Chất vấn tại kỳ họp lần thứ 5 HĐND TPHCM khóa VIII: Trả lời chưa thỏa đáng

Ngân hàng đã đến từng DN?
Chất vấn tại kỳ họp lần thứ 5 HĐND TPHCM khóa VIII: Trả lời chưa thỏa đáng

Chiều qua 12-7, ngày họp thứ 2 HĐND TP khóa VIII - lần 5 đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình kinh tế - xã hội TP 6 tháng đầu năm; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; xử lý nước thải y tế trên địa bàn TPHCM.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Ngân hàng đã đến từng DN?

ĐB Nguyễn Thị Bích Thủy hỏi: Lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm nhưng nhiều DN chưa tiếp cận được vốn, vì sao? ĐB Dương Văn Nhân truy: Có phải do thắt chặt quá mức chính sách tăng trưởng tín dụng dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp?

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN chi nhánh TPHCM, cho biết, 6 tháng đầu năm hoạt động tín dụng của ngành NH trên địa bàn có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ khá nhiều. Vì vậy, định hướng đến cuối năm, các NH thương mại phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bằng nhiều giải pháp như: yêu cầu các NH thương mại ngồi lại với DN để cơ cấu lại nợ, định lại kỳ hạn nợ nhằm làm giảm giá thành sản phẩm của DN, giảm nợ xấu cho các NH. Việc miễn, giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng cũ đang được các NH thương mại thực hiện theo yêu cầu của thống đốc chậm nhất đến 15-7 phải hoàn thành.

“Sau thời gian này, NH nào vi phạm hoặc DN nào phải vay với lãi suất cao hơn mức 15%/năm có thể báo để chúng tôi kiểm tra, xử lý ngay” - ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định. Ông Minh hứa: “Ngân hàng sẽ là bạn đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Tính đến hết tháng 6, các NH đã giải ngân cho 4.200 DN vay vốn với lãi suất từ 12% - 13%/năm với tổng số tiền 25.240 tỷ đồng. Mới đây, NH chủ động phối hợp làm việc với quận Tân Bình và giải quyết cho 11 DN vừa và nhỏ vay với số tiền gần 100 tỷ đồng với lãi suất từ 12% - 13%/năm. “Các giải pháp này sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới”, ông Minh cho biết. Tuy nhiên, ông Minh cũng nhận khuyết điểm khi vẫn còn một số NH thương mại cổ phần thực hiện chậm trễ về giải pháp áp trần lãi suất cho vay mới.

Một số ĐB thẳng thắn chất vấn lãnh đạo NHNN chi nhánh TP về quá trình thanh tra, kiểm tra nội bộ của ngành NH, hệ thống NH, tại sao để đến khi các sai phạm xảy ra mới biết? Trả lời vấn đề này, ông Minh thừa nhận khuyết điểm về đạo đức, tiêu cực của một số cán bộ NH đã ảnh hưởng đến toàn ngành. “Tuy nhiên, ngành NH có nhiều rủi ro cả khách quan và chủ quan. Một số NH thương mại không chấp hành quy định các cơ chế của NHNN về ngoại hối, định giá. Thiếu trách nhiệm, có tiêu cực trong hoạt động đầu tư, kinh doanh gây tổn thất, ảnh hưởng đến độ an toàn của ngành mình” - ông Minh nhìn nhận.

ĐB Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, để giải quyết khó khăn của cộng đồng DN hiện nay cần có vai trò của nhiều phía: nhà nước (trung ương, địa phương), NH, DN và các hiệp hội ngành nghề… Theo bà Hồng, mới đây, NHNN cho phép các NH thương mại được tự xem xét cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ và khoanh nợ cho DN để có cơ hội tiếp cận vốn vay mới. Tuy nhiên, thống đốc để các NH thương mại tự xem xét, phải hiểu từ này như thế nào chứ không thể nói chung chung được. Do đó, bà Hồng đề nghị người đứng đầu NHNN có buổi họp để giải đáp và bàn hướng tháo gỡ khó khăn cho DN theo Nghị quyết 13 của Chính phủ.

95% lượng nước thải y tế đã qua xử lý đạt chuẩn (!?)

“95% lượng nước thải y tế đã qua xử lý đạt chuẩn”, công bố này của Sở Y tế đã nhận nhiều câu chất vấn. ĐB Trần Trọng Dũng hỏi: “Con số 95% có đáng tin cậy trong khi theo báo cáo của TP có đến 50% bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống nhưng không đạt chuẩn”. ĐB Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP truy tiếp: “Theo tôi biết trong 285 phòng khám đa khoa và chuyên khoa không có hệ thống xử lý nước thải thì có 200 cơ sở về nha khoa. Các cơ sở này đều đổ nước thải vào hệ thống chung nên cử tri rất bức xúc. Vậy Sở Y tế giải quyết tình trạng này ra sao? Khả năng đến cuối năm 2012 TP sẽ giải quyết hết những cơ sở chưa có hệ thống xử lý?”.

Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Văn Biết cho rằng, tổng khối lượng nước thải y tế của TP thải ra khoảng 17.000m3 mỗi ngày, trong đó đã xử lý được 16.000m³/ngày, chiếm tỷ lệ 95%. Đến ngày 10-12, hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở còn lại sẽ làm xong là… khả thi! Chưa thỏa mãn, ĐB Dũng hỏi lại: “Tôi hỏi tỷ lệ xử lý nước thải đạt quy chuẩn QCVN 28 là bao nhiêu, chứ không phải tỷ lệ xử lý nước thải đã… qua xử lý, xin anh cho biết?”. Ông Biết không trả lời cụ thể mà lại đưa ra những thông tin về tiến độ thực hiện dự án, quy chuẩn QCVN 28 được TP triển khai từ khi nào…

Về câu hỏi của ĐB Đông, ông Biết cũng khá lúng túng: “Nếu các cơ sở thu gom vào hệ thống chứa thì sẽ có cơ quan chức năng đi thu gom nước thải này (!?)”. ĐB Huỳnh Công Hùng truy: “Chính Sở Y tế cấp phép trực tiếp cho các cơ sở y tế tư nhân. Vậy một khi những cơ sở này không có hệ thống xử lý nước thải thì tại sao lại cấp. Nếu mình kiểm soát ngay từ gốc thì đâu phải chạy theo xử lý như hiện nay. Lẽ ra phải quản lý từ gốc chứ ai lại quản lý cái ngọn”.

Theo ĐB Hùng, Sở Y tế không nên ôm việc cấp phép mà nên giao cho quận, huyện để công tác kiểm tra, xử lý được sát sao và hiệu quả. “Như vậy Sở Y tế đã cấp bao nhiêu giấy phép mới cho các cơ sở khám chữa bệnh chưa có hệ thống xử lý nước thải? Ai là người thực hiện kiểm tra vận hành hệ thống này? Thanh tra Sở Y tế hay đưa về quận, huyện quản lý?”, ĐB Hùng hỏi tiếp. Đỡ lời cho ông Biết, ông Phan Văn Báu, Phó Giám đốc Sở Y tế đáp: “Gần đây không có cơ sở mới nào được Sở Y tế cấp phép vì không đủ điều kiện mà đa số là cấp phép trước đó!”.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm hỏi thêm: “Nói là sẽ xử lý nghiêm nhưng nghiêm như thế nào, xin sở đưa ra giải pháp cụ thể”. Với câu hỏi này, ông Biết khẳng định: “Tư tưởng của chúng tôi là sẽ xử lý nghiêm”.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng Sở Y tế trả lời chưa thỏa mãn những vấn đề mà đại biểu đặt ra, biện pháp thực hiện mâu thuẫn với giải pháp đề ra. Vì vậy đề nghị Sở Y tế phải nghiên cứu kỹ những giải pháp khả thi dựa trên những thực tiễn đang tồn tại để có sức thuyết phục và gửi văn bản trả lời cho đại biểu sau.


Cần thay đổi quy trình về giải tỏa, tái định cư

* TPHCM sẽ có các tên đường Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Mai Chí Thọ

Buổi thảo luận tại hội trường của các đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM vào sáng 12-7 tiếp tục nóng với nhiều ý kiến về quy hoạch treo, giải tỏa, tái định cư…

Các đại biểu biểu quyết thông qua các tờ trình tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Các đại biểu biểu quyết thông qua các tờ trình tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Rà soát tất cả quy hoạch treo

ĐB Lâm Đình Chiến cho rằng quy hoạch treo ở TPHCM quá mênh mông, phải rà soát tất cả để xác định nguyên nhân và tháo gỡ. Theo ĐB Trịnh Xuân Thiều, công tác quy hoạch, đền bù, giải tỏa hiện nay như đang làm theo quy trình ngược, khiến người dân có cảm giác là “ép dân”! Lẽ ra, khi giải tỏa phải tính trước nơi ở cho dân để bố trí vì an cư mới lạc nghiệp, đằng này giải tỏa xong dân chưa biết đi đâu, ở đâu. Do vậy, cần thay đổi quy trình trong công tác này để việc đền bù giải tỏa không còn là nỗi bức xúc của dân.

Đề cập cụ thể đến dự án tái định cư 400 nền ở chợ Bình Điền (quận 8), ĐB Trần Quang Thắng cho rằng, với mức hỗ trợ 300.000 đồng/nhân khẩu/tháng đã 8 năm nay, khiến người dân rất bức xúc. Đã tạm cư lâu như vậy nhưng dự án vẫn giẫm chân tại chỗ, cuối cùng trách nhiệm này của ai? Ông Lê Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) được yêu cầu giải trình thêm. Ông Tùng cho biết, Satra là chủ đầu tư toàn bộ khu chợ Bình Điền, dự án có vốn đầu tư ngân sách. Trước đó dự án tái định cư 400 nền ở chợ Bình Điền được TP và UBND quận 8 giao cho một công ty tư nhân. Đơn vị này thi công chậm nên dự án sau đó được giao cho Công ty CP Phú Mỹ Lợi. Satra đã ứng cho cả hai công ty 80 tỷ đồng để thực hiện dự án này. Vì đây là dự án do ngân sách TP chi, nên khi Công ty Phú Mỹ Lợi làm xong dự án này, UBND quận 8 duyệt cho giá tái định cư là 19 triệu đồng/m².

