
Giữa một thành phố đông dân nhất nước, giữa những vô số tòa nhà cao tầng lại có một chợ hoa “trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông (quận 8, TPHCM ) là nét văn hóa rất cần được gìn giữ và phát triển ở một thành phố năng động. Đây quả là điều hết sức thú vị không chỉ đối với du khách thập phương mà cả người dân thành phố phương Nam.
1. Đến hẹn lại lên. Cứ tới những ngày gần cuối tháng Chạp âm lịch, trên con đường chạy dọc theo bến Bình Đông, qua 2 phường 13, 14 (quận 8), cặp theo hai con kênh Bến Nghé và Tàu Hủ, lại trở nên đông vui và rực rỡ sắc màu của các loại hoa kiểng. Xe gắn máy, ô tô đậu kín bên đường, dòng người chen nhau thưởng ngoạn để chọn mua hoa về chưng tết. Dọc bờ kênh, thương thuyền từ miệt Chợ Lách, Cái Mơn (Bến Tre), Đồng Tháp và một số tỉnh khác chở đầy hoa, kiểng đậu san sát kéo dài khoảng 2km nên không khí tết cổ truyền như đến sớm một cách rạo rực. Không chỉ trên đường Bến Bình Đông mà cả bên kia, phía đại lộ Võ Văn Kiệt, người qua lại luôn bị cuốt hút bởi không gian văn hóa truyền thống gần gũi, sống động tái hiện cảnh “trên bến dưới thuyền” của một Sài Gòn sông nước thuở nào. Đêm đến, đèn điện thắp sáng choang ở hàng trăm ki ốt hoa, tạo nên những sắc màu lung linh, huyền ảo.
Ông Nguyễn Hữu Tài (ngụ khu phố 1, năm nay đã ngoài 60 tuổi và an cư tại phường 14 trước ngày thống nhất đất nước) rất hào hứng khi được chúng tôi hỏi thăm về chợ hoa quận 8. Theo ông Tài, chợ hoa hình thành từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Dọc theo bến Bình Đông, từ dưới cầu số 1 đến cầu số 2 chính là nơi họp chợ đầu tiên. Lúc đầu lác đác ít người từ miền Tây xuôi ghe lên bán, qua vài năm thấy cũng hay và dần thêm người bán nên kéo dài sang cả phần của phường 13, rồi có thêm màu sắc của lễ hội như múa lân, biểu diễn văn nghệ, triển lãm ảnh… đã thu hút người dân tới dạo chơi, mua sắm rầm rộ từ sau ngày 20 tháng Chạp.

Sắc xuân trên Bến Bình Đông. Ảnh: CAO THĂNG
Qua sự giới thiệu của một cán bộ phường 13, chúng tôi gặp một người kinh doanh hoa tết đã có mặt từ những ngày đầu chợ hoa này mới hình thành. Đó là dì Nguyễn Thị Bé Bảy đến từ miệt Chợ Lách (Bến Tre). Dì Bảy nhớ lại: “Hồi mới lên bán cách nay khoảng 20 năm, lúc đó còn cỏ mọc um tùm, ban đầu ít ghe lắm, rồi sợ nhất là dân nghiện xì ke đến phá phách chứ không được an toàn như bây giờ. Hiện nay có tới mấy trăm người chở hoa lên bán, ghe cập được vô sát bờ và bờ kênh đã được lát gạch sạch sẽ. Khoảng 23 - 24 tháng Chạp, tôi chở hoa lên tới và bắt đầu bán lai rai tới ngày 30. Năm nào hết sớm về sớm, có năm ế nhưng tới chiều 30 phải quay về đón giao thừa”.
Nhà dì Bảy có 7 công đất, trong đó dành 2 công trồng các loại hoa kiểng bán dịp tết và chỉ một mình trồng vì chồng có nghề làm nước đá, còn các con cũng làm việc khác. “Có năm tôi đạt doanh thu tới 80 - 90 triệu đồng, năm ít hơn cũng được một nửa. Năm rồi cây mai thất thu do hoa không nở kịp, chỉ đủ tiền thuê ghe và ăn uống. Tết năm nay, tôi chở lên hơn 200 chậu mai nhỏ với giá bán chừng 300 - 400 ngàn đồng/chậu”, dì Bảy cho biết.
2. Theo anh Lê Tấn Thành (nguyên Bí thư phường 13) trước đây chợ hoa hình thành tự phát, rồi do nhu cầu của người dân quận 8 và các quận lân cận muốn có chợ hoa tết đặc trưng “trên bến dưới thuyền” nên chính quyền địa phương lên kế hoạch tổ chức lại chợ hoa kiểng tết quy mô hơn như ngày nay, trở thành một trong những điểm kinh doanh hoa kiểng của thành phố mỗi dịp giáp tết cổ truyền.
