Nói cách khác, bất kỳ khoản đầu tư nào vào cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra tăng trưởng, bất kể lợi nhuận thực sự về kinh tế và xã hội. Việc thực hiện lý thuyết này giải thích tại sao Trung Quốc đã có thể duy trì con số tăng trưởng rất cao trong 15 năm qua.
Đầu tư cơ sở hạ tầng có dư thừa hay không, dù diễn ra ở Trung Quốc hay nước ngoài, kết quả đối với Trung Quốc là như nhau. Do đó, bằng cách tài trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng châu Phi, Trung Quốc đang làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ mà nước này sản xuất, từ đó làm tăng GDP của chính nước này. Đây là điều kiện để ràng buộc một cách có hệ thống việc cho vay với nguồn cung ứng hàng hóa và dịch vụ gần như độc quyền được sản xuất tại Trung Quốc.
Tại Ethiopia, theo Tạp chí The Diplomat, trong 10 năm (2000-2019), theo kết quả của hệ số nhân Keynes, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Ethiopia là khoảng 6%. Sự tăng trưởng đáng kể này cùng với sự gia tăng đáng kể của nhập khẩu, phần lớn là để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối hoặc thậm chí đầu tư nước ngoài đều không thể lấp đầy thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Nợ nước ngoài (gần một nửa trong số đó là nợ Trung Quốc vào năm 2019) tăng vọt. Ethiopia buộc phải phá giá đồng tiền của mình 15% vào năm 2017. Ngược lại, nhập khẩu giày dép tăng, gần 90% trong số đó là của Trung Quốc: gấp 4 lần lượng nhập khẩu trong năm 2018. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trong một báo cáo về Ethiopia được công bố vào đầu năm 2020, đã thừa nhận những giới hạn của “mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư công”.
Không chỉ có thế, tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đã công khai chỉ trích Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) ở châu Phi vì đã không tham gia Sáng kiến đình chỉ nợ của nhóm G20 (DSSI). Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các nước châu Phi. IMF hiện ước tính rằng các nền kinh tế châu Phi cận Sahara sẽ giảm gần 3,2% trong năm nay, mức giảm tồi tệ nhất được ghi nhận. Do đó, DSSI được xem là rất cần thiết. Ở châu Phi, 38 quốc gia đủ điều kiện để được xóa nợ theo chương trình G-20. Dữ liệu của WB chỉ ra rằng tính đến năm 2018, Trung Quốc nắm giữ 20% nợ nước ngoài của tất cả các chính phủ châu Phi, điều này khiến Trung Quốc trở thành một bên đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phục hồi sau Covid-19 của lục địa này và đặt nước này vào vị trí đầu tàu để giảm nợ ở châu Phi. Vậy mà nước này chỉ miễn cưỡng đưa ra các nhượng bộ giảm nợ ngay lập tức cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong khu vực. Trung Quốc bị các nước phương Tây cáo buộc thực hiện “ngoại giao bẫy nợ”, một hệ thống săn mồi được sử dụng để gài bẫy các quốc gia mắc nợ bằng cách cung cấp các khoản vay, sau đó nắm quyền kiểm soát các điểm then chốt những quốc gia không trả được nợ.