
Nhiều người còn nhớ năm 1965, khi Chính phủ Hoa Kỳ lúc bấy giờ liên tiếp đổ quân viễn chinh vào miền Nam và tăng cường ném bom, bắn phá miền Bắc, thì ở Hà Nội có một cuộc hội nghị đặc biệt của các nhà văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng khởi xướng và chủ trì bàn về: giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Tại cuộc hội nghị đó, tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói một ý: Trong lúc Tổng thống Mỹ L.Johnson và cộng sự, tay sai họp tại Honolulu đã bàn việc xâm lược Việt Nam thì ở đây chúng ta họp để bàn về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Điều đó chứng tỏ chúng ta tin tưởng vào chính nghĩa, sức mạnh và chiến thắng của chúng ta. Kết luận hội nghị, Thủ tướng giao nhiệm vụ này cho các nhà văn, các nhà báo và các nhà giáo làm lực lượng nòng cốt trên lĩnh vực của mình là sáng tác, báo chí và nhà trường. Sau hội nghị nói trên đã dấy lên một phong trào sôi nổi và rộng rãi thảo luận và thực hiện chủ trương “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trên văn đàn, trong nhà trường, trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền. Đặc biệt, báo chí đóng một vai trò vô cùng quan trọng làm cho tiếng Việt văn hóa của chúng ta tiến một bước dài.

“Thiếu nữ” - tranh lụa của Nguyễn Hoàng Oanh (1937).
Song thời gian trôi qua, cuộc sống dồn dập nhiều sự kiện, nhiều biến thiên, âm vang của phong trào giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng như sự quan tâm và ý thức của mọi người đối với vấn đề đó cũng nhạt phai dần. Đặc biệt, trong sự giao lưu và hội nhập quốc tế, ngoài nhu cầu về bản ngữ thì nhu cầu về ngoại ngữ ngày càng cao, nhất là nhu cầu về tiếng Anh, công cụ giao tiếp quốc tế phổ biến. Trong tình hình đó, một lần nữa, tiếng Việt ta đã tỏ rõ sức sống mạnh mẽ của nó. Trên các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, luật pháp, ngoại giao, khoa học, kỹ thuật, kể cả những lĩnh vực rất mới mẻ như khoa học và công nghệ thông tin, triết học, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, tiếng Việt đều thâm nhập và tìm cách diễn tả những ý tưởng mới, nội dung mới, khái niệm và lý thuyết mới...
Tuy nhiên, cùng với những cố gắng, tiến bộ đó, tiếng Việt đồng thời cũng gặp những khó khăn, thử thách to lớn. Tình trạng hỗn loạn về ngôn ngữ cũng đã xảy ra và đang tiếp diễn. Vốn là một ngôn ngữ ra đời và phát triển đã hàng nghìn năm, tiếng Việt cùng với dân tộc đã vượt qua những thử thách lịch sử và văn hóa rất ngặt nghèo, có tiềm lực và khả năng rất to lớn, nhất là khả năng tự bảo vệ, tự phát triển, không để mình bị các ngôn ngữ khác đồng hóa mà lại có thể đồng hóa tinh hoa của các ngôn ngữ khác thành của mình.
Tuy vậy, quá trình tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ văn hóa chuẩn mực mang tính hiện đại gắn liền với chữ viết hiện đại là chữ quốc ngữ, quá trình đó cũng còn ngắn ngủi. Để phát triển và hiện đại hóa, ngoài sự thấu thái tinh hoa của ngôn ngữ nhân dân, phương ngữ của mọi miền đất nước và của mọi sắc tộc anh em, tiếng Việt phải tiếp biến các “ngôn ngữ mạnh”, trước đây là tiếng Hán, về sau là tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh. Trong quá trình tiếp biến đó, bên cạnh sự sáng tạo tinh tế, không tránh khỏi sự lai căng thô thiển. Hiện tượng này từng diễn ra trước đây với tiếng Hán, tiếng Pháp, ngày nay đang diễn ra ồ ạt với tiếng Anh.
Tuy nhiên, nếu ý thức và quan tâm “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” của người Việt Nam, đặc biệt của giới trí thức Việt Nam không cao thì tình trạng hỗn loạn ngôn ngữ trong tiếng Việt vẫn tiếp tục kéo dài và gây tổn thất đáng kể cho tiếng Việt. Thiếu trong sáng tức là bị ô nhiễm, tất nhiên là có hại, một sự có hại thường dần dần mới bộc lộ. Hàng nghìn năm bị tiếng Hán thống trị, hàng trăm năm bị tiếng Pháp chèn ép mà tiếng Việt vẫn kiên cường tồn tại và phát triển, thì ngày nay không dễ gì tiếng Việt bị tiếng Anh thôn tính thành một thứ ngôn ngữ bị trầm tích trong lịch sử cùng với văn hóa và dân tộc Việt Nam.
Song nếu không có chính sách của nhà nước và ý thức của nhân dân, trách nhiệm của giới trí thức văn hóa, khoa học, giáo dục Việt Nam, như tấm gương của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và của các nhà văn hóa lớn Việt Nam xưa nay, thì tình trạng hỗn loạn làm đình trệ sự phát triển của tiếng Việt cùng với văn hóa Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay là một nguy cơ có thật và to lớn, có khả năng kéo lùi dân tộc chúng ta, làm cho chúng ta tụt hậu thêm một lần nữa chứ không phải nhờ đó mà tiến nhanh lên phía trước như nhiều người ảo tưởng.
Đó là cả một nhiệm vụ chiến lược cần được triển khai thực hiện một cách có hệ thống. Phải bắt đầu từ một số “biện pháp tình thế” như chống lại tệ nạn lai căng tiếng Anh hiện đang làm ô nhiễm tiếng Việt trên nhiều lĩnh vực, của những “ông Tây An Nam” với những từ lai căng trên các trang sách, trang báo, các chương trình phát thanh, truyền hình, các trang điện tử, các bài giảng trung học, đại học. Kể cả các bảng hiệu, các thương hiệu, quảng cáo của chúng ta hiện nay cũng nhan nhản thứ tiếng Việt lổn nhổn tiếng nước ngoài cộng với những lỗi ngô nghê về tiếng Việt pha tiếng Anh. Như đồng chí Phạm Văn Đồng đề xuất từ nửa thế kỷ trước, nhiệm vụ này đặt lên vai các nhà văn, các nhà báo, các nhà giáo và các tổ chức như Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Văn hóa, các viện khoa học...
Trần Thanh Đạm