Cảng hàng không quốc tế Nội Bài áp dụng mô hình mới giúp giảm chậm, hủy chuyến bay

Sau một thời gian thử nghiệm, từ ngày 1-2, mô hình “Ra quyết định tại cảng hàng không, sân bay” (A-CDM) giai đoạn 1  sẽ chính thức được áp dụng tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài. Hành khách sẽ được hưởng lợi nhờ mô hình mới giúp giảm đáng kể tình trạng chậm, hủy chuyến bay.

A-CDM là quy trình phối hợp giữa các đơn vị, thông qua một nền tảng phần mềm chung
A-CDM là quy trình phối hợp giữa các đơn vị, thông qua một nền tảng phần mềm chung

Theo Cục Hàng không Việt Nam, A-CDM là quy trình phối hợp giữa các đơn vị, thông qua một nền tảng phần mềm chung để các đơn vị chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ công tác ra quyết định tại cảng hàng không, sân bay. Hiện, quy trình tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất chưa hiệu quả do nhiều nguyên nhân: thông tin chưa thông suốt giữa các đơn vị; mỗi đơn vị thực hiện các quy trình riêng rẽ nên chưa tối ưu hóa các tài nguyên.

Bên cạnh đó, các sân bay này đều đang khai thác theo nguyên tắc “đến trước, phục vụ trước”, dẫn đến nhiều trường hợp xáo trộn thứ tự khởi hành. Nhiều máy bay phải xếp hàng chờ đến lượt cất cánh, khó kiểm soát được thời gian lăn

Thêm vào đó, giữa hãng hàng không và các đơn vị phục vụ, quản lý bay cũng chưa có phương án tối ưu để chia sẻ thông tin về quá trình máy bay quay đầu, trạng thái hoãn chuyến theo thời gian thực…

Việc áp dụng mô hình A-CDM với quy trình chặt chẽ sẽ giúp giải quyết các tồn tại của phương thức hiện hành. Thông tin từ Cảng HKQT Nội Bài cho biết, trong thời gian thử nghiệm thực tế, mô hình A-CDM hiển thị trạng thái thực tế máy bay sẵn sàng để rời khỏi vị trí đỗ đạt gần như tuyệt đối, giảm áp lực cập nhật thủ công của các đơn vị mặt đất và hãng hàng không.

Bên cạnh đó, mức độ tuân thủ giờ hoạt động của tổ lái trong khung tiêu chuẩn được thực hiện rất nghiêm túc và chính xác. Chỉ số thời gian lăn của máy bay giảm so với cao điểm năm 2023 khi chưa áp dụng hệ thống. Thời gian máy bay lăn vào vị trí đỗ giảm trung bình trên 30 giây, thời gian lăn ra để cất cánh, giảm gần 3 phút.

Về lợi ích cụ thể đối với các đơn vị liên quan, nhờ áp dụng mô hình mới, các dữ liệu của chuyến bay được cập nhật liên tục và theo thời gian thực, giúp kiểm soát viên không lưu nắm rõ tiến trình quay đầu của từng chuyến bay để ra quyết định chính xác, kịp thời và minh bạch. Với các hãng hàng không và đơn vị phục vụ mặt đất, tiết kiệm đáng kể nhất là chi phí nhiên liệu, nhờ tối ưu hiệu quả khai thác và giảm thời gian lăn của máy bay.

Đối với cảng hàng không, sân bay, hạ tầng cảng hàng không sẽ được nâng cao hiệu quả khai thác tại sân bay, giảm khí thải CO2 ra môi trường đồng thời nâng cao vị thế sân bay trong khu vực và thế giới.

Đối với hành khách, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ được cái thiện, do máy bay giảm thời gian lăn, thời gian dừng chờ, hạn chế bay vòng. Đồng thời, công tác phục vụ hành lý, hàng hóa của chuyến bay sẽ được cải thiện tốt hơn, do các chuyến bay được lập kế hoạch tốt, có thông tin rõ ràng, được tối ưu hóa các khâu.

Hiện, A-CDM đã được phổ biến tại nhiều các sân bay tiên tiến trên thế giới như Changi (Singapore), Incheon (Hàn Quốc), Suvarnabhumi (Thái Lan), Thượng Hải, Bắc Kinh, Hồng Công (Trung Quốc)…

Tin cùng chuyên mục