Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, thu nhập giảm sút, thời điểm cuối năm các gia đình công nhân, lao động tại TPHCM không thể mạnh tay chi tiền mua các mặt hàng điện máy mới, mà dè sẻn mua các thứ đã qua sử dụng, để xài tạm hoặc để mang về tặng gia đình ở quê. Nhưng “nghèo còn mắc eo”, nhiều bạn đọc chán nản phản ánh qua đường dây nóng Báo SGGP rằng mua hàng kiểu này chỉ sử dụng được vài ngày là hỏng.
Đồ điện tử cũ hút khách
Anh Nguyễn Tuấn Vũ (ngụ đường Tam Bình, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) chia sẻ: “Hồi đầu tháng 12-2013, triều cường dâng cao làm vỡ bờ bao, vì vắng người ở nhà, không di chuyển đồ đạc kịp nên hầu như toàn bộ đồ điện máy của gia đình tôi đều bị hỏng do ngập nước. Phải sắm lại toàn bộ đồ điện máy là việc vượt ngoài khả năng, tôi chờ dịp khuyến mãi cuối năm của các siêu thị điện máy để hy vọng mua được đồ mới với giá rẻ. Nhưng thật ra nói khuyến mãi lớn mà giá cũng chẳng rẻ được bao nhiêu. Do vậy tôi quyết định mua đồ điện máy cũ về xài đỡ, rồi từ từ sắm dần đồ mới thay thế”.
Phải mất 3 ngày rong ruổi ở các chợ Dân Sinh (quận 1), chợ Nhật Tảo (quận 5), anh Vũ mua được chiếc tủ lạnh 180 lít giá 2,1 triệu đồng, quạt máy giá 400.000 đồng, ti vi giá 800.000 đồng, bếp gas giá 400.000 đồng. Anh Vũ hồ hởi khoe: “Chỉ 5 triệu đồng, tôi đã có gần đủ đồ cần thiết, thay vì chỉ mua được 1 tủ lạnh”.
Do giá khá rẻ như vậy nên nhiều gia đình lao động khác cũng chọn cách mua đồ điện máy cũ. Anh Phan Văn Lộc, chủ một tiệm sửa chữa và bán đồ điện tử, điện lạnh cũ trên đường Võ Văn Ngân (Thủ Đức), cho biết: “Thời gian này các tiệm bán đồ điện máy cũ ở quận Thủ Đức cháy hàng, những hàng tồn từ lâu cũng đã có cơ hội thanh lý. Những năm trước đây, chỉ người lao động thu nhập thấp mới mua đồ điện máy cũ, năm nay khách hàng đa dạng hơn. Các mặt hàng ti vi, đầu máy, tủ lạnh, bếp từ… đã qua sử dụng đều bán chạy”.
Nhiều cách qua mặt khách hàng
Do thị trường đồ điện máy cũ đang hút khách nên gần đây xuất hiện một đội quân thu mua, lùng sục khắp các khu dân cư rao mua đồ điện máy cũ. Các thợ sửa đồ điện máy cũng thường vẽ ra đủ thứ bệnh của món đồ điện máy khách hàng mang đến sửa, chê không còn giá trị gì, để rồi dụ khách hàng bán lại với giá rất rẻ.
Chị Bùi Thu Thảo (ngụ tại quận 9) than: “Thấy tủ lạnh không lạnh nên tôi lên mạng tìm số điện thoại của thợ điện lạnh để gọi tới sửa. Sau một hồi xem xét, người thợ này cho biết tủ hư nặng, tiền sửa còn đắt hơn tiền mua mới mà “bệnh” dễ tái phát, rồi họ gợi ý bán rẻ để họ về lấy linh kiện. Thấy thợ nói vậy, để lại chỉ thêm chật nhà nên tôi đồng ý bán với giá 300.000 đồng. Vài hôm sau chồng tôi vào tiệm đồ điện máy cũ để tìm mua chiếc tủ lạnh khác thay thế thì phát hiện đúng chiếc tủ lạnh của mình vừa bán rẻ đang được bày bán với giá 2 triệu đồng. Hỏi về chất lượng của chiếc tủ này thì chủ cửa hàng nói chất lượng còn rất tốt, máy móc còn zin, chỉ có rơ-le bị lệch nhưng đã được khắc phục”.
Lợi dụng thời điểm đồ điện máy cũ hút khách nên nhiều tiệm bán đồ điện máy cũ đưa luôn cả các mặt hàng kém chất lượng ra bán cho người tiêu dùng. Sau một hồi cự cãi, anh Trần Văn Mười (ngụ tại quận 8) đành phải chi tiền để thay con tụ cho bếp từ vừa mua với giá 280.000 đồng. Anh Mười bực bội kể: “Mặc dù lúc mua có thử rồi, nhưng mang về nhà thì bấm các nút đều không lên điện. Tôi định đem ra đổi nhưng chợ đã tan, phải đợi đến 1 tuần sau tôi mới tìm gặp được người bán thì họ nói không biết, rằng mấy ngày vừa rồi tôi xài không đúng nên mới bị vậy, nếu chịu tiền mua linh kiện thì họ thay giùm”.
Ông Ngô Văn Giảng, một người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề sửa chữa đồ điện tử - điện lạnh, cho biết: “Thực tế đồ điện máy dù cũ hay mới cũng có rủi ro trong quá trình sử dụng mà không ai biết trước được. Nếu biết về đồ điện máy và có kinh nghiệm mua đồ cũ thì sẽ lựa được những món đồ còn “zin”, linh kiện tốt. Do đó, khi có ý định đi mua đồ cũ, tốt nhất nên nhờ người nào đó biết sơ về đồ điện máy, mua ở các cửa hàng có địa chỉ rõ ràng, giao kèo với người bán về chế độ bảo hành, vì những mặt hàng đã qua sử dụng hiếm khi có giấy bảo hành”.
THU HƯỜNG