Chính phủ chỉ đạo: Tập trung phục vụ tết cho nhân dân

Ngày 1-2, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 1-2010. Tại phiên họp này, Chính phủ cũng đã xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có đề xuất của TPHCM và TP Hà Nội về tăng mức xử phạt vi phạm giao thông ở 2 đô thị lớn này... Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ tháng 1.
Chính phủ chỉ đạo: Tập trung phục vụ tết cho nhân dân

Ngày 1-2, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 1-2010. Tại phiên họp này, Chính phủ cũng đã xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có đề xuất của TPHCM và TP Hà Nội về tăng mức xử phạt vi phạm giao thông ở 2 đô thị lớn này... Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ tháng 1.

Dự trữ hàng tết rất lớn

Dẫn kết luận của phiên họp Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tháng 1, kinh tế có dấu hiệu phục hồi ngày càng rõ ở tất cả các ngành và lĩnh vực. Công nghiệp tăng trưởng đến 28,4% so với tháng 1-2009; nông nghiệp được mùa, dịch vụ, tiêu dùng nội địa phát triển tốt; thu ngân sách tăng hơn 4% so với cùng kỳ; doanh nghiệp mới được thành lập tăng 25%. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Việt Nam tiềm ẩn nhiều khó khăn như nhập siêu vẫn cao. Trong tháng 1, tín dụng cho sản xuất chỉ tăng 1%, một số mặt hàng tăng giá vô lý.

Vì vậy, tại phiên họp lần này, Chính phủ tiếp tục lưu ý vấn đề quản lý giá, quản lý pháo, nhập trái phép hàng hóa. Chính phủ chỉ đạo, cần lưu ý đảm bảo cho sản xuất kinh doanh phát triển, giải ngân vốn, đảm bảo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn vốn để vay.
 
Mặt khác, Chính phủ cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm của tháng 2 là phục vụ tết cho nhân dân. Dự kiến nhu cầu hàng hóa tăng hơn 20% so với tháng 1. “Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là tết tươi vui, lành mạnh và tiết kiệm. Không để người dân thiếu ăn. Bên cạnh đó, hạn chế biếu quà có tính chất tiêu cực, nhất là dùng tiền ngân sách nhà nước. Ăn tết nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế”, ông Phúc nói.

Hàng hóa tại các siêu thị dồi dào cho nhu cầu tiêu dùng dịp tết. Ảnh: ANH THƯ
Hàng hóa tại các siêu thị dồi dào cho nhu cầu tiêu dùng dịp tết. Ảnh: ANH THƯ

Liên quan đến vấn đề chuẩn bị tết, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho hay, hiện nay, khả năng dự trữ lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân là rất lớn. Riêng về gạo, hiện đã dự trữ từ 1,5 - 1,8 triệu tấn trong kho. Các loại hàng hóa thiết yếu khác như đường, hoa quả, bia, rượu, may mặc, giày dép... trong nước sản xuất không thiếu. “Các địa phương, các tổng công ty đều đã có phương án phục vụ tết rất cụ thể. Vì vậy Chính phủ chỉ đạo không được để tăng giá bất thường”, ông Phúc cho biết.
 
Năm nay, Chính phủ không hỗ trợ tiền trực tiếp cho người nghèo ăn tết, mà chỉ hỗ trợ gạo cho người dân đói giáp hạt. Yêu cầu của Chính phủ là các đơn vị liên quan phải có trách nhiệm đưa gạo đến tay người dân, đặc biệt dân nghèo, dân vùng thiên tai. Nếu để xảy ra sai sót sẽ xử lý nghiêm.
 
Nhập khẩu đường để bình ổn giá

Một vấn đề cũng khá nóng tại buổi họp là chủ trương nhập khẩu đường. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, hai bộ: NN-PTNT và Công thương đã họp với các doanh nghiệp và đánh giá nguy cơ thiếu hụt đường trong năm 2010 cho cả sản xuất và tiêu dùng.

“Nguyên nhân là do ảnh hưởng của bão đến các vùng trồng nguyên liệu, năng suất sản lượng thấp. Hai bộ đã quyết định trình Chính phủ cho nhập khẩu đường đợt 1 150.000 tấn đường, phân bổ cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có dùng sản phẩm đường như sữa, bánh kẹo, nước giải khát. Không có chủ trương cho nhập để bán lẻ trên thị trường. Tuy nhiên, sau khi nhập đợt 1, giá đường vẫn không có dấu hiệu giảm, vì vậy chúng tôi đã đề nghị cho nhập thêm 100.000 tấn đường để bình ổn giá. Đồng thời, đang xin phép cho nhập thêm 50.000 tấn đường để bình ổn giá trong dịp tết”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nói.

Lý giải về việc phải nhập khẩu đường, ông Biên cũng cho rằng, đó là chủ trương bình ổn giá, không gây thiệt hại cho nông dân và các doanh nghiệp sản xuất đường. “Chính phủ luôn cân nhắc lợi ích của hơn 80 triệu dân, chứ không phải vì một nhóm nào”, ông Biên nói và cho rằng, năm 2009 các nhà máy đường đều lãi hơn các năm trước đây.

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ cũng thảo luận xem xét đề nghị của 2 TP Hà Nội và TPHCM về tăng mức xử phạt vi phạm giao thông so với các địa phương khác. Quan điểm của nhiều thành viên Chính phủ cho rằng việc tăng mức xử phạt là cần thiết. Tuy nhiên, do vấn đề này liên quan đến các văn bản pháp lệnh khác mà Quốc hội đã thông qua, nên trước mắt, Chính phủ giao Bộ GTVT cùng 2 thành phố tiếp tục nghiên cứu, trình lại Thủ tướng đề xuất này trên tinh thần không vi phạm quy phạm pháp luật nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với thực tế. 

 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục