Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và Văn phòng Quốc vụ viện vừa ra chỉ thị cấm xây mới bất kỳ tòa nhà chính phủ nào trong vòng 5 năm tới. Chỉ thị trên nghiêm cấm việc xây dựng, mua, sửa chữa hoặc mở rộng các khu văn phòng chính phủ dưới vỏ bọc sửa chữa hay quy hoạch đô thị. Lệnh cấm này cũng áp dụng đối với việc xây dựng các công trình tốn kém như các trung tâm huấn luyện hoặc khách sạn.
Theo chỉ thị này, CPC và các tổ chức chính phủ không được nhận quyên góp hay bảo trợ xây dựng dưới bất cứ hình thức nào, cũng như kết hợp với các doanh nghiệp, trong việc triển khai các dự án xây dựng. Chỉ thị kêu gọi các cơ quan chính phủ thực hành tiết kiệm nhằm đảm bảo mọi nguồn lực và ngân sách nhà nước được huy động vào phát triển kinh tế, tăng phúc lợi xã hội cho người dân.
Chỉ thị tiết kiệm từ chính phủ của Trung Quốc được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nền kinh tế hiện tại của nước này đang gặp nguy hiểm. Bên cạnh hệ thống ngân hàng chính thức đang trong tình trạng báo động đỏ, các nguồn tín dụng phi truyền thống hay còn gọi là “hệ thống ngân hàng bóng tối” đang ngày càng ít bị kiểm soát và không ổn định.
Thực trạng này khiến cho nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có bong bóng bất động sản và gánh nặng nợ công tăng cao của chính quyền địa phương. Mặc dù tỷ lệ tiêu dùng trong nước của Trung Quốc quý 2-2013 vẫn ở mức tương đương với cùng kỳ năm ngoái nhưng chi tiêu cho các tài sản hữu hình như đường sá, sân bay và các tòa nhà thương mại lại tăng lên đáng kể.
Điều đáng nói là nhu cầu sử dụng đối với những mặt hàng này ở Trung Quốc lại không hề tăng lên. Rất nhiều tòa nhà được xây dựng với chi phí rất lớn, cho đến nay vẫn chưa có người ở, nhiều trung tâm thương mại bị bỏ hoang vì khủng hoảng thừa và không ít những con đường còn dang dở. Đa phần các khoản vay của chính quyền địa phương ở Trung Quốc để phục vụ cho thanh toán các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới.
Đầu tháng này, Ordos (Ngạc Nhĩ Đa Tư), thành phố nổi tiếng của những tòa nhà chọc trời và các chung cư “ma” - đã phải vay tiền từ các công ty tư nhân để trả lương cho các quan chức địa phương (theo THX). Sự gia tăng chóng mặt của các khoản nợ này sẽ làm tăng nguy cơ mất cân đối ngân sách của các chính quyền địa phương. Chỉ riêng khoản nợ nhiên liệu của chính quyền địa phương, phần lớn dành cho các tòa nhà, hệ thống giao thông, cống rãnh…, gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Tổng số nợ của chính quyền địa phương lên đến khoảng 2.000 tỷ USD, tương đương với 3 tháng của toàn bộ sản lượng nền kinh tế Trung Quốc. Theo Viện Brookings, con số này thực tế có thể còn cao hơn.
Rõ ràng, chính lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức được việc cần thiết phải tiến hành cải cách để giúp nền kinh tế nước này tránh đối đầu với một tình trạng vô cùng tồi tệ, như cảnh báo của IMF. Theo báo chí nước ngoài, chỉ thị trên không chỉ là một trong những động thái mới nhất trong chiến dịch chống tham nhũng, chiến dịch tiết kiệm đang được phát động của chính phủ mới, mà còn được xem như một bước đi quan trọng để xây dựng chính phủ trong sạch, cải thiện mối quan hệ giữa đảng và nhân dân.
HẠNH CHI