Ngày 9-7, tại TPHCM, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, dự án Star VN đã lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự thảo khung Nghị định hướng dẫn thi hành Luật để trình Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, sau hơn 20 lần soạn thảo, ban hành và sửa đổi, các chuyên gia vẫn cho rằng, dự luật này còn rất nhiều khiếm khuyết, chưa mang tính xã hội hóa… Nếu đưa vào thực thi sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (DN).
Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định về nội dung và phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Bà Helle Weeke, Cố vấn Pháp luật của Star VN, bình luận, nhìn chung dự thảo lần này đã có nhiều tiến bộ so với trước đây. Trong bối cảnh VN đã gia nhập WTO thì luật này cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng để tránh nguy cơ vi phạm Hiệp định Kỹ thuật hàng hóa (TBT) của WTO. Cụ thể, tại điều 4 “Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn” cần công bố danh mục một cách cụ thể, minh bạch hơn khi tham chiếu đến các sản phẩm hàng hóa được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật. Giữa Luật và Nghị định cũng đang có độ vênh nhất định như tại điều 2 của Luật và điều 2 của Nghị định cần xem xét lại cho phù hợp, nên bỏ quy định về người VN định cư ở nước ngoài và sự phân biệt giữa tổ chức nước ngoài và tổ chức VN. Các quy định tại điều 10 “Công bố tiêu chuẩn áp dụng” được xem là phần cốt lõi của Luật cũng rơi vào dạng chung chung. Hàng loạt câu hỏi đặt ra là không rõ việc công bố tiêu chuẩn có phải là bắt buộc trong dự thảo? Hậu quả sẽ như thế nào nếu nhà sản xuất không công bố tiêu chuẩn áp dụng?
Nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng Nguyễn Hữu Thiện lại cho rằng, nhà làm luật vẫn chưa đổi mới tư duy, bởi lẽ theo tinh thần của luật là khuyến khích các DN tự công bố chất lượng sản phẩm. Điều này cũng đồng nghĩa luật phải đảm bảo được yếu tố “xây” là chính. Trong khi đó, tại hầu hết các chương mới chỉ đặt nặng vấn đề “chống”, nặng về kiểm tra chất lượng nhưng “chống” như thế nào, quy trình thủ tục pháp lý để kiểm tra ra sao lại không được đề cập. “Nếu chúng ta không nhanh chóng sửa đổi cách làm luật thì vô hình chung luật sẽ mất tác dụng, còn các nhà sản xuất, kinh doanh sẽ gặp rất nhiều trở ngại” – ông Thiện cảnh báo.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, cũng đề nghị cần soạn thảo luật theo hướng khuyến khích các DN thi nhau sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng, còn hiện tại DN muốn sản xuất theo cách nào, đâu là căn cứ để đánh giá chất lượng thì luật lại không nói tới. Có rất nhiều mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến dân sinh như thực phẩm, sản phẩm phần mềm, điện năng... lại không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật. Đại diện Sở Tư pháp TPHCM đã chỉ ra trong Chương 5 “Giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại về chất lượng” cần quy định rõ và có biện pháp khẩn cấp, kịp thời đối với hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nếu không sẽ rất khó cho cơ quan thực thi.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến thắc mắc, tại sao luật chỉ gói gọn ở chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà lại không đề cập đến chất lượng dịch vụ? Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng phía Nam, nói, có khá nhiều loại hình dịch vụ hoạt động biến tướng, kém chất lượng song chúng ta vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng. Mặt khác, dự thảo luật cũng đã đề cập đến vai trò của hội bảo vệ người tiêu dùng nhưng trên thực tế hoạt động này từ nhiều năm qua không có sự hỗ trợ về kinh phí?...
Ngoài những hạn chế mà các chuyên gia đã chỉ ra, nhà làm luật cần lấy ý kiến đóng góp từ nhiều bên. Chỉ nào các điều luật được xã hội hóa thì nó mới có thể đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả.
THÚY HẢI