Tại thị xã Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa, có vợ chồng người mù nghèo, sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Hội Người mù (HNM) tỉnh Khánh Hòa đã đưa họ về trụ sở nuôi dưỡng. Năm 2000 họ sinh một bé trai bụ bẫm với niềm mong mỏi đến cháy lòng là đứa con sẽ được sáng mắt, không sống trong tối tăm như cha mẹ nó. Cháu bé được đặt tên là Bùi Ngọc Thịnh, nghĩa là viên ngọc quý tỏa sáng. Nhưng niềm mơ ước ấy vụt tắt, khi Ngọc Thịnh cũng bị mù bẩm sinh.
Tuy mới 5 tuổi, cậu bé đã biểu hiện rất có khiếu âm nhạc và sáng dạ. Chỉ cần nghe qua một vài lần bài hát nào đó, là em thuộc ngay và có thể hát theo một cách thành thục. Năm 6 tuổi, Ngọc Thịnh được thầy Tâm, một tay trống khá nổi tiếng ở Khánh Hòa dạy đánh trống. Chỉ 6 tháng, em đã biết đánh tất cả các điệu, trở thành tay trống của ban nhạc HNM. Năm 7 tuổi, Thịnh được nghệ nhân Xuân Hoài nhận làm học trò dạy đàn guitar cổ nhạc. Năm sau, em đã đàn thành thạo tất cả bài bản cổ nhạc cũng như đàn bài vọng cổ. Tuy chỉ mới học đàn một năm, mà ngón đàn của cậu bé được các nghệ nhân ở Khánh Hòa đánh giá đây là một thiên tài.
Tiếng đàn của Ngọc Thịnh lạ lắm, hình như trong nó có đủ nào là mưa, gió, sóng gào…, làm người nghe tưởng như lạc vào một trận bão dông hay mưa rã rích. Người học đàn 10 năm cũng chưa bằng. Song song với đánh trống, đàn guitar phím lõm, Thịnh còn tập thêm 5 nhạc cụ nữa là organ, sến, cò, tranh, kìm. Nghệ nhân Xuân Hoài cho biết là bây giờ ông đã hết “ngón đờn” để dạy cho Ngọc Thịnh. Cậu bé tiếp tục học bằng cách nghe đĩa độc tấu của Văn Vĩ, Bảy Bá, Năm Cơ, Văn Giỏi, Ba Tu… Độc đáo ở chỗ là khi lỗ tai nghe thì bàn tay đàn theo tức thì, lấy chữ đàn ngọt xớt. Năm 8 tuổi, Thịnh sử dụng 7 loại nhạc cụ một cách nhuần nhuyễn. Năm 2011, tròn 11 tuổi, đây cũng là năm đánh dấu sự nghiệp âm nhạc của Ngọc Thịnh bước lên tầm cao mới.
Tài năng của em đã được Hội đồng Xếp hạng kỷ lục Việt Nam tìm đến tận Khánh Hòa và chứng kiến em biểu diễn 7 loại nhạc cụ quá điêu luyện. Vậy là Ngọc Thịnh được đưa về TPHCM để nhận bằng kỷ lục Việt Nam sử dụng thành thạo 7 loại nhạc cụ. Năm 2012, Thịnh tròn 12 tuổi, lần này, em được Hội đồng Xếp hạng kỷ lục châu Á đến Khánh Hòa, chứng kiến tận mắt, nghe tận tai, cậu bé 12 tuổi sử dụng chẳng những thành thạo mà còn điêu luyện 7 loại nhạc cụ. Ngọc Thịnh vinh dự đón nhận tấm bằng cao quý do Hội đồng Xếp hạng kỷ lục châu Á trao tặng “Cậu bé chơi được và thành thạo nhiều nhạc cụ nhất châu Á”.
Thịnh vẫn nhớ như in lời của một vị giám khảo trong Hội đồng Xếp hạng kỷ lục châu Á dặn dò “Nếu như phát hiện một thiếu niên khác ở bất kỳ quốc gia nào thuộc châu Á, có khả năng sử dụng hơn 7 loại nhạc cụ, thì danh hiệu của em kể như bị mất”, Ngọc Thịnh tâm niệm, nếu để mất danh hiệu kỷ lục châu Á, đó là điều đau buồn không riêng gì em, mà còn có lỗi với Tổ quốc Việt Nam. Vậy là Thịnh chuyên cần tập luyện nhiều loại nhạc cụ khác nữa. Cho đến hôm nay, em đã sử dụng thành thạo 15 nhạc cụ. Tám nhạc cụ sau này là: piano, mandolin, đàn bầu, hồ cầm, tiêu, gáo, violin, guitar nhạc.
Nghệ sĩ Ưu tú Lê Tứ biết Thịnh qua tìm hiểu trên mạng, Lê Tứ đã mời em xuống biểu diễn hòa tấu, độc tấu nhiều nhạc cụ tại Bạc Liêu và An Giang, ai cũng công nhận Ngọc Thịnh là một thiên tài của quốc gia. Cảm mến tài năng của thiên tài trẻ tuổi và cũng xuất phát từ tấm lòng nhân ái, Lê Tứ đã nhận cậu làm con nuôi và rước về nhà mình tại quận 7 sinh sống để có điều kiện phát huy tài năng. Soạn giả, đạo diễn sân khấu Đăng Minh nhận xét: “Không phải ai nghe qua băng đĩa độc tấu của các bậc thầy như Năm Cơ, Văn Vĩ, Bảy Bá, Văn Giỏi là đàn theo được đâu. Điều này Ngọc Thịnh làm rất tốt, không ai bằng. Nhưng cái hay của cậu là sau khi lấy hết mấy “ngón” của bậc thầy, thì liền biến hóa thành cái của mình, không còn là y khuôn của người khác. Điều độc đáo nữa, ngón đàn của em biến hóa khôn lường, tùy theo tay nghề của bạn đàn mà em có cách đàn khác nhau cho phù hợp. Cũng như đàn cho người ca, cũng tùy người mà đàn chạy chữ làm sao cho người hát không rớt nhịp. Soạn giả, đạo diễn sân khấu Đăng Minh kết luận: “Sau khi đờn, Thịnh quên hết, kêu đờn lại không nhớ. Vì đó là ngón đờn thần, đờn khi tâm hồn bay bổng, bềnh bồng giữa mây trời, tiếng đờn đã thoát tục”.
Ngọc Thịnh bày tỏ: “Vào TPHCM được sự giúp đỡ của các bác, các chú, con thật biết ơn, để đáp lại tình cảm cao quý đó, con nguyện học tập và trau dồi cho tiếng đờn ngày một thăng hoa. Con cũng mong là được đăng ký thi kỷ lục thế giới, vì có nhiều cô chú khuyến khích, con đã đủ điều kiện dự thi, nhưng con không có tiền đóng. Trước mắt, con mong được các chú các bác giúp cho con đi đờn, để có tiền gởi về nuôi cha mẹ”.