Sau 5 năm áp dụng Đề xướng cải cách giáo dục kỹ thuật (gọi tắt là CDIO), ĐH Quốc gia TPHCM đã đổi mới căn bản cách thức tổ chức chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy giúp phát triển toàn diện kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực thực hành nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên. ĐH Quốc gia TPHCM đang nhân rộng đề xướng này cho nhiều trường ĐH khác, đưa giáo dục ĐH bắt kịp với chuẩn đào tạo của khu vực và thế giới.
Áp dụng Đề xướng CDIO, nhiều chương trình đào tạo của ĐH Quốc gia TPHCM được quốc tế kiểm định và công nhận.
Hướng đi tất yếu
Theo GS Johan Malmqvist, ĐH Kỹ thuật Chalmers (Thụy Điển) - một trong những nhà sáng lập Hiệp hội CDIO thế giới, Đề xướng CDIO với triết lý đào tạo sinh viên để sẵn sàng làm việc, trở thành những người kỹ sư thành đạt, có trình độ chuyên môn, ý thức xã hội và thiên hướng sáng tạo trong các ngành kỹ thuật.
Từ năm 2000, đề xướng này đã được hình thành do các trường ĐH hàng đầu thế giới về khối ngành kỹ thuật nhằm cải tiến chương trình đào tạo, với mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa giảng dạy và thực tiễn. CDIO đã được nhiều trường ĐH áp dụng như một hệ thống giải pháp đồng bộ giúp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Tính đến nay, Hiệp hội CDIO đã có trên 100 thành viên là các ĐH hàng đầu trên toàn thế giới.
Thực tế cho thấy, mô hình CDIO dựa trên chuẩn đầu ra của mỗi ngành nghề, mỗi trường để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp. So với phương pháp giảng dạy hiện nay là đưa ra chương trình đào tạo trước rồi mới xác định chuẩn đầu ra khiến cho các doanh nghiệp khó tuyển dụng nhân sự, nhất là nguồn nhân lực cấp cao hoặc buộc phải đào tạo bổ sung sau khi tuyển dụng, thì phương pháp tiếp cận CDIO giúp cho việc đào tạo và cung cấp nhân lực đạt chất lượng cao hơn, vì sâu sát với yêu cầu thực tế mà nhà tuyển dụng đòi hỏi. Ngoài ra, mô hình CDIO còn giúp nhìn nhận toàn diện hơn về phương pháp giảng dạy và học tập cũng như đánh giá trình độ của sinh viên, năng lực của giảng viên.
Thực tế cho thấy, giáo dục ĐH có khá nhiều bất cập từ chương trình đào tạo đến phương pháp giảng dạy và học tập, kỹ năng thực hành giáo dục hiện đại của đội ngũ giảng viên và phát triển các kỹ năng nghề nghiệp thông thường cho sinh viên. Trước yêu cầu cần đổi mới, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo triển khai nghiên cứu áp dụng thí điểm cách tiếp cận CDIO trong việc xây dựng chương trình đào tạo và cải tiến phương pháp dạy và học ở 3 cơ sở: ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Bách khoa và ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM). Năm 2010, ĐH Quốc gia TPHCM trở thành đơn vị đầu tiên của cả nước gia nhập Hiệp hội CDIO ở vị trí thứ 56 của thế giới.
Nhân rộng mô hình
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, nhấn mạnh: “Để đạt được chất lượng đào tạo chuẩn mực, nhất thiết phải có sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố như: chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, phương thức đào tạo tiên tiến, phương pháp dạy và học tích cực, môi trường học tập tạo được điều kiện tốt nhất cho người học phát huy tối đa năng lực của bản thân. Tuy nhiên, việc phát triển đồng bộ tất cả các yếu tố này là một thách thức không nhỏ cho bất cứ một cơ sở giáo dục ĐH nào”.
Kết quả triển khai áp dụng CDIO từ năm 2010 đã giúp ĐH Quốc gia TPHCM tìm ra phương thức vượt qua thách thức này. Tính đến năm 2015, tiếp cận CDIO đã giúp 20 chương trình đào tạo tại ĐH Quốc gia TPHCM được công nhận đạt các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế như AUN-QA, ABET. Từ 5 ngành đào tạo đầu tiên áp dụng CDIO vào năm 2010, đến nay ĐH Quốc gia TPHCM có tổng cộng 4 trường, 20 khoa, 45 ngành triển khai CDIO, chiếm 50% trong tổng số ngành đào tạo của ĐH Quốc gia TPHCM.
Kết quả khảo sát chỉ số hài lòng của sinh viên về chương trình CDIO do nhóm giảng viên của Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) thực hiện cho thấy có đến 85,8% sinh viên đồng ý với chương trình khi giảng viên nhiệt tình giảng dạy, 75,39% sinh viên hài lòng khi được giảng viên hướng dẫn và tổ chức làm việc nhóm, 70,35% sinh viên hài lòng vì chương trình đào tạo được tổ chức và quản lý tốt, 70,66% sinh viên cho rằng chương trình giúp họ tăng sự chủ động trong học tập.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết: “Phương pháp tiếp cận CDIO cung cấp các giải pháp phát triển chương trình đào tạo theo cách thức có hệ thống và không bắt buộc, nên các cơ sở giáo dục ĐH hoàn toàn có thể tiếp nhận và áp dụng thích ứng theo nhu cầu và điều kiện riêng của mình. Vốn dĩ là một khung chuẩn cấu trúc mở, phương pháp tiếp cận CDIO cũng đã được áp dụng thích ứng cho nhiều chương trình đào tạo khác nhau ngoài lĩnh vực kỹ thuật”.
THANH HÙNG