Cánh đồng Cô Hầu

Phong trào nông dân Tây Sơn trước khi khởi sự tại vùng Tây Sơn Thượng đạo đã trải qua một quá trình chuẩn bị lâu dài và gian khổ. Để đoàn kết dân tộc giữa người miền xuôi và miền ngược cùng đứng lên khởi nghĩa, thủ lĩnh Nguyễn Nhạc đã lấy người con gái xinh đẹp của một tù trưởng người Ba Na giàu có trong vùng tên là Ya Đố. Chính người phụ nữ này đã vận động dân làng khai hoang trồng lúa nuôi quân nhà Tây Sơn đánh giặc.
Cánh đồng Cô Hầu

Phong trào nông dân Tây Sơn trước khi khởi sự tại vùng Tây Sơn Thượng đạo đã trải qua một quá trình chuẩn bị lâu dài và gian khổ. Để đoàn kết dân tộc giữa người miền xuôi và miền ngược cùng đứng lên khởi nghĩa, thủ lĩnh Nguyễn Nhạc đã lấy người con gái xinh đẹp của một tù trưởng người Ba Na giàu có trong vùng tên là Ya Đố. Chính người phụ nữ này đã vận động dân làng khai hoang trồng lúa nuôi quân nhà Tây Sơn đánh giặc.

Dấu tích xưa còn đó

Trong một lần về thăm các di tích Tây Sơn Thượng đạo (nay thuộc huyện K’Bang và thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), chúng tôi đã được nghe nhiều người nhắc đến truyền thuyết ly kỳ về một người vợ của Nguyễn Nhạc có tên Ya Đố, hay còn gọi là Cô Hầu. Được anh Nguyễn Văn Tuấn (cán bộ văn hóa UBND xã Nghĩa An, huyện K’Bang) dẫn đường, chúng tôi đến Di tích quốc gia Vườn mít và cánh đồng Cô Hầu - nơi Ya Đố trồng lúa để nuôi quân của tướng công Nguyễn Nhạc, để mục sở thị và tìm hiểu truyền thuyết về người phụ nữ này.

Vượt qua những cánh rừng rậm rạp ở núi Ca Nông, trước mắt chúng tôi hiện ra cánh đồng lúa trải dài mênh mông đang vào độ chín vàng rực. Anh Tuấn chỉ tay về phía những nóc nhà tranh nằm sát cánh đồng, nói: “Tiếp nối truyền thống trồng lúa nước của Cô Hầu, bây giờ nơi đây cũng là đất trồng lúa của người dân Ba Na. Nhà họ ở trong xã nhưng còn làm nhà cạnh đồng lúa để sản xuất. Ở đây có 17 hộ dân tộc Ba Na làm ruộng, mỗi hộ được xã chia cho một sào”. Đi qua những ngôi nhà bên cánh đồng Cô Hầu, chúng tôi gặp anh Đinh H’Lum (Trưởng thôn Cây Kuao, xã Nghĩa An) đang gặt lúa. Anh Đinh H’Lum cho biết: “Mình làm ruộng ở đây từ năm 2000, có lần đang cày ruộng thì nhặt được cái ly uống nước thời xưa. Khi đem tặng cho bảo tàng của huyện, họ nói đó là ly uống nước của nghĩa quân Tây Sơn lúc xưa làm ruộng ở đây. Không biết thực hư ra sao”.

