Phát huy vai trò đầu mối
TPHCM đóng vai trò là trung tâm thương mại của cả vùng phía Nam. Nơi đây là địa chỉ hàng hóa tập trung rồi phân tỏa về khắp các hướng. Hàng ngày, TPHCM phải thực hiện nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm chế biến, đến tươi sống, hàng tiêu dùng sẽ được phân phối từ các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Tây, An Đông, Tân Bình theo chân các chuyến xe tỏa về các tỉnh/thành và khắp các khu vực trên địa bàn thành phố để phục vụ người dân.
Đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng tiêu dùng nên các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM luôn phải có phương án đảm bảo nguồn hàng hóa. Chuẩn bị cho mùa chợ Tết Nguyên đán 2019, 3 chợ đầu mối gồm nông sản Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền sẽ cung ứng các mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc, với số lượng chiếm 60% - 70% thị phần tiêu thụ của thành phố. Hiện tại, lượng hàng hóa nhập về các chợ đầu mối được ghi nhận đạt bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Dự kiến, vào thời điểm cận tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000 - 16.000 tấn/ngày.
Sở Công thương TPHCM cho biết, các chợ bán buôn chuyên ngành và 3 chợ đầu mối đã hoàn tất xây dựng, đưa vào sử dụng, khai thác đầy đủ hạng mục hạ tầng, phát huy hiệu quả, làm đầu mối tập hợp và phân bổ luồng hàng, điều phối nguồn hàng, giúp ổn định giá cả thị trường cũng như định hướng sản xuất theo hướng văn minh, an toàn, hiệu quả. TPHCM hiện có 239 chợ, gồm 3 chợ đầu mối, 14 chợ loại 1, 52 chợ loại 2, 170 chợ loại 3 và chợ tạm. Cũng theo đánh giá của Sở Công thương, mạng lưới chợ đã từng bước được sắp xếp, phân bố phù hợp nhu cầu tiêu dùng của người dân từng khu vực.
Đảm bảo an toàn cho nguồn hàng
Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu, trong dịp tết lại càng phải chú trọng hơn. Chính vì thế, Sở Công thương đã triển khai thực hiện chương trình sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc ngay từ các địa phương sản xuất đang phân phối vào 3 chợ đầu mối. Theo đó, Sở Công thương đã phối hợp với các tỉnh/thành Đông - Tây Nam bộ xây dựng kế hoạch thực hiện công tác sơ chế tại nguồn đối với nguồn hàng nông sản thực phẩm. Sơ chế tại nguồn đã nhận được sự đồng thuận và tích cực phối hợp của sở công thương các tỉnh (như Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp…) nên việc triển khai rất thuận lợi. Đến nay, các mặt hàng củ cải trắng, củ cải đỏ, cải sú, cải sậy, cải thảo đã được sơ chế, đóng gói trước khi đưa vào chợ đầu mối tiêu thụ. Dự kiến, đến thời điểm 31-12-2018 cơ bản hoàn thành việc hàng hóa được sơ chế trước khi đưa vào chợ đầu mối. Chương trình này góp phần kéo giảm lượng rác thải đưa vào thành phố, đồng thời đảm bảo việc tiến tới truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, làm cơ sở quan trọng để xây dựng 3 chợ đầu mối trở thành trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm theo chủ trương mà lãnh đạo TPHCM đã đề ra.
Với nguồn hàng hóa dồi dào, ngoài kênh phân phối là các chợ đầu mối, người kinh doanh tại các chợ, hệ thống cửa hàng tạp hóa len lỏi trong các khu dân cư đã thuận lợi hơn khi các doanh nghiệp là nhà sản xuất, phân phối đến trực tiếp kết nối và cung cấp nguồn hàng. Vậy nên, vào các dịp mua sắm tăng mạnh như mùa tết, người tiêu dùng mua sắm ở bất cứ kênh nào cũng an tâm không còn bị yếm hàng “hét giá chặt chém”. Các chương trình chăm sóc khách hàng của phía nhà sản xuất cũng được các tiểu thương buôn bán lẻ chuyển đến người tiêu dùng. Thậm chí, không ít tiểu thương còn cung cấp thêm cả dịch vụ phục vụ tận nhà cho những khách hàng mối ruột, chỉ cần điện thoại và thông báo danh mục hàng hóa cần mua là sẽ được vận chuyển đến tận nhà.
Với sự phát triển của thị trường bán lẻ, người tiêu dùng ngày càng được lợi, hoạt động mua sắm dễ dàng và thuận tiện hơn. Cũng trong bối cảnh đó, người kinh doanh thì sẽ khó khăn hơn khi số lượng cơ sở kinh doanh ngày càng “nở” ra thêm và người tham gia kinh doanh cũng tăng hơn rất nhiều. Lượng khách hàng giờ đây bị chia sẻ không còn tập trung vào tay của bất kỳ nhà kinh doanh nào. Vì vậy, người bán phải có phương án để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang thay đổi của người tiêu dùng.
Để đảm bảo cho người dân mua sắm, tại các chợ truyền thống, ban quản lý các chợ đẩy mạnh phương án tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết; không kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bản thân các tiểu thương cũng cảm nhận được sức ép cạnh tranh với kênh bán lẻ hiện đại, cho nên càng về sau này, mọi người cũng thay đổi dần cách kinh doanh theo hướng giữ chân và chăm sóc khách hàng tốt hơn. |