Chính phủ phân tích bất cập trong pháp luật liên quan đến đất đai ​

Bất cập bộc lộ rất rõ giữa quy định gia hạn tiến độ sử dụng đất; việc xử lý vấn đề đất đai, tài sản gắn liền trong trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động với đất theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai và Điều 46, Điều 48 Luật Đầu tư...
Một khu đô thị mới được đầu tư dang dở, bỏ hoang nhiều năm nay ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội
Một khu đô thị mới được đầu tư dang dở, bỏ hoang nhiều năm nay ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội

Thừa ủy quyền Chính phủ gửi báo cáo để phục vụ công tác giám sát về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai nói chung, đất đô thị nói riêng (phiên giám sát tối cao sẽ diễn ra trong trọn vẹn ngày 27-5), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thực tiễn cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế đã phát sinh nhiều vấn đề mới nhưng cơ chế chính sách hiện hành chưa có quy định đầy đủ để kịp thời điều chỉnh, như: chính sách sử dụng đất cho người nước ngoài, condotel, officetel…

Một số nội dung quy định trong Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan có phạm vi điều chỉnh và nội dung chưa thống nhất, thiếu đồng bộ.

Chưa có sự thống nhất giữa quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư về chủ thể sử dụng đất (Điều 5 Luật Đất đai chưa quy định người sử dụng đất là tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, trong khi Luật Nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở; Luật Đất đai quy định người sử dụng đất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư lại quy định là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).

Tương tự, quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, chỉ định chủ đầu tư giữa Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Nhà ở chưa thống nhất và thẩm quyền chấp thuận sự cần thiết phải thu hồi đất và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư cũng chưa thống nhất.

Chẳng hạn, Điều 62 Luật Đất đai quy định căn cứ vào thẩm quyền quyết định đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để xác định sự cần thiết phải thu hồi đất; tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 thì ngoài Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ còn có thẩm quyền của Chính phủ và Bộ trưởng...

Bất cập cũng bộc lộ rất rõ giữa quy định gia hạn tiến độ sử dụng đất; việc xử lý vấn đề đất đai, tài sản gắn liền trong trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động với đất theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai và Điều 46, Điều 48 Luật Đầu tư.

Pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về đầu tư liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư đều khá “mờ” và không thống nhất.

Bên cạnh đó, không chỉ “không thống nhất”, mà còn có sự chồng lấn trong quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở. Quy định về mối quan hệ giữa các quy hoạch và các cấp quy hoạch thiếu khả thi, đồng bộ, thống nhất, tạo ra độ trễ làm chậm tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch.

Đặc biệt, Báo cáo thẳng thắn thừa nhận, các quy định về biện pháp, chế tài xử lý vi phạm pháp luật chưa đầy đủ, thiếu quy định về trách nhiệm, hành chính, hình sự để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

Tin cùng chuyên mục