Những cây mít trong vườn mít Cô Hầu đã được gắn biển để bảo vệ

Nhờ anh Đinh H’Lum dẫn đường, chúng tôi tiếp tục băng rừng Ca Nông đến thăm vườn mít Cô Hầu. Trên con đường mòn dẫn vào vườn mít, có nhiều cây mít cổ thụ bị mục, đổ ngã nằm ngang lối đi. Thưa thớt bên đường, có nhiều cây mít còn xanh tươi được gắn biển hiệu. Chúng tôi thử đếm một vòng trong khoảng 1.000m2 có hơn 20 cây mít cổ thụ. Càng đi sâu vào rừng càng gặp nhiều cây mít cổ thụ hơn và có những cây đang ra trái. Anh Đinh H’Lum tâm sự: “10 năm trước, mình đi qua đây còn gặp rất nhiều cây mít có trái và hái về ăn. Nhưng bây giờ gặp ít rồi vì nhiều cây mít bị mục, gãy đổ, nhiều cây bị người ta chặt còn trơ gốc...”. Còn anh Tuấn cho hay, hiện khu Di tích Vườn mít và cánh đồng Cô Hầu ngày càng bị thu hẹp. “Trước đây khu vực này rộng khoảng 80ha nhưng bây giờ chỉ còn chừng 60ha. Từ khi được công nhận di tích quốc gia vào năm 1991 cho đến nay, Di tích Vườn mít và cánh đồng Cô Hầu chưa được đầu tư xây dựng nhiều nên không thu hút khách đến tham quan. Nếu được tỉnh quan tâm xây dựng, nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch về nguồn thú vị”, anh Tuấn trăn trở.

Tình đoàn kết dân tộc

Ông Đinh Xuôi, già làng Cây Kuao, xã Nghĩa An, được cha ông kể lại rằng, trong quá trình vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Nhạc đã vào rừng Mộ Điểu vận động đồng bào Ba Na ở làng Cổ Yểm. Tại đây, Nguyễn Nhạc đã gặp người con gái xinh đẹp nhất vùng - con của tù trưởng trong làng, tên là Ya Đố. Khi Nguyễn Nhạc đang tìm cách “lấy lòng” vị tộc trưởng để giúp mình trong việc quân binh, thì nàng Ya Đố đã “phải lòng” chàng trai người Kinh vai rộng, mắt sáng. Đáp lại tình cảm của Ya Đố và cũng để lấy lòng tộc trưởng, thu phục người dân quanh vùng, Nguyễn Nhạc đã cưới Ya Đố làm vợ.

Từ khi lấy Nguyễn Nhạc, Ya Đố đã tích cực vận động đồng bào Ba Na ủng hộ và đóng góp của cải cho phong trào Tây Sơn. Nhận thấy đất đai trong rừng Mộ Điểu màu mỡ, Nguyễn Nhạc liền giao cho Ya Đố với một số người Kinh giỏi sản xuất, vận động dân làng khai hoang trồng cây lương thực. Cùng với dân làng tìm đất khai hoang trong nhiều tháng, Ya Đố đã tạo nên một cánh đồng hơn 20 mẫu bằng phẳng và đất đai màu mỡ ở xã Nghĩa An để trồng lúa nuôi nghĩa quân. Người dân trong vùng gọi đó là cánh đồng Cô Hầu. Tại đây, Ya Đố còn cho trồng cam, mít được lấy giống từ miền xuôi lên.

Trong thời gian ở với Nguyễn Nhạc, Ya Đố đã nhiều lần xuống miền xuôi lấy giống cam, chanh về trồng khắp làng mình. Tương truyền vườn cam ở Kon Hà Nừng (huyện K’Bang) đã hình thành từ thời bấy giờ. Còn rừng mít ở dãy núi Kon Chơ Ví (xã Nghĩa An) cũng do Ya Đố trồng và đến nay ở đây vẫn còn nhiều cây mít cổ thụ. Không biết cánh đồng Cô Hầu đã cung cấp được bao nhiêu lương thực nhưng lúc bấy giờ, chính sản phẩm từ cánh đồng này đã nuôi nghĩa quân Tây Sơn trong buổi đầu khởi binh dấy nghiệp. Qua sự hướng dẫn của Ya Đố, anh em nhà Tây Sơn đã tìm đến Plei Sýt (xã Nam, huyện K’Bang) và Đê Tung (xã Đông, huyện K’Bang) để mở rộng căn cứ. Tận dụng địa thế núi rừng hiểm trở, Nguyễn Nhạc chọn vùng đất này làm nơi tập luyện, cung cấp lương thực cho nghĩa quân Tây Sơn. Sau 3 năm xây dựng căn cứ ở đây, đến năm 1773, Nguyễn Nhạc đã đưa quân xuống Bình Định giải phóng vùng Tây Sơn Hạ đạo (thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định ngày nay).

