Cảnh báo nguy cơ báo chí tụt hậu với mạng xã hội

Báo chí trong thời đại mới gắn chặt với truyền thông số, nhất là trong cách mạng công nghệ 4.0. Nếu không tiến kịp, chính báo chí sẽ đi sau mạng xã hội và nguy cơ tụt hậu với mạng xã hội. 

Ngày 10-6, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức kỷ niệm 55 năm thành lập Khoa Báo chí.

PGS-TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Báo chí đã đào tạo cho đất nước và bạn bè quốc tế hơn 13.000 cán bộ báo chí - truyền thông. Có 700 thạc sĩ báo chí, quản lý báo chí đã tốt nghiệp. 130 học viên đang học trình độ thạc sĩ. Gần 80 nghiên cứu sinh ngành báo chí học đang tu nghiệp, trong đó gần 30 người đã bảo vệ thành công, trở thành tiến sĩ.

Đặc biệt trong số đó có cả sinh viên, học viên nước ngoài. Nhiều sinh viên trưởng thành từ khoa báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã và đang giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của cả nước và ở các nước bạn anh em. Nhiều nhà báo, nhà khoa học trưởng thành từ khoa báo chí có uy tín, làm nòng cốt trong giới học thuật về báo chí - truyền thông cũng như đoạt nhiều giải thưởng cao quý về nghiên cứu khoa học, báo chí, văn học - nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế. 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn ghi nhận vai trò của báo chí đặc biệt quan trọng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến những người làm báo. Đội ngũ làm báo hôm nay phải làm sao để xứng đáng với sự nghiệp của báo chí cách mạng Việt Nam mà thế hệ nhà báo các thời kỳ đã gây dựng...

Hiện nay, trong bối cảnh báo chí truyền thông số, Việt Nam có hơn 18.000 nhà báo được Bộ TT-TT cấp thẻ. Dân số Việt Nam 92 triệu người thì có tới 48 triệu người dùng mạng xã hội, đó chính là những người làm báo.

Trong nền báo chí công dân, gần như người nào sử dụng mạng xã hội cũng trở thành người làm báo. Mỗi tài khoản Facebook trở thành một “tòa soạn” và mỗi người dùng Facebook đều trở thành một nhà báo công dân. Tự do bình luận, viết nói trên chính “tòa soạn” của mình. Do vậy, báo chí chính thống phải làm thế nào để định hướng đúng, định hướng được khi 48 triệu người làm báo như vậy.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, báo chí trong thời đại mới gắn chặt với truyền thông số, nhất là trong cách mạng công nghệ 4.0. Nếu chúng ta không tiến kịp, chính báo chí sẽ đi sau mạng xã hội và nguy cơ tụt hậu với mạng xã hội là một nguy cơ hiện hữu. Thế hệ làm báo hôm nay phát huy truyền thống, gắn với thực tiễn, gắn kết với sự tiếp nhận của cách mạng công nghệ 4.0 để tạo dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam trở thành nền báo chí hiện đại, nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc.

Tin cùng chuyên mục