Báo cáo thách thức về vấn đề thực phẩm của châu Á do PwC, Rabobank và Công ty đầu tư Temasek của Singapore mới công bố cho thấy dân số ở châu Á tăng thêm 250 triệu người trong khi diện tích đất trồng trọt sẽ giảm 5%, biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề của khu vực bằng cách gây ra những vấn đề về nguồn cung, biến động giá cả. Thêm nữa, người tiêu dùng đang đòi hỏi thực phẩm an toàn hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn, chi tiêu dành cho thực phẩm an toàn sẽ tăng từ 4.000 tỷ USD năm nay lên hơn 8.000 tỷ USD vào năm 2030.
Theo Skinner, trong số 800 tỷ USD cần đầu tư thêm cho ngành lương thực trong thập niên tới, công nghệ và đổi mới sẽ là yếu tố then chốt và khoảng một nửa số đầu tư này có thể nằm ở Trung Quốc vì các công ty nông nghiệp Trung Quốc đã và đang sử dụng những công nghệ cây trồng từ vũ trụ, tự động hóa thông minh… nâng cao năng suất rất hiệu quả. Ví dụ như công ty DJI có trụ sở tại Thâm Quyến chuyên sản xuất máy bay không người lái để phục vụ cho nông nghiệp như phun thuốc trừ sâu, phân bón và tìm ra nguồn dịch bệnh.
Các tác giả của báo cáo cho rằng, đó là lý do vì sao các thành phố của Trung Quốc như Thâm Quyến, Bắc Kinh và Thượng Hải có thể là trung tâm đổi mới về thực phẩm nông nghiệp tiềm năng. Những nơi này có kinh nghiệm về thực phẩm nông nghiệp, môi trường pháp lý mạnh mẽ dành cho các công ty khởi nghiệp và tài năng có khả năng cạnh tranh.
Hiện tại, Singapore và Bangalore của Ấn Độ là hai trong số những nơi được xem là trung tâm đổi mới nông nghiệp của châu lục.