Điện ảnh Việt Nam trên đường hội nhập

Chấn hưng điện ảnh cần bắt đầu từ gốc

Điện ảnh không nằm ngoài quy luật phát triển chung của nghệ thuật là từ đơn giản đến phức hợp tiến tới chuyên nghiệp. Tầm ảnh hưởng của điện ảnh rất sâu rộng, vì thế, nhiều nước đi tắt đón đầu bằng điện ảnh, thậm chí dùng rất nhiều trong giáo dục, minh họa phụ trợ trong nhà trường. Và đầu tư mọi nguồn lực cho điện ảnh được nhiều nước xem như góp phần phát triển văn hóa dân tộc.

Ở nước ta, điện ảnh đang cất bước chậm chạp bằng tự thân vận động của những hãng phim, nhà sản xuất tư nhân. Sự manh mún nhỏ lẻ tới mức chi phí một phim nhựa hơn 1 triệu USD đã được xem là “đỉnh cao”.

Một bộ phim có thể huy động tới ngàn người tham gia, nhưng chịu trách nhiệm chính về nội dung và nghệ thuật thì chỉ có một người đạo diễn. Nhưng thử hỏi ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu đạo diễn cập nhật được kiến thức mới nhất của nghề làm phim. Không ai phủ nhận quá trình tự học hỏi nhưng chúng ta đều biết, chu trình lạc hậu của kiến thức và ngôn ngữ thường là 5 đến 10 năm, trong đó, với điện ảnh còn ngắn hơn, chỉ khoảng 4 đến 7 năm. Có nghĩa, với vốn liếng học tập ở thập niên 80 - 90 thế kỷ 20 thì đến nay kiến thức đã rơi rụng, phải tự đào tạo và tái đào tạo khẩn cấp. Chưa nói đến sự vận hành đồng bộ của các khâu kỹ thuật như kỹ xảo, lồng tiếng, làm hậu kỳ... hết sức công phu và đổi mới liên tục.

Ngôn ngữ điện ảnh cũng nằm trong phạm trù tự đào thải khắc nghiệt ấy. Nó thay đổi rất nhanh như ngôn ngữ nói, cứ vài năm, kho từ vựng thông thường lại được bổ sung bằng những khái niệm mới. Cũng chỉ vài ba năm, dung mạo phim đã khác hẳn, gắn với nhịp độ phát triển của xã hội chứ không thể xơ cứng cũ kỹ. Cho nên đạo diễn điện ảnh giỏi rất giống với một bác sĩ cao tay nghề, phải cập nhật liên tục các biệt dược mới thì sẽ không lạc hậu, tìm ra phác đồ điều trị hiệu quả. Điện ảnh cũng phải tiếp thị các nhu cầu, phát hiện và tiên lượng chính xác thị hiếu chung của người thưởng ngoạn và cho ra đời những tác phẩm tươi mới, thu hút người xem.

Về thực lực hiện có, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ đạo diễn có nghề lâu năm, ít nhất chúng ta phải chờ đợi số tài năng trẻ đang được đào tạo bài bản (kể cả du học tự túc trở về nước) thì mới đáp ứng được yêu cầu có phim Việt Nam chất lượng cao và thường xuyên trên màn ảnh rộng phục vụ khán giả (xin chưa đề cập phim truyền hình).

Về diễn viên, chúng ta có thể tuyển chọn và đào tạo bằng nhiều phương pháp, nhưng điều đáng buồn hiện nay là diễn viên nhà nghề đang khủng hoảng thừa (một phần vì luống tuổi), trong khi “măng chưa mọc”. Yêu cầu làm phim đang gấp gáp nên không thể tránh khỏi tình trạng những người “dạo chơi” với điện ảnh (đa số ca sĩ, người mẫu tay ngang) rất nhiều, để đáp ứng tiêu chí thu hút khách.

