Chọn nghề vì mình, đừng vì thần tượng

“Cô tư vấn nghề cho bé cháu ở nhà với, chứ nó cứ một hai đòi chọn nghề luật sư vì mê bộ phim gì của Hàn Quốc có nhân vật luật sư được xây dựng hình ảnh quá “rực rỡ”. Bó tay thật! Chỉ mê phim này mà đòi theo nghề luôn đó”. Tin nhắn của anh họ làm tôi bất ngờ, bởi bé trước đây từng nói thích ngành quản trị kinh doanh.  

Thiếu định hướng

Trước mỗi mùa thi, các học sinh lại xôn xao chọn trường, chọn nghề. Nhiều học sinh hiện nay không biết mình ước mơ gì, nhưng nhiều em lại ước mơ đủ thứ, dẫn đến bồng bột trong các quyết định của mình, dễ chọn “lệch” nghề. Việc xác định gắn bó với nghề nghiệp chưa sâu, thiếu định hướng cũng là một lý do.

Chọn nghề vì mình, đừng vì thần tượng ảnh 1 Bạn trẻ và những buổi chia sẻ kinh nghiệm làm việc
Chuyện của cháu gái làm tôi nhớ đến chuyện cách đây vài năm, đã có rất nhiều học sinh ồ ạt chọn ngành quản trị khách sạn chỉ vì bị ảnh hưởng cũng từ một bộ phim Hàn Quốc nói về nghề này. Nhiều bạn trẻ xung quanh tôi cũng từng chọn nghề vì… thần tượng trong phim. Xem phim Anh em nhà bác sĩ có bạn đòi chọn theo nghề bác sĩ; xem phim Cô Ba Sài Gòn, có bạn mê nghề biên tập viên thời trang, nhà thiết kế thời trang; xem phim Chàng vợ của em có bạn muốn trở thành doanh nhân, nhân viên kinh doanh tiếp thị cấp cao… Đặc biệt, có không ít em thích ngành phá án, điều tra từ phim Mê cung, Sinh tử hay như cảnh sát Dương đầy cá tính trong Mặt nạ hoàn hảo… 
Chị Trịnh Tâm Anh (phụ huynh một cựu học sinh Trường THPT N.A.N) cho hay, đã phải “hết sức vất vả” thuyết phục con gái không đăng ký Đại học Y Dược TPHCM. Chị chia sẻ: “Sức học của con thường thường bậc trung, nhưng xem xong mấy loạt phim về bác sĩ của Hàn Quốc, cháu quyết tâm thi y khoa bằng được. Cả gia đình ra sức cản vì nghĩ đơn giản con sẽ thi không trúng với sức học đó. Nhưng con bé quyết tâm và thi… rớt thật. May là cháu đậu nguyện vọng 2 vào một trường bình thường khác. Nay thì cháu khôn lớn hơn, không muốn thi vào y khoa nữa, nhưng lại tha thiết được làm tình nguyện viên như một bộ phim nào đó. Cái này thì tôi chịu, dù gì cũng vừa sức…”.

Đã có một thời ngành báo chí cũng là một ngành hot trong giới trẻ, dẫn đến lượng thí sinh đăng ký cao, tỷ lệ chọi cũng cao vút. Không ít bạn trẻ chọn ngành báo chỉ vì thấy mấy nhà báo trên tivi hay mạng xã hội “oách”, “được tiếp xúc với nhiều người nổi tiếng”, “được xông pha nơi chiến trường, bão lũ…”. Hình dung về nghề của các bạn trẻ rõ ràng chưa chuẩn, dẫn đến ảo tưởng về sức mạnh ngành học. Đến khi học xong, ra đời, nhiều bạn hối hận, phải chuyển làm nghề khác vì không như kỳ vọng lúc đi học. 

Không hẳn bít lối

Có thể nói, nhiều phim truyền hình nước ngoài và trong nước với xu hướng tập trung khai thác những chủ đề xoay quanh các nhóm công việc đặc thù trong xã hội như cảnh sát, luật sư, nhà báo, doanh nhân, nhà sản xuất âm nhạc, diễn viên... đã thực sự kể những câu chuyện hay về nghề. Các bộ phim khai thác khía cạnh công việc, ngành nghề ít nhiều tạo sự đồng cảm của khán giả. Nhiều bạn trẻ chọn ngành nghề từ thần tượng trong phim thực ra cũng là điều bình thường. Có người vì mê trở thành cảnh sát, đã luyện Toán, Văn, Sử để thi đậu. Nhiều người ra sức học hành chỉ vì yêu thích, muốn như thần tượng mà quên mất rằng, để chọn một nghề cần những yếu tố khác nữa, bao gồm: năng lực, tính cách, sở thích, sức khỏe, kinh tế, xã hội… Các yếu tố này có thể xem là căn cứ để người trẻ dựa vào đó nghiệm lại mình xem phù hợp hay chưa với ngành nghề muốn hướng tới.

Anh Trần Vĩnh Phú, một chuyên gia tuyển dụng cho hay, học theo thần tượng cũng không hẳn bít lối tương lai. Quan trọng là bạn đam mê và quyết tâm đến cùng, cộng với việc học hỏi để hoàn thiện những điều còn thiếu đó. “Khi cùng một nhà tuyển dụng phỏng vấn xin việc, tôi từng gặp bạn trẻ cho hay, mình đến với nghề vì đam mê một nhân vật nào đó trên truyền hình. Tuy nhiên, bạn thiếu kỹ năng mềm và bạn tự nhận ra điều đó nên cố gắng khắc phục. Tôi cho đó là một sự dũng cảm và một điểm mà nhà tuyển dụng sẽ ưng bạn”.

Trong cuộc sống, mỗi người phải trải qua rất nhiều lựa chọn và việc chọn ngành nghề để học, nghề nghiệp để làm vô cùng quan trọng, là bước ngoặt trong đời. Nếu chọn đúng, phù hợp khả năng, thiên hướng thì cuộc sống sẽ tốt đẹp, nếu chọn sai sẽ phải tốn kém, hao phí thời gian. “Đừng nóng vội, đừng chủ quan để không đốt cháy giai đoạn mà cũng tránh sự áp đặt khi tự chọn nghề cho tương lai chính mình”, là lời khuyên dành cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời.

Tin cùng chuyên mục