Cùng với phường 13, Đảng ủy, UBND phường 14 cũng được UBND quận 8 giao kết hợp với phường 13 tổ chức chợ hoa tết “trên bến dưới thuyền”, anh Tế Ngọc Hải, Chủ tịch UBND phường 14, nhớ lại: “Chợ hoa tết này có nguồn gốc trên địa bàn phường 14. Hồi đó phía bên kia đường có chợ hoa Trần Văn Kiểu, nên ở bên này có một số bà con từ miền Tây lên bày bán hoa kiểng như để “đối trọng” với bên kia sông, chủ yếu là mai, kiểng nhỏ chứ không được to như bây giờ. Chợ hoa mỗi năm được tổ chức tốt hơn để trở thành một trong những chợ hoa tết trọng điểm của thành phố”.
Những năm trước tại đây từng xảy ra nạn “cò mồi” thuê gian hàng có liên quan đến cán bộ của phường và đã bị xử lý. Vài năm gần đây, UBND phường 14 còn liên hệ tìm cả chỗ trọ ở nhà dân cho tiểu thương chở hoa lên bán, bố trí 3 nhà vệ sinh, tắm rửa ở sân bóng của phường, chợ Bình Đông và có cây xăng để phục vụ gần cả trăm ghe hàng trong suốt thời gian lưu lại chợ. Một cán bộ của phường tâm sự: “Duy trì chợ hoa tuy hơi cực nhưng rất vui vì tạo được nét văn hóa truyền thống, điểm vui xuân cho người dân, tăng thu ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân như chở thuê bằng xe tải, xe ba gác, xe ôm, bán cơm, nước giải khát...”. Chợ hoa Tết Bính Thân năm 2016 này, phường 14 dự kiến phân 145 lô, thu khoảng lệ phí khoảng 650 triệu đồng và sẽ dành một khoản đáng kể trong số thu trên để chăm lo tết cho 100 hộ cận nghèo ở địa phương có thêm điều kiện đón tết cổ truyền.
Là người thích chưng hoa, nhà lại gần chợ hoa nên ông Nguyễn Hữu Tài cảm nhận khá đầy đủ sự vui, buồn của thị trường hoa tết mỗi năm. Hay nói đúng hơn, chợ hoa này cũng phản ánh một phần đời sống kinh tế của một bộ phận người dân thành phố trong năm. Năm vừa qua có người đã bán được gốc mai cổ thụ hơn 100 triệu đồng nhưng kỷ lục vẫn là vào giáp tết năm 2012 có cây mai cổ thụ, gốc lớn, dáng độc bán được tới hơn 300 triệu đồng. Đã thành thói quen, từ ngày chợ hoa khai trương, tối nào ông Thành cũng dạo ngắm suốt chợ hoa, tìm hiểu giá cả và đến tận những ngày cuối mới quyết định mua loại hoa gì về chưng. Ông cũng hiểu rõ sự nhộn nhịp, của chợ hoa “trên bến dưới thuyền” vì hồi đầu chỉ có hoa mai, hoa cúc; sau này có thêm tắc kiểng, hoa lan, mào gà… rồi đủ loại trái cây để đơm lên bàn thờ tổ tiên như dưa hấu, dừa, mãng cầu, đu đủ, xoài, thơm... Và chợ hoa tết giờ đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân địa phương nên anh Tài cũng chung mong ước như dì Bảy (Bến Tre) là chợ hoa “trên bến dưới thuyền” này được mãi duy trì và ngày một thêm đông vui.
Người dân thành phố cũng trông chờ các ngành chức năng cần nghiên cứu xây dựng một số cây cầu đi bộ bắc qua kênh Bến Nghé và Tàu Hủ để người dân tham quan, mua sắm chợ hoa thuận lợi hơn. Đồng thời, cùng với việc duy trì chợ hoa tết là một đề án bảo tồn không gian văn hóa - kiến trúc dọc tuyến kênh này qua việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường Bến Bình Đông; giữ gìn hình hài kiến trúc nhà phố đặc trưng ở đoạn đầu kênh Bến Nghé (bên phía đường Võ Văn Kiệt) gắn liền với những tên gọi thân thương như bến Chương Dương (quận 1), bến Hàm Tử (quận 5) để góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống đô thị đầy bản sắc của đất Sài Gòn xưa - TPHCM ngày nay…
Một mùa xuân nữa đang về và các nhà vườn đang lần lượt xuôi ngược chuyển hoa kiểng tết từ miệt sông nước miền Tây lên thành phố mang tên Bác để góp phần mang đến một mùa xuân tươi vui cho mọi nhà.
Chợ hoa Tết Bính Thân “trên bến dưới thuyền” năm 2016 được tổ chức tại khu vực bến Bình Đông từ ngày 24-1 đến 12 giờ ngày 7-2, với 276 lô bố trí trên địa bàn phường 13 (có 131 lô) và phường 14 (145 lô) bán các loại hoa, kiểng, tắc, trái cây... Giá thuê mỗi lô (gian hàng) từ 3 - 5 triệu đồng, tùy theo diện tích từ hơn 10m2 đến hơn 20m2 (phụ thuộc chiều rộng của đoạn vỉa hè dọc bờ kè). |
VĂN PHONG