Ban tổ chức Hội thi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn TPHCM năm 2020 đang tiến hành chấm điểm nhóm 2 - Sản phẩm ứng dụng AI (AI-Solution), các giải pháp, sản phẩm ứng dụng AI trong sản xuất kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp và phục vụ cộng đồng xã hội. Trong 39 sản phẩm, giải pháp tham gia, nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa, sẵn sàng chuyển giao, ứng dụng vào thực tế. Sản phẩm Drone AI của MiSmart là một minh chứng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Không chỉ ứng dụng trong nông nghiệp
Người nông dân thường bắt sâu trên cây trồng, thậm chí phun hóa chất để diệt sâu, côn trùng, song đó là cách làm cũ, không đảm bảo an toàn và không giải quyết được vấn đề. Mặt khác, có người chọn cách nhanh và triệt để hơn là phun rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, diệt côn trùng và hậu quả nông sản có dư lượng thuốc trừ sâu rất cao. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và giá trị thấp cho nông sản.
Để góp phần giải quyết vấn đề trên, Công ty MiSmart đã nghiên cứu công nghệ máy bay không người lái (Drone) với khả năng chụp ảnh và chuyển hình ảnh về máy chủ để phân tích. Với “Hệ thống AI xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái”, ứng dụng sẽ phát hiện điểm bị sâu bệnh và qua các thuật toán AI, drone sẽ phun thuốc trừ sâu đúng chỗ cây trồng bị sâu bệnh. Bằng cách khoanh vùng, sẽ giúp tiết kiệm đến 99% thuốc, tức thuốc trừ sâu chỉ phun đúng khu vực cần phun.
Hệ thống AI của MiSmart cũng ghi nhớ phần diện tích cây trồng đã bị phun thuốc trừ sâu để khi thu hoạch, sẽ đánh dấu khu vực nông sản bị phun thuốc, góp phần đảm bảo nguồn gốc nông sản, xây dựng sản phẩm nông nghiệp sạch.
Anh Phạm Thanh Toàn, CEO của MiSmart, cho hay, thiết bị Drone cùng hệ thống AI của MiSmart bay trên những cánh đồng cây trồng, phát hiện những điểm sâu bệnh và phun thuốc, giúp tiết kiệm đến 99% thuốc, đồng thời tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch. Drone của MiSmart không chỉ ứng dụng trong nông nghiệp mà còn có thể ứng dụng trong đo đạc bản đồ, số hóa bản đồ với sự hỗ trợ đắc lực từ các thế hệ Drone thông minh, mạnh mẽ; thực hiện hoạt động cứu hộ, hỗ trợ cứu hộ tại các địa hình phức tạp, nguy hiểm với các loại máy bay điều khiển từ xa. Việc quản lý rừng hay trên diện tích đất rộng lớn cũng có thể thực hiện thông qua Drone. Hiện phần mềm ứng dụng AI cho Drone quản lý rừng do MiSmart thiết kế cũng đã được hoàn thiện.
Làm chủ phần cứng lẫn phần mềm
MiSmart được sáng lập với 2 thành viên chính là anh Trần Phi Vũ, Tiến sĩ về UAV của Đại học New South Wales và anh Phạm Thanh Toàn với 6 năm kinh nghiệm về Big data và Machine learning. Hai thành viên đã dành 2 năm để tạo nên MiSmart với Drone cùng phần mềm bay ứng dụng AI.
Drone của MiSmart được thiết kế hoàn toàn bằng sợi carbon fiber, cứng hơn 5 lần so với titanium và nhẹ hơn nhôm. Drone có khả năng chở được 22 lít nước/thuốc với thiết kế phun sương. Khi phun hóa chất, thuốc sẽ được làm mịn với kích thước 100nm, tăng khả năng thẩm thấu của cây trồng lên đến 90% và tiết kiệm 99%. Drone của MiSmart được thiết kế với chế độ bay phù hợp nhiều loại địa hình, như đồng ruộng bằng phẳng, vườn cây ăn trái, đồi núi dốc. MiSmart có nhà máy với năng lực sản xuất 100 Drone/tháng, đã bán được hơn 20 Drone nông nghiệp với ứng dụng AI và hợp tác với các công ty làm dịch vụ phun tưới… doanh thu đạt hơn 4 tỷ đồng. MiSmart dự kiến doanh thu năm 2020 là 10 tỷ đồng và tăng trưởng 50% mỗi năm.
Trước đây, để triển khai Drone AI phải dùng Drone có camera sensor cận hồng ngoại (sử dụng camera AI) với giá rất đắt, song, với cách làm của MiSmart, chỉ là camera có độ phân giải cao giá rẻ hơn nhưng nhờ phần mềm ứng dụng AI nên hiệu quả hơn. Thiết bị Drone do Công ty MiSmart nghiên cứu và thiết kế với tỷ lệ nội địa hoá trên 70%.
“Khác biệt với sản phẩm của MiSmart là sau khi Drone chụp ảnh gửi về máy chủ, ứng dụng AI phân tích hình ảnh bất thường trên đồng ruộng, Drone sẽ bay đến vùng có hình ảnh bất thường để tiếp tục chụp và nhận dạng vùng sâu bệnh. Qua hình ảnh camera gửi về, AI có thể phân tích được các loại sâu bệnh và đưa ra hướng giải quyết”, CEO Phạm Thanh Toàn cho biết.