Trong khi đó, Satra khảo sát giá các dự án đất nền quanh khu vực này thì chỉ khoảng 12 triệu đồng/m². Điều này cho thấy chênh lệch giữa giá tái định cư một nền được UBND quận 8 duyệt với giá thị trường là khoảng 7 triệu đồng/m². Ông Tùng phân tích cụ thể, với 400 nền tái định cư, ngân sách phải trả 760 tỷ đồng. So với giá thị trường 12 triệu đồng/m², TP thiệt hại 280 tỷ đồng.

Với tư cách là đại diện vốn Nhà nước, Satra không thể chấp nhận giá 19 triệu đồng/m². Ngày 13-6, Satra đã làm văn bản kiến nghị với UBND TP đề nghị UBND TP chỉ định và yêu cầu xác định giá hợp lý. Đầu tháng 7-2012, Satra làm văn bản gửi UBND TP với đề nghị để Satra tạm ứng tiếp cho Công ty Phú Mỹ Lợi 30 tỷ đồng để làm cho xong khu này. Nhưng giá Satra không thể quyết được vì giá dự án giải phóng mặt bằng tái định cư do Hội đồng thẩm định giá TP duyệt. “Chúng tôi kiến nghị HĐND TP và UBND TP cho thanh tra toàn diện dự án này để làm rõ đúng sai” - ông Lê Tùng nói.

Ngay sau giải trình thêm của đại diện Satra, Ủy viên Thường trực HĐND TP Nguyễn Thanh Chín cho biết, Thường trực HĐND TP sẽ phân công cho Ban Kinh tế Ngân sách giám sát thực hiện dự án khu vực chợ đầu mối Bình Điền. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề về quy hoạch treo, dự kiến vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10. “Đây là cơ hội để ĐB và chính quyền TP lắng nghe tất cả các vấn đề bức xúc lâu nay về quy hoạch, tái định cư, đền bù giải tỏa... và góp phần giải quyết những kiến nghị của người dân” - Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Phí giữ xe tăng gấp 2 - 5 lần

HĐNDTP đã thông qua 8 tờ trình của UBND TP. Trong đó đáng chú ý là tờ trình về việc thu phí giữ xe và đặt tên mới cho 3 tuyến đường trên địa bàn TP. Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài dài 12km (dự kiến hoàn thành vào năm 2014) sẽ mang tên Phạm Văn Đồng. Tuyến đường phần phía Đông dự án đại lộ Đông - Tây thuộc địa bàn quận 2 (đã đưa vào sử dụng) sẽ mang tên Mai Chí Thọ. Tuyến đường mở rộng tỉnh lộ 10 và tỉnh lộ 10B thuộc địa bàn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2012) sẽ mang tên Trần Văn Giàu.

Riêng phí giữ xe, sắp tới sẽ tăng gấp 2 - 5 lần so với mức thu hiện hành. So với đề xuất của UBND TPHCM thì chỉ có 2 sự thay đổi: giá giữ xe tháng của xe đạp và xe đạp điện vẫn giữ nguyên là 30.000 đồng/tháng (UBND TP đề xuất tăng lên 50.000 đồng/tháng), xe máy dưới 175 phân khối cũng giữ nguyên giá 100.000 đồng/tháng (UBND TP đề xuất tăng 150.000 đồng). Các mức thu khác đối với xe máy và ô tô đã được các ĐB đồng ý thông qua.

  • Ứng dụng CNTT để dân giám sát

Với tư cách là ĐB HĐND TP, ông Lê Mạnh Hà nói thẳng: “Nên công khai việc tiếp nhận và trả lời tiến độ cụ thể các kiến nghị của cử tri TP bởi việc này thời gian qua làm còn chưa tốt, có không ít kiến nghị bị ngâm lâu chưa trả lời khiến cử tri bức xúc. Mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, tôi cũng rất khó ăn nói với người dân. Ngay sau kỳ họp này, tôi tiếp xúc cử tri cũng chưa biết nói gì!”. ĐB Lê Mạnh Hà kiến nghị HĐND TP nên quản lý việc này bằng công nghệ thông tin và cho rằng việc này trong tầm tay của TPHCM. Ông đề xuất: “Ở cấp nào thì đưa lên trang web của cấp đó, nội dung gọn, tiến độ giải quyết cụ thể, trách nhiệm của ai rõ ràng. Việc này có thể làm ngay và làm nhanh để người dân tiện theo dõi, giám sát 24/24 mà HĐND TP cũng giám sát được tiến độ thực hiện những kiến nghị cử tri của các cơ quan chức năng có liên quan”

Vân Anh – Hồng Hiệp

>> Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm: Sẽ có kỳ họp chuyên đề về quy hoạch “treo”

Tin cùng chuyên mục