Cần sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Để thực hiện tốt các chuyên đề giám sát này, đoàn ĐBQH TPHCM kiến nghị UBTVQH chỉ đạo tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: QUANG PHÚC
Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: QUANG PHÚC

Báo cáo tại hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Cao Thị Xuân nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát thời gian qua còn những hạn chế nhất định, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. Để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật thời gian qua, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là thực sự cần thiết.

Chia sẻ quan điểm của ĐB Cao Thị Xuân, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị sớm tổng kết và xem xét sửa đổi, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND mới; tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát vào một số lĩnh vực như công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội; công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát.

Quang cảnh hội trường Diên Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC

Quang cảnh hội trường Diên Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử từ Quốc hội đến HĐND các cấp.

“Cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung, sử dụng phần mềm để theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát, công tác giải quyết kiến nghị cử tri, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân để đảm bảo tính liên thông, giảm sự chồng chéo trùng lắp trong hoạt động giám sát”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề xuất.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại diện đoàn ĐBQH TPHCM, Phó trưởng đoàn chuyên trách Văn Thị Bạch Tuyết nhận định, trong năm 2023, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả tích cực, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước.

“Các chuyên đề giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2023 được UBTVQH triển khai đều là những nội dung rất quan trọng, thiết thực để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan không chỉ ở tầm quốc gia, mà còn rất có ý nghĩa đối với quá trình thực thi, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền TPHCM”, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu.

Đáng lưu ý, theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, công tác phối hợp giữa các đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội với đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố ngày càng chặt chẽ, chủ động hơn, sớm hơn, đạt hiệu quả thiết thực. Các báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội, UBTVQH được chuẩn bị rất công phu, đánh giá toàn diện các vấn đề có liên quan, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, bất cập của từng lĩnh vực, nêu rõ nguyên nhân và đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp khắc phục, đã tạo sự chuyển biến tích cực và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.

Báo cáo về việc tổ chức triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2023, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, đoàn ĐBQH TPHCM đã thực hiện đúng theo nhiệm vụ được phân công và chương trình đã đề ra; kịp thời tổ chức một số cuộc làm việc chuyên đề. Trong quá trình triển khai giám sát, các cơ quan chịu sự giám sát đã tích cực hợp tác, đáp ứng yêu cầu của đoàn giám sát.

Tuy nhiên, theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, công tác này vẫn còn một số mặt hạn chế, trong đó, nguyên nhân quan trọng là chất lượng công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Văn phòng đoàn ĐBQH Thành phố, mặc dù từng bước được cải thiện, vẫn chưa tương xứng với yêu cầu, do nhân sự còn thiếu.

Năm 2024, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nhấn mạnh, 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội và UBTVQH đều là các nội dung rất quan trọng, thiết thực để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan, được cử tri và nhân dân rất quan tâm.

Để thực hiện tốt các chuyên đề giám sát này, đoàn ĐBQH TPHCM kiến nghị UBTVQH chỉ đạo tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tiếp tục chỉ đạo, điều phối chặt chẽ hoạt động của các đoàn giám sát, tránh trường hợp các đoàn về làm việc với cùng một địa phương trong thời gian quá cận kề nhau, để đoàn ĐBQH địa phương có điều kiện tham gia đầy đủ và đóng góp tốt nhất vào hoạt động giám sát chung.

Tin cùng chuyên mục