Chỉ 7,34% số doanh nghiệp được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ quỹ

Ngày 22-8 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội thảo với chủ đề “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, hiện bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Trước tình hình đó, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.

Cũng theo đại điện NHNN, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo sát sao trong việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động lên cả về phía cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể kể đến các chính sách về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí, hỗ trợ về tài chính và tín dụng, thúc đẩy xuất khẩu và bảo vệ chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có những “điểm nghẽn” trong khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế. Về nguyên nhân, theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), do vẫn còn một số hạn chế tồn tại như gói hỗ trợ lãi suất 2% không hiệu quả. Doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 7,34% số doanh nghiệp được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ quỹ”, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương dẫn chứng.

Bà Nguyễn Minh Thảo cũng dẫn chứng thêm, đơn cử như liên quan đến vấn đề chậm hoàn thuế VAT, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị chậm hoàn thuế với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, không những không cải thiện mà còn tạo thêm rào cản và gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, năng lực hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế giảm còn xuất phát từ sự “lệch pha” của cả phía ngân hàng lẫn các doanh nghiệp. Cụ thể, ở phía ngân hàng, nhiều ngân hàng cẩn trọng hơn trong tăng trưởng tín dụng khi những lo ngại về nợ xấu, thậm chí mất vốn đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế bất thuận. Trong khi đó, ở phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng cho hay không đủ điều kiện vay vì nợ xấu, do bối cảnh kinh tế khó khăn lẫn phức tạp nên doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất, kinh doanh… Do đó, để giải quyết được bài toán vĩ mô này cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn từ Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan.

Tin cùng chuyên mục