
Theo kế hoạch, hôm nay, 9-1, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục sẽ chủ trì phiên họp toàn thể của hội đồng nhằm đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến chương trình THPT phân ban và việc triển khai thực hiện đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam do Bộ GD-ĐT đệ trình.

Về chương trình THPT phân ban, theo đề xuất của Bộ GD-ĐT, sẽ có hai phương án được đưa ra thảo luận và quyết định tại hội đồng. Phương án thứ nhất là chia chương trình THPT thành 3 ban gồm: Khoa học tự nhiên (KHTN) với các môn nâng cao là Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học; Ban Khoa học xã hội-Nhân văn (KHXH-NV) với các môn nâng cao là Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ; Ban Cơ sở dạy và học theo chương trình chuẩn đối với tất cả các môn.
Trong kế hoạch dạy học của Ban Cơ sở có 4 tiết dạy học tự chọn/tuần. Học sinh có thể sử dụng số tiết dạy học tự chọn để chọn học từ 1 đến 3 môn trong số 8 môn nâng cao... Phương án thứ hai, phân thành hai Ban KHTN và KHXH-NV.
Theo Bộ GD-ĐT, về cơ bản vẫn giữ như phương án đang thí điểm nhưng sẽ bổ sung thêm môn ngoại ngữ theo chương trình nâng cao vào Ban KHXH-NV để “đáp ứng yêu cầu của một số trường CĐ, ĐH có các ngành học đòi hỏi HS có kiến thức và kỹ năng cao hơn về ngoại ngữ”. Như vậy Ban KHTN sẽ có bốn môn học nâng cao là: Toán, Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Tại phiên họp lần này, các thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục cũng sẽ thảo luận các vấn đề về xây dựng trường đại học quốc tế, bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản và chuyển đổi một số trường công lập sang tư thục...
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, điều đầu tiên để xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế là cần phải được sự đồng ý và cam kết của Chính phủ; tiếp đến là phải có một tổ công tác, một nhóm chuyên gia hỗn hợp gồm các nhà khoa học của Việt Nam và nước ngoài (tốt nhất là Hoa Kỳ) xây dựng một đề án khả thi. Bộ GD-ĐT cũng đề xuất theo hai cách lựa chọn: một là phát triển trên cơ sở một trường đại học đã có; hai là xây dựng một trường đại học hoàn toàn mới.
V.L.