Ngày 26-8, Chính phủ Australia đã công bố khoản chi 64 triệu AUD để ngăn chặn giới trẻ nước này bị cực đoan hóa và gia nhập các nhóm quá khích ở Trung Đông. Thủ tướng Tony Abbott cho biết có tới 60 người Australia đang tham chiến trong hàng ngũ các phần tử thánh chiến thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong khi 100 người khác đang hoạt động tích cực ở trong nước nhằm hậu thuẫn cho IS.
Trong số 64 triệu AUD nói trên, có 13,4 triệu AUD dành cho các chương trình can dự cộng đồng nhằm ngăn ngừa thanh niên Australia gia nhập các nhóm cực đoan tại Trung Đông như tư vấn, hỗ trợ việc làm; 6,2 triệu AUD dành cho việc thành lập Nhóm giám sát mới thuộc Cảnh sát liên bang để theo dõi các chiến binh nước ngoài trở về và những phần tử hậu thuẫn họ. Cảnh sát liên bang sẽ được hỗ trợ 11,8 triệu AUD để tăng cường năng lực phản ứng trước mối đe dọa do các chiến binh trong và ngoài nước gây ra, trong đó có việc triển khai các sĩ quan liên lạc khu vực và lập hai đội điều tra mới chuyên về khủng bố; 32,7 triệu AUD sẽ được cấp cho Nhóm ngăn chặn liên ngành nhằm điều tra, trừng phạt và ngăn chặn các chiến binh nước ngoài.
Động thái trên được đưa ra sau khi Giám đốc Cơ quan Tình báo an ninh Australia (ASIO) David Irvine cảnh báo rằng tình trạng xung đột đẫm máu ở Iraq và Syria đang hình thành một thế hệ chiến binh mới. Chính phủ Australia ngày càng lo ngại các chiến binh Hồi giáo người Australia đang tham gia các lực lượng nổi dậy ở Syria và Iraq, có thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia một khi các đối tượng này về nước. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do tờ The Australian tiến hành công bố trong ngày 26-8 cũng cho thấy phần lớn cử tri ủng hộ đề xuất một cuộc đàn áp thẳng tay của chính phủ đối với các tay súng trở về Australia từ những nước trên. Có đến 77% số người được hỏi tuyên bố ủng hộ luật mới, theo đó công dân Australia đi du lịch đến những quốc gia trên phải chứng minh họ đã không tiếp xúc với các nhóm khủng bố.
Quyết định của Chính phủ Australia là một trong những động thái khẩn cấp trong hàng loạt quốc gia gần đây. Tháng trước, Bộ trưởng nội vụ của 9 nước trong khối Liên minh châu Âu (EU), gồm Bỉ, Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Italia, Đan Mạch, Thụy Điển và Hà Lan, cũng đã thông qua một kế hoạch hành động nhằm nhận diện những cá nhân sang Syria và ngăn chặn họ gia nhập các nhóm khủng bố. Chính phủ Pháp còn ban hành lệnh cấm đi lại trong vòng 6 tháng nhằm ngăn chặn công dân nước này sang Syria và Iraq để gia nhập lực lượng Hồi giáo nổi dậy khi có thông tin mỗi ngày có khoảng 2 - 3 thanh niên Hồi giáo rời bỏ Pháp để sang gia nhập các nhóm Hồi giáo ở nước ngoài. Còn các quan chức an ninh Anh ước tính có vài trăm người Anh cũng đã tham gia các tổ chức cực đoan chống lại quân đội chính phủ Syria.
Nhóm vũ trang IS đang trở thành mối đe dọa an ninh không chỉ đối với Mỹ mà còn với nhiều nước châu Âu khác. Khả năng hàng ngàn người mang hộ chiếu Mỹ và hộ chiếu châu Âu đang tham chiến cùng IS sau khi về nước có thể tiến hành các cuộc tấn công khủng bố đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia là có cơ sở. Ngày 25-8, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey đã kêu gọi các đồng minh châu Âu cùng hợp sức đối phó với mối đe dọa trên.
HẠNH CHI