Trước hết, cần hiểu rằng khiếu nại và tố cáo là hoạt động bình thường trong đời sống dân sự. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc mở rộng dân chủ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó có quyền khiếu nại, tố cáo. Như vậy, điều quan trọng là các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục để người dân hiểu và làm theo pháp luật. Khiếu nại, tố cáo cũng phải làm theo đúng quy định của pháp luật.
Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp ở địa phương, đặc biệt là các đồng chí phụ trách công tác tiếp dân, phải đặc biệt quan tâm đến việc tiếp dân, giải quyết đúng đắn, kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, kiên trì thuyết phục để công dân không khiếu tố vượt cấp, gây mất trật tự nơi công sở, ảnh hưởng không tốt đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Thường vụ cấp ủy các cấp, trước hết là đồng chí Bí thư phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tất cả các cấp ủy, nhất là cấp ủy ở những nơi đang có khiếu kiện phức tạp, phải phân tích, đánh giá tình hình khiếu kiện của dân, xem việc nào đúng, việc nào sai; rà soát các vụ việc, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người phức tạp, bàn kế hoạch, đặc biệt là các đồng chí phụ trách công tác tiếp dân, chỉ đạo, phân công giải quyết tích cực, nghiêm túc trong thời gian sớm nhất.
Chính quyền các cấp ở địa phương, nhất là các đồng chí Chủ tịch UBND, phải trực tiếp giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo ở địa phương mình theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Những vụ việc còn phải chờ chủ trương, chính sách chung của Nhà nước, chưa thể giải quyết sớm thì trả lời công khai cho dân biết.
Các vụ việc đã có quyết định giải quyết đúng chính sách, pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức thực hiện ngay, kiên quyết xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm gây chậm trễ hoặc né tránh việc giải quyết. Trường hợp còn nhiều ý kiến khác nhau thì bàn thống nhất trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể để có kết luận giải quyết dứt điểm. Việc nào khó, ngoài khả năng giải quyết thì xin ý kiến cấp trên.
(Trích bài trả lời phỏng vấn TTXVN của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng)