Phải mất hơn 4 giờ vượt qua trên 50km đường làng nhỏ hẹp và lội sình trơn trợt, chúng tôi mới tìm được nơi ở của thương binh hạng 3/4 Nguyễn Văn Đấu (Bảy Đấu), người luôn được người dân địa phương khâm phục vì ý chí vượt khó theo lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế” để vươn lên bằng trái tim người lính.
Chú Nguyễn Văn Đấu nay đã bước sang tuổi 69 nhưng trông rất còn khỏe mạnh, di chuyển nhanh nhẹn và luôn tiếp chuyện với ánh mắt tự tin và nụ cười rạng rỡ. Vẫn tác phong rất “lính” hút thuốc giồng và vấn thuốc rất điệu nghệ bằng cánh tay còn lại.
Chú kể: “Mới 14 tuổi, tôi đã trốn nhà đi theo cách mạng, thấy tụi giặc ác ôn ngày ngày càn quét quê hương, tôi chịu hổng “xiết”, vậy là ôm đồ xin theo mấy anh mấy chú địa phương quân 1462 làm du kích diệt thù, tía má tôi kiếm được năn nỉ hoài mà tôi đâu có chịu “dìa”…”.
Thương binh Nguyễn Văn Đấu
Rời làng quê Phước Thuận, Ngã Sáu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), năm 1964 người thanh niên ấy được phân công về chiến đấu tại Tiểu đoàn Tây Đô 1. Trước đó chú có tham gia trận đánh lịch sử Tầm Vu năm 1963, với những chiến công đặc biệt xuất sắc, chú Đấu vinh dự được kết nạp Đảng tại chiến trường năm vừa tròn 17 tuổi.
Chú Bảy Đấu xúc động nói: “Được kết nạp Đảng tại chiến trường là niềm hạnh phúc quá lớn đối với tôi, tôi nguyện suốt đời phục vụ nhân dân, xứng đáng là người Đảng viên gương mẫu”.
Năm 1967, chú được phân công về chiến đấu tại Tiểu đoàn 307 thuộc Quân khu 9 và tham gia trận đánh chi khu Ngã Năm (nay là thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng). Tại đây chú đã mất đi bàn tay phải và bị nhiều vết thương chi chít trên thân thể lúc xung phong đánh sập lô cốt của địch để đồng đội hoàn thành nhiệm vụ phá đồn, diệt giặc. Chú Lê Hoàng Quân, đồng đội cũ của chú Đấu, nhớ lại: “Ai chớ Bảy Đấu gan cùng mình, thương tích vậy mà vẫn tỉnh queo, còn hô hào anh em xung phong”.
Sau ngày miền Nam giải phóng, chú trở về địa phương sinh sống. Với suy nghĩ không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và dù cơ thể thương tật, khiếm khuyết, chú bắt đầu làm quen với nghề cưa cây thuê cho người dân xung quanh, một cái nghề vốn rất nguy hiểm và khó khăn cho người lành lặn và lại càng khó khăn hơn với một thương binh hạng 3/4 như chú. Dù được nhiều người thân khuyến cáo, nhưng chú vẫn chọn con đường mưu sinh đầy gian khổ này. Nhớ lại thời đó, chú Bảy Đấu kể: “Ban đầu “chua” lắm, xoay trở một thân một mình rất khó khăn, nhất là gặp các gốc cây to, xớ cứng, mình phải tính toán làm sao để cưa nhanh và đỡ tốn công nhất, riết rồi quen việc…”
Điều rất lạ là chú Bảy Đấu hoàn thành công việc rất khéo léo, nhanh chóng, chính xác, giá cả phải chăng, vì vậy có rất nhiều người đến đặt hàng. Biết được khả năng và tâm huyết của chú, nhiều gia đình tận Lâm Đồng đến hợp đồng với chú làm việc trong thời gian rất dài. Cũng vì thán phục khả năng “đặc biệt” này, đã có một cô gái đồng ý nên vợ nên chồng với người thương binh ấy trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Cô Lê Thị Sàng, người bạn đời của chú, kể lại: “Ảnh tuy tật nguyền nhưng ham việc, ham làm lắm, mà làm thì tới nơi tới chốn, làm thuê vậy chớ thấy ai khó khăn là làm miễn phí liền, hồi đầu tôi cũng cằn nhằn, sau này thấy anh hay làm chuyện từ thiện, tôi xiêu lòng ủng hộ…”.
Ông Lê Văn Tám, người dân địa phương, cho biết thêm: “Anh ấy có một tay thôi nhưng cưa cây thì thị trấn này không ai bì kịp, lại được cái siêng năng, quần quật tối ngày; sống có lý, có tình, luôn đi đầu gương mẫu, nên tụi tui cũng cố gắng làm theo”. Hiện nay dù tuổi cao sức yếu, nhất là hàng trăm vết thương luôn hành hạ khi trái gió trở trời, người thương binh ấy vẫn sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh bằng trái tim người lính. Ai cần lợp nhà, tát mương, làm cỏ… là chú có mặt. Chú còn là “quân sư” của người dân quanh vùng trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm bởi chú rất hay nghiên cứu các tài liệu liên quan. Không những vậy, mỗi khi làng xóm có chuyện xung đột, bất hòa là có chú đến hòa giải thành công với sự thấu lý, đạt tình. Chú còn là “đài phát thanh” không chuyên của địa phương vì luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến luật pháp, chính sách của Nhà nước và thông tin nhanh đến mọi người tình hình an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội ở địa phương, trong và ngoài nước. Vì vậy cũng không lạ lẫm gì khi người dân địa phương gọi chú bằng cái tên thân mật “chú Bảy thời sự”.
Những lúc rảnh rỗi, người thương binh ấy lại lặn lội đi thăm hỏi, động viên đồng đội cũ vượt qua khó khăn, giữ vững khí tiết người lính Cụ Hồ. Tằn tiện và với sự giúp đỡ của đồng đội năm xưa, chú vừa có được “căn nhà đồng đội”. Tuy vậy, cuộc sống của gia đình chú vẫn còn khó khăn, người bạn đời của chú hiện đang mắc bệnh hở van tim, hở khớp chân nhưng chưa được chạy chữa kịp thời vì kinh tế quá eo hẹp do không đất sản xuất, trong khi đồng lương thương binh chỉ xấp xỉ 2 triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng chú không hề so đo, tính toán, đòi hỏi điều gì ở Nhà nước với suy nghĩ đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, vẫn còn nhiều trường hợp khác cần sự giúp đỡ hơn. Hàng ngày, chú vẫn cặm cụi chăm sóc vườn rau, ao cá trên 5 công đất được ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô vận động một mạnh thường quân cho mượn canh tác để cải thiện cuộc sống gia đình.
Đất không phụ lòng người, hiện nay đàn gà của chú hơn 100 con tăng trưởng nhanh chóng. Dưới mương, chú thả cá trê phi, cá chép…, trên bờ, chú trồng các loại cây như: thanh long ruột đỏ, ổi không hạt, bưởi Năm Roi, dâu Hạ Châu… Với phương thức lấy ngắn nuôi dài, chú trồng xen vào các loại cây đu đủ, đậu rồng, bầu, bí và hiện đã cho thu nhập mỗi ngày từ 100.000 - 150.000 đồng.
Chia tay chúng tôi với nụ cười tự tin, chú căn dặn: “Kể chuyện nghe chơi thôi chứ đừng có nói gì về khó khăn hiện nay của tôi nghe, nhiều người còn khó khăn hơn nhiều, phải cố gắng vượt qua thôi, lính mà, chuyện nhỏ mà…”. Chú lại cười, nụ cười rất lính, lạ thường.
Chúng tôi hiểu, người thương binh ấy đang từng ngày, từng giờ đối mặt với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống nhưng chú biết vượt qua bằng nghị lực của người lính Cụ Hồ, thật đáng trân trọng biết bao.
PHAN THỊ ANH THƯ