Truyền thuyết ở Đê Chơ Gang (nay thuộc xã Phú An, thị xã An Khê) kể rằng, Bok Nhạc (tức Nguyễn Nhạc) thường xuyên vào đây và dừng chân trên hòn đá lớn bên bờ suối Chơ Ngang (tiếng Ba Na gọi là Thông Chơ Ngao). Sau này, khi Nguyễn Nhạc về xuôi, dân Đê Chơ Gang gọi hòn đá đó là đá Ông Nhạc (tiếng Ba Na gọi là Tờ Mo Bok Nhạc).

Cánh đồng Cô Hầu đến nay vẫn được người Ba Na (ở xã Nghĩa An, huyện K’Bang, Gia Lai) trồng lúa

Sơn nữ về với núi rừng

Sau khi lên ngôi, Nguyễn Nhạc đã sai quân lên đón Ya Đố về Quy Nhơn (Bình Định) làm thứ phi. Dù được vua Thái Đức (niên hiệu của Nguyễn Nhạc sau khi lên ngôi) hết mực sủng ái, được Chánh cung Hoàng hậu đối đãi thân tình như chị em ruột thịt, nhưng cuộc sống chốn cung cấm và nghi lễ ràng buộc không phù hợp với sơn nữ Ya Đố. Thứ phi Ya Đố thấy luôn cô đơn, lạc lõng; không quen cảnh phồn hoa, tràn ngập lụa là gấm vóc, người hầu kẻ hạ, không quen dùng các món ăn sơn hào hải vị và Ya Đố nhớ da diết cánh đồng mênh mông trên rừng Mộ Điểu, nơi đã từng thấm mồ hôi, nước mắt của những mộ dân khẩn hoang. Lưu lại thời gian ngắn ở hoàng cung, Ya Đố xin trở về với núi rừng yêu dấu của mình và sau đó mất tại đây. Tương truyền, ngọn núi Tơ Gu cao nhất trong vùng ở huyện K’Bang là nơi an nghỉ cuối cùng của bà Ya Đố. Nằm trên đỉnh núi này, Ya Đố có thể “trông” xuống Quy Nhơn, nơi Nguyễn Nhạc đóng đô.

Dân gian còn kể, trong buổi lễ đưa tang bà, cả vùng núi đông chật người, voi, ngựa và tiếng cồng chiêng vang rền như sấm. Trong tâm thức của đồng bào Ba Na ở đây, Ya Đố là nữ thần trong các chuyện kể, sử thi của dân tộc Ba Na. Trong lễ hội lớn của một số Plei (làng) ở huyện K’Bang, cùng với tiếng cồng chiêng vang thì trong lời khấn của già làng thường có câu:

Ơ thần núi, thần sông/Ơ ông Bok Teng/Ơ bà Ya Đố/Lũ làng xin mời về...

Ya Đố và người dân Ba Na luôn trung thành với nhà Tây Sơn. Nhiều cụ già trong vùng kể rằng, vua Gia Long sau khi tiêu diệt được nhà Tây Sơn đã đưa quân về đây đàn áp và bị người dân chống trả quyết liệt và họ đã rào làng để tự vệ trong một thời gian dài.

Bà Ya Đố là điển hình cho người dân Ba Na ở Tây Nguyên tham gia phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn trong những ngày đầu khởi sự. Mối tình của bà với Nguyễn Nhạc chính là biểu tượng của tình đoàn kết Kinh - Ba Na. Vì thế, vào năm 1991, Bộ Văn hóa - Thông tin (lúc đó) đã có quyết định công nhận Di tích Vườn mít và cánh đồng Cô Hầu là Di tích lịch sử quốc gia của phong trào áo vải Tây Sơn.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục