Cầu Rạch Miễu: Nối đôi bờ cách trở

Ước mơ đã thành hiện thực
Cầu Rạch Miễu: Nối đôi bờ cách trở

Ngày 19-1-2009, cầu Rạch Miễu bắc ngang sông Tiền, nối hai bờ Tiền Giang và Bến Tre chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây là ngày trọng đại nhất mà nhân dân hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang chờ đợi trong nhiều năm qua. Cầu Rạch Miễu hoàn thành không chỉ xoá bỏ sự ngăn sông cách trở bao đời nay mà còn là một dấu son lịch sử của ngành xây dựng cầu nước ta.

Ước mơ đã thành hiện thực

Cầu Rạch Miễu: Nối đôi bờ cách trở ảnh 1

Các công nhân gấp rút thi công những công đoạn cuối.

Những ngày này, từ ngã ba Trung Lương (Tiền Giang) về chân cầu Rạch Miễu, từng tốp công nhân đang làm việc khẩn trương để kịp xong đường, mừng ngày khánh thành cầu.

Cầu Rạch Miễu đang thổi một luồng sinh khí mới vào cuộc sống của nhân dân nơi đây. Đứng dưới chân cầu Rạch Miễu, hiện ra trước mắt chúng tôi là hai trụ tháp chính cao sừng sững, đứng oai vệ giữa dòng sông Tiền nặng phù sa. Những sợi dây cáp như những cánh tay cứng cáp ôm chặt lấy thân cầu, gối lên hai cù lao xanh mướt vươn ngang sông Tiền. Đi lên cầu, trong gió chướng lồng lộng của vùng đồng bằng sông nước, chúng tôi còn cảm nhận rõ mùi thơm của sơn lan can cầu. Những công nhân vẫn đang miệt mài hoàn thành những công đoạn cuối cùng.

Đi qua khu vực cáp treo, theo đường dẫn, chúng tôi rẽ trái về thăm xã cù lao Thới Sơn (huyện Châu Thành, Tiền Giang). Có lợi thế nằm giữa sông Tiền, không khí mát mẻ, cây trái tươi tốt, cù lao Thới Sơn được tỉnh Tiền Giang đầu tư để phát triển du lịch miệt vườn. Tuy nhiên, trước đây, do giao thông cách trở, tiềm năng của vùng đất cù lao này vẫn chưa được phát huy đúng mức.

Anh Lê Tấn Tú, một người làm du lịch ở cù lao này hồ hởi: “Cầu Rạch Miễu không chỉ giúp dân chúng tôi đi lại dễ dàng mà còn giúp ngành du lịch tại địa phương khởi sắc hơn”. Cầu Rạch Miễu còn có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp tại Bến Tre. Chị Lê Thị Mai Nhi, chủ cơ sở Kẹo dừa Thanh Long vui sướng: “Cơ sở của tôi mỗi ngày phải xuất lên TPHCM và các tỉnh khác khoảng 2 tấn kẹo dừa. Nhiều bữa kẹt phà, hàng đưa lên TPHCM bị trễ chuyến, chúng tôi buộc phải chi phí thêm để hàng chờ chuyến sau, thiệt hại khó kể hết”.

Có cầu Rạch Miễu, sẽ không còn cảnh hàng giờ chờ đợi với đoàn xe kéo dài cả chục km và phải mất gần 20 phút để qua phà; những mặt hàng nông sản xuất khẩu, rồi thủy sản tươi sống chở lên TPHCM nhanh chóng hơn.

Sản phẩm của trí tuệ Việt

Cầu Rạch Miễu nối hai bờ sông Tiền.

Cầu Rạch Miễu nối hai bờ sông Tiền.

Ngày 19-1-2009, được ấn định là ngày tổ chức lễ khánh thành cầu Rạch Miễu. Đây không chỉ là ngày trọng đại của nhân dân hai tỉnh Bến Tre, Tiền Giang mà còn là dấu son lịch sử của ngành giao thông vận tải Việt Nam. Hơn chục năm trước ngành xây dựng cầu nước ta mới chập chững tiếp cận công nghệ dây văng thông qua cầu Mỹ Thuận, nhưng phải đến cầu Rạch Miễu mới thực sự là một dấu ấn lịch sử của ngành cầu đường nước ta.

Nếu như cầu Mỹ Thuận – cây cầu đầu tiên bắc qua sông Tiền có ý nghĩa to lớn nối liền quốc lộ 1A, gắn kết các tỉnh Tây Nam bộ với cả nước thì cầu Rạch Miễu cũng có một ý nghĩa tương tự: Xóa bỏ hoàn toàn vị thế ốc đảo của xứ dừa, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông ĐBSCL. Đó là thành quả ngọt ngào của bao nhiêu tâm huyết, trí tuệ, của khối óc con người Việt Nam. Từ thiết kế đến thi công và giám sát đều do các nhà khoa học, kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện. Vốn thực hiện dự án cũng là vốn trong nước.

Đến thời điểm này, chất lượng các hạng mục đã thi công đều đạt tiêu chuẩn. Theo Ban Giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, trong quá trình thi công đã xuất hiện nhiều khó khăn tưởng chừng khó vượt qua, giá vật liệu liên tục tăng trong khi thủ tục điều chỉnh phức tạp nên chưa kịp thời thanh toán cho các nhà thầu… Mặt khác, đây là công trình Việt Nam thực hiện bằng chính nội lực, một số công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng vì thế phải vừa làm, vừa nghiên cứu áp dụng.

Những hạng mục hết sức khó khăn như 40 cọc khoan nhồi đường kính 2m, chiều dài gần 90m của trụ tháp, hai trụ tháp cao 106m thi công bằng công nghệ mới… Trước những khó khăn không thể lường trước ấy, nhưng với lòng mong mỏi của nhân dân, tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân luôn phấn đấu hết mình, vượt qua để có được thành công như hôm nay. 

Kỹ sư Võ Công Giang, Công ty cầu 12 Cienco 1 tâm sự: “Vừa ra trường mình được điều về đây tham gia xây dựng cầu Rạch Miễu. Qua quá trình làm việc, mình đã đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Giờ này khi cầu đã hoàn thành, mình thấy rất tự hào và hãnh diện vô cùng”.

Có lẽ không riêng Giang mà tất cả những ai đã đổ mồ hôi trên công trình này đều trưởng thành lên rất nhiều. Họ tự tin rằng, sau này chúng ta sẽ xây dựng thêm được nhiều công trình to lớn khác để góp phần minh chứng, khẳng định trí tuệ Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức tin tưởng rằng, trong tương lai, đội ngũ kỹ sư, công nhân của ngành GTVT sẽ làm được thêm nhiều cây cầu dây văng mang thương hiệu Việt tầm cỡ hơn. 

Đình Tuyển

Tin cùng chuyên mục