
Nước Anh đang xôn xao vì chuyện hy hữu xảy ra ở nước này: 2 học sinh đã đâm đơn kiện các bộ trưởng vì quyết định tăng học phí lên gấp 3 lần trong năm học mới với lý do đã vi phạm luật bình đẳng, gây khó khăn đối với các gia đình có thu nhập thấp và các dân tộc thiểu số.

Sinh viên Anh biểu tình tại London vì quyết định tăng học phí của chính phủ.
Vi phạm điều 14 Công ước châu Âu về nhân quyền?
Hai em học sinh là Callum Hurley và Katy Moore cũng gửi kiến nghị yêu cầu chính phủ xem xét lại quyết định tăng học phí đại học lên đến 9.000 bảng Anh (14.600 USD)/năm, gấp 3 lần so với mức phí hiện tại. Báo Guardian cho biết, vụ việc này đã nhận được sự hậu thuẫn của một số luật sư về quyền con người.
Luật sư Phil Shiner, một trong những người làm đại diện cho 2 em học sinh khẳng định việc tăng học phí là vi phạm Điều 14 Công ước châu Âu về nhân quyền, và chính phủ đã không xem xét đến việc thu mức học phí cao hơn có tuân theo luật bình đẳng hay không. Theo quyết định mới, học phí đại học sẽ tăng trong năm tới.
Em Callum Hurley cho rằng mức học phí quá cao sẽ gây ra nhiều rủi ro cho tương lai đất nước và việc đào tạo những tay nghề thực sự cần thiết cho nền kinh tế quốc gia. Còn Katy Moore khi trả lời phỏng vấn, tuyên bố việc tăng học phí như hiện nay sẽ khiến nhiều người sẽ phải lựa chọn xem tấm bằng đại học có đáng để họ ngập trong đống nợ nần hay không.
Dư luận cho rằng, Chính phủ Anh đã vội vàng quyết định tăng học phí khi bỏ qua những phân tích, thảo luận thực tế và không xem xét đến tác động to lớn của chính sách này, sau khi thấy khoản ngân sách dành cho giáo dục trong nhiều năm qua quá cao.
Chính phủ Anh đã thông qua quyết định tăng học phí đại học để bù vào khoản ngân sách dành cho giáo dục đại học đã bị cắt 40% trong chiến dịch thắt chặt hầu bao của chính phủ, nhằm tiết kiệm 83 tỷ bảng (khoảng 130 tỷ USD) từ nay đến năm 2014. Với việc cắt giảm mạnh tay này, hầu hết các khoản trợ cấp giáo dục đại học sẽ không còn. Trong khi đó, việc thu thêm học phí chỉ đủ để các trường bù lỗ chứ không thể duy trì các quỹ khuyến học.
Hậu quả
Quyết định tăng học phí và cắt giảm ngân sách của Chính phủ Anh ngay từ khi mới được công bố đã trở thành một đề tài gây tranh cãi tại quốc gia này từ năm ngoái. Đây là một thông tin gây sốc với giới học đường ở xứ sương mù vì dưới áp lực của chính sách thắt lưng buộc bụng, hơn 50% sinh viên đã không thể tìm được việc làm đủ để trang trải mức học phí hiện hành chứ chưa nói đến việc tăng lên gấp đôi, gấp ba như đề xuất của chính phủ.
Làn sóng biểu tình, bãi khóa của hàng chục ngàn sinh viên, học sinh đã nổ ra tại nhiều thành phố, yêu cầu chính phủ xem xét lại quyết định. Nhưng viện dẫn lý do thâm hụt ngân sách, chính phủ vẫn kiên quyết thực hiện đề án này. Thủ tướng D.Cameron và Phó Thủ tướng Nick Clegg bị chỉ trích đã phản bội lòng tin của giới trí thức trẻ.
Báo Telegraph nhận định, Chính phủ liên minh giữa đảng Dân chủ tự do và đảng Bảo thủ đang chơi một canh bạc nguy hiểm, khi để làn sóng phản đối của giới trí thức trẻ dâng cao, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ gia đình nghèo không đủ khả năng đóng học phí cho con.
Viện Nghiên cứu Demos, Anh, cảnh báo rằng trong năm năm tới, số người thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 của nước này sẽ lên tới 1,2 triệu người. Hiệp hội Sinh viên quốc gia ước tính sẽ có gần 80% số học sinh bị tước mất cơ hội học đại học khi học phí lên đến 9.000 bảng/năm.
Có ý kiến cho rằng nếu không thể hoãn việc thực thi quyết định tăng học phí, chính phủ nên hỗ trợ học phí đại học cho sinh viên trước. Họ sẽ trả tiền lại khi ra trường và có được thu nhập hàng năm từ 21.000 USD trở lên. Nhưng đề xuất này chưa được Chính phủ Anh xem xét và quyết định này vẫn là chủ đề nóng trong thời gian tới ở xứ sương mù.
Thanh Hằng