỉ yêu cầu làm sao để đảm bảo mức lưu trú phí sao cho sinh viên có thể chấp nhận được. Những KTX do trường hoặc các tỉnh xây dựng thì dành cho các sinh viên diện chính sách và hoàn cảnh khó khăn. Còn ngoài ra, nhà đầu tư có thể thu cao hơn mức khống chế chung. KTX do doanh nghiệp xây cũng phải đảm bảo việc sinh hoạt đoàn đội và các hoạt động khác của sinh viên.

Về đất, ĐH Quốc gia sẽ ưu đãi đến mức tối đa để doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư. Các cấp lãnh đạo đang rất quan tâm về vấn đề này và đã có chủ trương. ĐH Quốc gia sẽ cố gắng thuyết phục các cấp lãnh đạo đồng ý với các cơ chế để đảm bảo các điều kiện tối ưu để doanh nghiệp tham gia. Tôi nghĩ, các bậc phụ huynh cũng như sinh viên đều rất hoan nghênh việc này.

PHAN LỘC - LINH AN ghi

Trần Thị Tố Lang (Long An, mẹ của hai con đang học đại học tại TPHCM):

Chúng tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của báo SGGP về xây dựng KTX cho sinh viên. Vấn đề chỗ ở của SV trong 4 năm học là rất quan trọng. Chỗ ở tương đối tươm tất, ra vào thuận lợi, an ninh đảm bảo, gần chỗ học, giá thuê hợp lý,… là yếu tố tạo thuận lợi lớn cho việc học tập và rèn luyện đạo đức SV. Được ở KTX là mơ ước của nhiều SV.

Theo chúng tôi cần phải xã hội hóa việc xây dựng KTX SV. Ngoài các doanh nghiệp, người dân quanh khu vực các trường ĐH–CĐ nên mạnh dạn xây dựng KTX mini. Sử dụng nguồn lực của từng gia đình và nếu thiếu vốn, ngân hàng cho người dân vay với lãi suất ưu đãi để xây dựng nhiều KTX mini cho sinh viên thuê với giá vừa phải. Ngân hàng, doanh nghiệp, nhà trường và người dân, cùng hợp tác với nhau theo nguyên tắc các bên đều có lợi để xây dựng nhiều KTX, nhằm giải quyết căn cơ tình trạng thiếu chỗ ở cho sinh viên như hiện nay.

Nguyễn Thị Minh Tâm (Sinh viên năm thứ 3 khoa Ngữ văn Trường ĐH Quốc gia TPHCM):

Chúng em không đủ điều kiện để được ở trong các ký túc xá với mức giá ưu đãi, nhưng phải bỏ ra 200.000 đồng/tháng/người để ở cùng với 5 - 6 bạn trong một phòng chưa đến 10m2 không nhà vệ sinh, bước ra khỏi phòng trọ là chỉ gặp quán cà phê và chợ búa ồn ã thì cũng cảm thấy chua chát. Nếu phải trả tiền cao hơn nhưng được ở như các bạn trong KTX thì còn gì bằng. Ai cũng muốn ở nội trú, ở đó không chỉ là môi trường học tập tốt mà còn là một ký ức rất đẹp về thời sinh viên. Mong rằng việc xây dựng thêm KTX khang trang sẽ được nhà nước quan tâm hơn.

Tin cùng chuyên mục