Trong khi đó, quy luật của điện ảnh cũng như âm nhạc và múa (thuộc nhóm biểu thị ngôn ngữ - ngoại hình) là tài năng không xuất hiện nhiều cùng lúc, mà lúc nhặt lúc thưa, không có hằng số bất biến. Và cách tốt nhất vẫn là con đường tuyển chọn năng khiếu trẻ, gửi đi đào tạo ở nước ngoài theo mô hình của Hàn Quốc từng thành công (nhà nước họ đã tuyển, tài trợ 300 người tu nghiệp tại Mỹ về ngành điện ảnh trong cuộc “cách mạng” nghệ thuật thứ bảy - hàng chục năm trước).

Một yếu tố quan trọng khác là cơ sở hạ tầng: dây chuyền công nghệ và rạp chiếu phim. Việc này rất cần đến hoạch định chính sách lâu dài của Nhà nước ta với tầm nhìn xa dành cho những khu liên hợp các hoạt động văn hóa nghệ thuật lâu dài cỡ 10 đến 20 năm. Theo đó, sẽ có những cơ cấu hoàn toàn mới về hạ tầng, trang thiết bị hiện đại được bảo trì thường xuyên để có thể hoàn chỉnh toàn phần bộ phim, cũng như trình chiếu. Khi có đề án các cụm rạp thì mời gọi đầu tư sẽ mang tính khả thi.

Trong bối cảnh nền kinh tế đã giải quyết tốt “đầu ra” bằng hàng chục khu chế xuất và khu công nghệ cao, giãn dân và tạo ra hàng triệu việc làm; riêng môn điện ảnh, hệ thống rạp chiếu phim vẫn giữ nguyên hiện trạng “đầu to” ở khu trung tâm các thành phố lớn. Như ở TP Hồ Chí Minh, tạm đơn cử 3 cụm dân cư lớn: vùng quận 2, Thủ Đức, quận 9; vùng Bình Chánh, Bình Tân, Phú Lâm hoặc quận 12, Hóc Môn, Củ Chi… là những vùng đất rộng dân đông, kinh tế phát triển mạnh cùng nhu cầu thưởng ngoạn cao nhưng chưa có một rạp chiếu phim. Thực tế ấy đang cần một cái nhìn của nhiều ngành, nhiều cấp, từ tổng quan chiến lược vĩ mô tới tỉ mỉ chi tiết đối với phát triển văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng.

Và chỉ có Nhà nước quan tâm thật sự thì mới giải quyết được những vấn đề lớn mang tính lâu dài như vậy. Về vấn đề này, mô hình rất rõ nét của Ấn Độ là đáng học hỏi. Ngân hàng công nghiệp của họ đầu tư vào điện ảnh, nhà nước họ tập trung hoàn thiện và nâng cấp 450 khu phức hợp chiếu phim trong kế hoạch 5 năm đến 10 năm. Kể từ năm 2001 đến nay, điện ảnh Ấn Độ đã tương đối hoàn chỉnh về tổng thể để cất cánh. Nhờ tự tạo nguồn lực mạnh mẽ, các tập đoàn công nghiệp điện ảnh Mỹ đã để ý và cùng tham gia hợp tác bằng cách mua cổ phần, trên nền tảng của chính Ấn Độ. Và Ấn Độ đã có 3 hãng phim được niêm yết trên thị trường chứng khoán Luân Đôn, đưa nguồn vốn lên trên 200 triệu USD tính đến giữa năm 2007.

Có thể thấy, ngoài đội ngũ đạo diễn, diễn viên mới cần được đào tạo chuyên sâu thì công sản, đất đai được quy hoạch đúng hướng, ưu tiên cho mục tiêu văn hóa xã hội trong đó có điện ảnh, chính là sự đầu tư sinh lời nhiều về kinh tế, giáo dục. Nếu như Nghị định 96 do Chính phủ ban hành tỷ lệ chiếu phim Việt Nam là 30% trên truyền hình và 20% tại rạp, thì việc song hành đào tạo và quy hoạch sớm các vùng “đất vàng” tương lai gần dành cho công nghiệp điện ảnh là rất khẩn thiết. Đó chính là cái gốc đi đến thành công.

Nguyễn Quý Toàn
(Quận 1 TPHCM)

Tham gia Diễn đàn văn hóa xin gửi về Báo SGGP, 438 Nguyễn Thị Minh Khai Q3
hay email: ngulongsggp@yahoo.com.vn

Tin cùng chuyên mục