Cầu nối đối thoại

Tại Bắc Kinh, Trung Quốc vừa diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc, nhân dịp hai bên kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Trung Quốc và EU là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của nhau, nhưng cả hai bên chưa thống nhất về tiếp cận thị trường, chính sách công nghiệp cùng nhiều vấn đề khác. Gần nhất, hôm 4-7, Bắc Kinh thông báo áp thuế trung bình 32,2% với một số loại rượu từ EU sau khi kết luận các nhà sản xuất EU bán phá giá tại Trung Quốc. Trước đó, Brussels loại các nhà cung cấp thiết bị y tế Trung Quốc khỏi các gói thầu công trị giá trên 5 triệu EUR, với lý do doanh nghiệp châu Âu bị hạn chế tiếp cận thị trường y tế Trung Quốc do chính sách ưu tiên nhà thầu nội địa.

Trong cuộc họp thượng đỉnh nói trên, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, hợp tác của EU và Trung Quốc ngày càng sâu sắc, nhưng mất cân bằng thương mại cũng tăng. Thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục là 306 tỷ EUR (360 tỷ USD) vào năm 2024. Theo Chủ tịch EC, “quan trọng là Trung Quốc và EU phải thừa nhận những mối quan ngại của nhau và đưa ra các giải pháp thực sự”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi Trung Quốc và EU phải tăng cường lòng tin trong một thế giới đầy biến động và tìm ra “điểm chung” bất chấp những khác biệt giữa hai bên.

Ngoài thương mại, EU cũng đặc biệt lo ngại việc Trung Quốc ngày càng chi phối các chuỗi cung ứng chiến lược, từ đất hiếm đến pin và công nghệ xanh. Dù Trung Quốc từng công bố “hành lang xanh” để đẩy nhanh cấp phép xuất khẩu các mặt hàng này cho EU, đến nay tình hình vẫn chưa cải thiện. Môi trường là chủ đề hiếm hoi có thể tạo đồng thuận khi hai bên cùng chia sẻ lợi ích chiến lược trong chuyển đổi xanh. Dù chưa tạo đột phá, các nhà phân tích đánh giá hội nghị thượng đỉnh vẫn là cơ hội để tới đây EU và Trung Quốc giữ cầu nối đối thoại, cùng tìm cách giảm thiểu khác biệt, nhân rộng lợi ích chung trong thế giới ngày càng phân cực.

Tin cùng chuyên mục