Mẫu Drone Mis GA-22 và Mis TH-16 vừa được MiSmart ra mắt sẽ giúp nhà nông chăm sóc cây trồng hiệu quả hơn so với cách làm truyền thống. Người nông dân có thể sử dụng MiSmart ở chế độ tự động, bán tự động hoặc bằng tay, thiết bị được thiết kế chống bụi, chống nước. Nó có thể gấp gọn lại khi sử dụng xong. Chiếc máy bay này có thể được lập trình để hỗ trợ phun thuốc bảo vệ thực vật trên một diện tích đất nông nghiệp lớn, di chuyển linh hoạt bay lên, hạ xuống hoặc chuyển hướng theo địa hình. GA-22 của MiSmart với 6 cánh quạt để nâng thiết bị và thiết kế full carbon fiber có khả năng chịu tải trọng đến 22kg. Thiết bị này còn chống nước, chống bụi và chống ăn mòn. Dưới thân của GA-22 là một bình phun 22 lít được tiếp liệu qua 4 đầu phun hướng xuống thông qua một hệ thống phun áp lực. |
Sản phẩm AI đi vào đời sốngTrong nhóm sản phẩm ứng dụng AI (AI-Solution) của Hội thi AI trên địa bàn TPHCM năm 2020, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã gửi sản phẩm, giải pháp dự thi. AI xử lý thông tin giao thông Mô hình AI xử lý thông tin giao thông của Học viện Hàng không Việt Nam là giải pháp AI với Deep learning, có thể kết nối với camera giám sát trên đường phố, giúp phát hiện các phương tiện đi trên đường và có khả năng theo vết, thông tin số lượng phương tiện tham gia giao thông, mật độ phương tiện giao thông. Dựa vào đó, hệ thống có thể đưa ra dự báo kẹt xe ở khu vực nào để có giải pháp kịp thời, đồng thời có thể dựa vào mật độ xe để tính toán thời gian bật/tắt đèn đỏ phù hợp tại các nút giao giao thông lớn, giúp điều tiết giao thông tốt hơn. Giải pháp có thể theo vết phương tiện trên cao tốc, tính toán vận tốc và bắt lỗi vượt quá tốc độ mà không cần lực lượng quản lý giao thông phải ra trực tiếp ngoài hiện trường. Ứng dụng hỗ trợ lái xe an toàn Để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, nhóm dự thi MOBILE - NET đã đề ra ý tưởng về việc tạo ra “Ứng dụng hỗ trợ lái xe an toàn”. Theo đó tài xế sẽ được cảnh báo khi xe của họ lấn làn đường, cảnh báo khi gặp biển báo giao thông, từ đó có thể tránh được các vụ tai nạn đáng tiếc. Ứng dụng có hai chức năng chính: nhận diện biển báo giao thông và phát hiện làn đường trong thời gian thực. Bằng AI, ứng dụng có thể nhận diện biển báo giao thông từ xa, phát hiện làn đường chính xác. Hiển thị các kết quả lên màn hình và thông báo đến người lái xe qua âm thanh, giao diện trực quan và dễ sử dụng. Ứng dụng được tích hợp lên một KIT nhỏ gọn thuận tiện cho việc thiết kế và lắp đặt vào xe. Kết nối sự kiện MPLIFY EVENTS MPLIFY EVENTS là giải pháp giúp kết nối, tương tác giữa ban tổ chức sự kiện với tất cả người tham dự, đồng thời giúp quản lý hậu cần sự kiện thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh của Công ty TNHH MPLIFY Việt Nam. Thông qua giải pháp, mọi công tác quản lý, kết nối và tương tác từ quảng bá sự kiện, bán vé online, check-in bằng mã QR, chia sẻ tài liệu hình ảnh, truyền hình trực tiếp, quản lý khách mời, thông tin sự kiện… đều được thực hiện trên điện thoại di động giúp giảm thời gian, công sức trong quản lý, tăng hiệu quả và trải nghiệm cho sự kiện với công nghệ số hóa. Tự động hóa quy trình đăng ký khám chữa bệnh LV-PAR Đây là giải pháp của của Công ty CP Tin học Lạc Việt. Khi ứng dụng giải pháp này, hệ thống giúp người bệnh tự chọn chuyên khoa và đăng ký bác sĩ. Đến bệnh viện, người khám bệnh tự kiểm tra thẻ BHYT, trả phí đăng ký, in phiếu đợi… Với ứng dụng từ AI, Lạc Việt xây dựng hệ thống nói trên với ứng dụng xử lý ngôn ngữ tiếng Việt, công nghệ chatbot và có ứng dụng nhận diện khuôn mặt, điện toán đám mây và di động để tiện cho các đơn vị khai thác, vận hành. Hệ thống Tự động hóa quy trình đăng ký khám chữa bệnh LV-PAR còn có khả năng liên kết với cổng BHYT quốc gia, tích hợp với các hệ thống quản lý bệnh viện và kết nối với các ứng dụng không dùng tiền mặt. TẤN BA ghi |