Chính sách cho người cao tuổi: Nhiều quy định “có cũng như không”

Chính sách cho người cao tuổi: Nhiều quy định “có cũng như không”

Ngày 22-12, đông đảo người cao tuổi TPHCM đã có buổi giao lưu, đối thoại với lãnh đạo các sở ngành TPHCM. Qua đó cho thấy các chính sách cho người cao tuổi đang bộc lộ nhiều bất cập, “có cũng như không”, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời.

Ông Phạm Quang Mệnh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 6, quận Bình Thạnh, nêu nhiều bất hợp lý trong thực hiện chính sách người cao tuổi

“Thành phố có chính sách miễn phí đi xe buýt với người từ 80 tuổi trở lên, nhưng mấy ai lớn tuổi như thế đi được xe buýt. Hay quy định đi máy bay được giảm 15% nhưng khi chúng tôi mua vé, lại được yêu cầu phải mua theo mức giá phổ thông thì mới được giảm. Như thế, chúng tôi mua vé khuyến mãi còn rẻ hơn vé đã giảm. Vậy giảm giá có ý nghĩa gì?” - ông Phạm Quang Mệnh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 6, quận Bình Thạnh TPHCM, phàn nàn. Ông Phạm Quang Mệnh còn nêu nhiều vấn đề không hợp lý. Về việc giảm giá đối với người cao tuổi khi sử dụng các hình thức vận tải, sau khi phân tích điều bất hợp lý, ông Mệnh cho rằng: “Luật là luật, còn hãng hàng không có nhiều cách để… đối phó”. Chia sẻ với ông Mệnh, ông Mành Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GTVT cho biết, tính khả thi không cao của việc miễn vé xe buýt với người từ 80 tuổi trở lên nên từ năm 2016, thành phố hạ độ tuổi xuống, miễn phí cho người từ 75 tuổi trở lên. Các hình thức vận tải khác thì “sở ghi nhận thôi, vì liên quan tới các ban, ngành, tỉnh, thành khác”.

Về việc chúc thọ, ông Phạm Quang Mệnh nói, người 90 tuổi, thành phố chúc thọ 1 triệu đồng. Nhưng sống thêm 5 năm nữa, tức 95 tuổi, người đó lại chỉ được chúc thọ 500.000 đồng. Hay người 100 tuổi được 1 triệu đồng, nhưng 101 tuổi chỉ được 500.000 đồng chúc thọ. Ông Mệnh đề nghị: “Tuổi tăng thì nên tăng tiền chúc thọ chứ! Tiền không bao nhiêu, quan trọng là động viên tinh thần và sao cho hợp lý để các cụ khỏi suy nghĩ”. “Đúng là việc này phải rà lại. Sở LĐTB-XH sẽ trao đổi với các sở, ngành đề nghị điều chỉnh” - ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH tiếp thu. Trả lời phản ánh của bà Lê Thị Ngọc Yến, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 8, quận 5 về tình trạng chúc thọ “chưa nhịp nhàng”, có tiền thì không có bản chúc thọ, có bản chúc thọ thì không có tiền, ông Lê Chu Giang cho biết, thành phố vừa phân cho cấp quận, huyện thực hiện việc phát giấy chúc thọ. Có lẽ đang trong giai đoạn chuyển tiếp nên chưa trơn tru; sở sẽ nhắc các quận, huyện.

Tình trạng già hóa dân số nhanh, nhiều phường có trên 1.000 người cao tuổi trong khi có nơi y tế xã, phường chưa có bác sĩ, không đáp ứng được yêu cầu chăm sóc ban đầu cũng khiến người cao tuổi lo ngại. Chủ tọa chương trình, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH, nhìn nhận, thành phố hết sức quan tâm đến người cao tuổi. Tuy nhiên, so với thực tế thì còn nhiều vấn đề phải tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Trung ương. Những phần việc thuộc quận, huyện, sở sẽ nhắc các địa phương.

Thành phố hiện có hơn 31.700 người cao tuổi đang hưởng chính sách có công với cách mạng; hơn 75.400 người cao tuổi đang hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng. Trên 45.000 người cao tuổi giữ vai trò chủ chốt ở khu phố. Gần 7.300 cơ sở sản xuất kinh doanh do người cao tuổi làm chủ đang giải quyết việc làm cho 36.000 lao động. 5 năm qua, TPHCM phát hiện 1.320 vụ bạo lực gia đình, có hơn 1.400 nạn nhân, trong đó có 155 nạn nhân là người cao tuổi.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục