Cẩn trọng trong định hướng tiêu dùng thân thiện môi trường

Tiêu dùng thân thiện với môi trường theo hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm có lợi cho môi trường, có khả năng tái chế, giảm thiểu chất thải phát sinh ra môi trường trước, trong và sau quá trình sử dụng là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, cần cẩn trọng trong định hướng tiêu dùng mới này, bởi nếu không sẽ còn gây nguy hại nhiều hơn cho môi trường.
Một số siêu thị chuyển sang sử dụng túi tự hủy để góp phần bảo vệ môi trường
Một số siêu thị chuyển sang sử dụng túi tự hủy để góp phần bảo vệ môi trường

Nhiều giải pháp loại trừ rác thải nhựa

Các chuyên gia môi trường cho rằng, xu hướng tiêu dùng thân thiện môi trường trên thế giới là phổ biến. Đơn cử, tại châu Âu, từ tháng 10-2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra lệnh cấm sử dụng túi xốp.

Đồng thời, đưa ra giải pháp buộc nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng phải cộng đồng trách nhiệm trong việc sử dụng, thu gom và tái chế sản phẩm nhựa dùng một lần.

Tại Mỹ và Australia, tuy không cấm đại trà nhưng tại một số bang, thành phố đã cấm sử dụng chai nhựa pet đựng nước uống… Mới đây nhất, lãnh thổ Đài Loan cũng đã cấm sử dụng túi xốp dùng một lần.

Riêng tại Việt Nam, phong trào tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong nhiều năm qua đã dần tạo được những hiệu ứng tích cực trong nhận thức của cộng đồng.

Điển hình nhất là phong trào giảm thiểu sử dụng nhựa thải đã được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đã xây dựng và đưa ra lộ trình hạn chế bán sản phẩm nhựa sử dụng một lần như ống hút, bao bì…

Không chỉ vậy, việc sử dụng sản phẩm tự nhiên (như lá chuối) để gói hàng hóa thay cho bao bì nhựa cũng đang gấp rút triển khai mở rộng.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trung bình mỗi năm, môi trường Việt Nam tiếp nhận khoảng 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, có đến 15% - 20% là rác thải nhựa.

Việc tái chế rác thải gặp nhiều khó khăn do không được phân loại khi chuyển giao và thu gom. Vì vậy, hầu hết lượng rác thải phải xử lý bằng cách chôn lấp, rất lãng phí tài nguyên và nguy hại cho môi trường.

Tăng khả năng tái chế, tái sử dụng

Tuy nhiên, ở góc độ đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhựa Việt Nam cho rằng, việc hướng đến giảm thiểu sử dụng nhựa là cần thiết, nhưng người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất cần tính kỹ đến việc lựa chọn sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa.

Trên thực tế, hiện chưa có nguyên vật liệu mới có thể thay thế hoàn toàn nhựa. Các doanh nghiệp tuy đã đổ chi phí nghiên cứu lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn đang trong giai đoạn… nghiên cứu.

Trước xu hướng mới này, một số nhà sản xuất đã chuyển sang sử dụng giấy thay thế nhựa, nhưng điều này lại gây áp lực rất lớn lên diện tích mảng xanh, vốn hiện nay đang bị thu hẹp nhanh trên thế giới.

PGS-TS Lê Văn Khoa, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, nhận xét ô nhiễm trắng, ô nhiễm nhựa thải đang diễn ra rất nghiêm trọng, không chỉ tại Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới.

Do vậy, hạn chế rác thải nhựa bằng giải pháp giảm thiểu và tiến tới ngưng sử dụng sản phẩm nhựa là rất cấp thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có sản phẩm thay thế nguyên liệu nhựa thì giải pháp hiệu quả nhất là tích cực sử dụng đồ dùng cá nhân, đồ dùng tái sử dụng.

Đơn cử như sử dụng túi dùng nhiều lần, thay vì túi ni lông khi mua hàng tại siêu thị. Hoặc sử dụng chai đựng nước cá nhân thay vì mua nước chai nhựa pet…

Ở góc độ khác, ông Trương Khắc Hoành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng nước Tân Hiệp, cho biết rác thải nhựa đang đe doạ trực tiếp chất lượng nguồn nước cấp cũng như hệ thống xử lý nước.

Rác thải nhựa, nhất là bao bì chứa thực phẩm (ước khoảng 20.000 tỷ túi/năm) được vứt vào hệ thống kênh rạch, sông ngòi và theo dòng nước len lỏi vào hệ thống lọc nước, gây thiệt hại nặng cho các nhà máy xử lý nước.

Trong bối cảnh nguyên liệu thay thế sản phẩm nhựa chưa có, người dân nên xây dựng thói quen phân loại rác thải trước khi chuyển giao. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xử lý rác thải nhựa.

Trên thực tế, rác thải nhựa cũng là nguồn tài nguyên đáng quý trên thế giới. Tại một số nước như Nhật Bản, Đan Mạch, Đức… còn mua rác thải nhựa để làm nguyên liệu sản xuất điện sạch. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đang cần nhập nguyên liệu nhựa thải về để sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nhựa.

Do vậy, cùng với phong trào giảm thiểu sử dụng nhựa thải, việc phân loại, thu gom và tái chế nhựa thải sẽ giúp môi trường phát triển bền vững hơn.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, bộ đang cùng với các địa phương tích cực triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn để gia tăng khả năng tái chế rác thải, nhất là rác thải nhựa.

Do vậy, với sự chung tay của cộng đồng, hoạt động này sẽ giúp cải thiện môi trường hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nhựa nhanh hơn và cao hơn.

Tin cùng chuyên mục