Cần xem xét kỹ lưỡng dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu

Sáng 23-5, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đã trình bày Báo cáo về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Họp tổ tại tổ ĐBQH TTPHCM sáng 23-5
Họp tổ tại tổ ĐBQH TTPHCM sáng 23-5

 Quốc hội đã làm việc tại tổ, thảo luận về những nội dung này.

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, đối với Chương trình năm 2017, một nội dung đáng lưu ý được Chính phủ đề nghị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành là bổ sung vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 3 các dự thảo Nghị quyết về Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự; song chưa đồng tình bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 3 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp mà đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và sẽ xem xét bổ sung sau.

Tại tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM, tuy công nhận tháo gỡ về hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu là cần thiết, song ĐB Trương Trọng Nghĩa tỏ ra rất băn khoăn về việc dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu được bổ sung vào chương trình khá gấp gáp.

Ông Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn: “Vừa rồi vấn đề nợ xấu gây bất ổn lớn cho xã hội, đã có những quyết định gây tranh cãi về việc chủ trương đã hợp lý chưa, tính hết cái giá phải trả hay chưa. Có dư luận cho rằng nghị quyết này có thể giúp một số người thoát khỏi trách nhiệm trong những sai phạm vừa rồi, khiến ngân sách nhà nước phải lãnh mấy chục ngàn tỷ đồng nợ xấu. Làm sao để cử tri và nhân dân tin tưởng là nghị quyết này không nhằm hoặc không vô tình để lọt, không xử lý những sai phạm đó”. ĐB Nghĩa cũng đề nghị cân nhắc việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này dưới hình thức nghị quyết mà không phải là luật (có tính phổ quát hơn).

Chia sẻ lo lắng này của ĐB Trương Trọng Nghĩa, song ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng tình với việc ban hành nghị quyết để khắc phục kịp thời những bất hợp lý trong thực tiễn. ĐB phân tích: “Cốt lõi là nội hàm của nghị quyết như thế nào. Ở TPHCM từng có trường hợp một số luật gây khó khăn rất lớn cho quản lý, điều hành Thành phố và Quốc hội đã ban hành nghị quyết, có tác dụng ngay”.

Nêu quan điểm về một số ưu tiên trong xây dựng pháp luật, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng việc sửa đổi Luật Cán bộ công chức là rất bức thiết, nhưng lại chưa thấy trong chương trình. Một ưu tiên khác là hoàn thiện, ban hành luật về người có công với Cách mạng để thay thế Pháp lệnh hiện hành. Theo ĐB, lẽ ra luật này cần được xây dựng, trình trong năm 2017 và “như thế cũng đã là muộn”, trong khi đây là vấn đề đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Ngoài ra, ĐB Quyết Tâm đề nghị xem xét lại quy trình xây dựng pháp luật để bảo đảm tính chủ động của Quốc hội và nâng cao chất lượng pháp luật. “Nên tính đến việc thành lập có quan chuyên trách của Quốc hội về xây dựng pháp luật”, ĐB Quyết Tâm khuyến nghị.

Tin cùng chuyên mục