
Kỷ niệm 103 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2014)
Cách đây 103 năm, ngày 5-6-1911, từ bến cảng của Sài Gòn (nay là TPHCM), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với cái tên Văn Ba, xin làm phụ bếp trên một chiếc tàu biển của Pháp mang tên Latusơ Tơrêvin. Từ đây, hòa mình vào đời sống của thợ thuyền, người công nhân Văn Ba mang trong mình khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước để đem lại “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.

Bốc dỡ hàng tại Cảng Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG
Lịch sử có những sự trùng hợp thú vị. Từ TP này, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Và cũng từ TP này - một địa phương năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, chịu trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiềm lực của nhân dân - đã tạo ra những mốc son với nhiều mô hình mới. Đây được coi là chất liệu sống đầy sinh động để góp phần hình thành đường lối đổi mới và thực hiện thành công bằng quyết định lịch sử của Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986).
Tiếp nối sự nghiệp của người công nhân Văn Ba - Nguyễn Tất Thành năm xưa và tiếp tục xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng vững mạnh góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Cảng Sài Gòn đã lấy ngày 5-6 hàng năm - ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là Ngày Truyền thống công nhân Cảng Sài Gòn.
Đột phá từ cơ chế
Ngay từ những ngày đầu thống nhất đất nước, Cảng Sài Gòn đã nhanh chóng xây dựng bộ máy quản lý, tiến hành nạo vét, khai thông thêm luồng lạch, phá chướng ngại vật, sửa chữa cầu bến, kho tàng, phương tiện xếp dỡ... để đi vào hoạt động bình thường. Nhờ đó, hàng vạn lượt tàu đã lần lượt ra vào Cảng Sài Gòn, trong đó tàu có trọng tải lớn nhất là 30.000 tấn, dài 200m đã cập cầu Cảng Sài Gòn an toàn.
Từ năm 1986, theo chủ trương đổi mới của Đảng, Cảng Sài Gòn chuyển dần sang chế độ hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Trên tinh thần này, cảng xóa bỏ hàng loạt hình thức quản lý trung gian và thành lập các xí nghiệp thành viên, trao quyền chủ động cho từng giám đốc xí nghiệp. Các phòng ban cũng được tinh giản gọn nhẹ, đảm bảo sự quản lý và vận hành có hiệu lực. Giai đoạn 1989 - 1991, được phép tự trang trải, Cảng Sài Gòn đã mạnh dạn áp dụng các hình thức hoạt động mới, đổi mới cơ chế sản xuất kinh doanh, chi trả lương theo hao phí lao động dưới các hình thức khoán... Kết quả, Cảng Sài Gòn đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo nghĩa vụ nộp ngân sách, kinh doanh có lãi, nâng dần đời sống của CBCNV, tích lũy vốn, phát triển quy mô doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Đến năm 1996, sản lượng thông qua Cảng Sài Gòn có mức tăng hết sức ấn tượng, đạt 7,3 triệu tấn, gấp hơn 3 lần sau mười năm không ngừng đổi mới quản lý, cải tiến kỹ thuật công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Một dự án đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa hầu hết cơ sở hạ tầng và phương tiện làm hàng tiên tiến cho hai khu cảng trực thuộc là Nhà Rồng, Khánh Hội có tổng vốn 40 triệu USD đã được triển khai từ năm 1997 và kết thúc vào đầu năm 2000.
Cùng thời gian này, Cảng Sài Gòn còn sử dụng khoảng hơn 300 tỷ đồng từ nguồn vốn tự bổ sung và vốn ngân sách xây dựng hoàn chỉnh tòa nhà trung tâm điều hành sản xuất, 400m cầu cảng container, khu cảng hàng rời Tân Thuận 2 và cảng tổng hợp tại Cần Thơ. Năng lực thông qua của Cảng Sài Gòn được nâng lên 16 triệu tấn/năm. Từ năm 2001 đến nay, Cảng đã khai thác được mỗi năm trên dưới 11 triệu tấn hàng. Đặc biệt, năm 2009 sản lượng thông qua của Cảng Sài Gòn đã lập kỷ lục đạt 14 triệu tấn hàng hóa.
Mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai
Ngày nay, Cảng Sài Gòn vẫn đang giữ vai trò là thương cảng có quy mô lớn nhất trong hệ thống cảng biển của Việt Nam với hơn 3.000m cầu cảng nằm dọc theo sông Sài Gòn và sông Cái Mép - Thị Vải cùng hệ thống kho bãi, trang thiết bị, công nghệ khá hoàn chỉnh, đã được tổ chức BVQI cấp chứng chỉ ISO 9001:2000 vào năm 2004 về khai thác và cung ứng dịch vụ container. Đây là cảng duy nhất của nước ta có thể tiếp nhận làm hàng cùng một lúc đến 30 tàu biển. Đội ngũ nhân lực được thừa hưởng bề dày truyền thống, kinh nghiệm từ nhiều thế hệ, ngày nay lại càng vững mạnh hơn do được đào tạo chính quy, hiện đại.
Ông Lê Công Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cảng Sài Gòn, cho biết, trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển của quốc gia, Cảng Sài Gòn đã liên kết với những tập đoàn hàng hải mạnh của thế giới để xây dựng 3 cảng hiện đại tại khu vực Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 2.000m chiều dài cầu cảng có thể tiếp nhận tàu đến 80.000 DWT, năng lực xếp dỡ hơn 3,5 triệu TEU/năm.
Theo định hướng phát triển của TPHCM, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè với tổng chiều dài bến 1.800m đã đạt năng lực xếp dỡ 18 triệu tấn hàng hóa/năm. Bên cạnh đó, Cảng Sài Gòn liên doanh với các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện chuyển đổi công năng khu Nhà Rồng Khánh Hội thành cảng hành khách tàu biển, trung tâm dịch vụ hàng hải cùng các công trình công cộng phục vụ nhu cầu sinh hoạt giải trí của người dân TP.
LÝ ĐỨC HIẾU