Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Đại lễ Phật đản

Ngày 21-5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Sứ - Hà Nội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2560, dương lịch 2016 và hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 2016).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Đại lễ Phật đản

(SGGP).- Ngày 21-5, tại Học viện Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Sứ - Hà Nội, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2560, dương lịch 2016 và hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 2016).

Tới dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Trưởng lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương, địa phương, đại diện các đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội cùng đông đảo các tăng ni, phật tử.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng hương mừng Đại lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) (Ảnh: BẢO MINH)

Kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh năm nay, cũng là năm bản lề Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoàn thành Phật sự của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII cùng chung tay xây dựng đất nước hòa bình, an lạc. Nhân dịp này, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi thông điệp kêu gọi tăng ni, phật tử và mọi người hãy bằng những hành động thiết thực nhất bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, xua tan nỗi sợ hãi của khủng bố rình rập, của chiến tranh đe dọa, của thiên tai tàn phá, làm cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới chư tôn đức giáo phẩm, cùng toàn thể tăng ni, đồng bào phật tử, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, Đại lễ Phật đản là sự kiện tôn giáo rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng và tinh thần của đồng bào phật tử nước ta. Với chặng đường hơn 2.000 năm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đạo Phật đã khẳng định được vị trí của mình trong lòng dân tộc. Ngôi chùa không chỉ là chỗ dựa tâm linh cho con người, nơi giáo dục về đạo đức và văn hóa mà còn là nơi đào tạo nhân tài phục vụ đất nước và đoàn kết lòng dân. Trong suốt dòng chảy lịch sử của dân tộc, với truyền thống yêu nước, Phật giáo Việt Nam luôn lấy đức từ bi, hỷ, xả, chân - thiện - mỹ để giáo hóa chúng sinh, đề cao tinh thần “Hộ quốc, an dân”, đồng cam cộng khổ cùng dân tộc, phục vụ Tổ quốc và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
 

BẢO MINH


Phật giáo TPHCM mừng Đại lễ Phật đản 2016

Sáng nay 21-5, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM trọng thể tổ chức Đại lễ Phật đản 2016 - Phật lịch 2560 tại Việt Nam Quốc Tự, TPHCM.

Tham dự có đại diện chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chư tôn đức Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM; đại diện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam 24 quận, huyện và đông đảo tăng ni, phật tử TP. Tham dự Đại lễ Phật đản còn có đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Hoàng Năng; Phó Chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Võ Thị Dung và đại diện các sở, ban, ngành, các quận, huyện toàn TP.

Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ chúc mừng Đại lễ. Ảnh: Thế Anh

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Đại tướng Trần Đại Quang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại lễ.

Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, Trưởng Ban Tổ chức đại lễ Phật Đản tuyên đọc Thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi chư tôn hòa thượng, thượng tọa, ni trưởng, ni sư, đại đức tăng ni, cư sĩ, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Trong thông điệp, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng thể hiện mong muốn: “Toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam với tâm nguyện và trách hiệm tri ân của những người con Phật, mỗi người bằng hành động thiết thực nhất hãy bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đe dọa đời sống của chính mình”.

Đông đảo tăng ni, phật tử TP tham dự Đại lễ Phật đản. Ảnh: Thế Anh

Tại buổi lễ, hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM đã nhắc lại ý nghĩa của Đại lễ và truyền thống tốt đẹp của Phật giáo. Đồng thời hòa thượng Thích Thiện Tánh cũng kêu gọi các cấp Giáo hội, các địa phương sẽ có nhiều hoạt động Phật sự sáng tạo, thiết thực chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hưởng ứng lời hiệu triệu trong Thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng những kế hoạch, hành động cụ thể, tích cực trong việc bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, tịnh lạc cho hành tinh.
Phát biểu tại Đại lễ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Hoàng Năng gửi lời cầu chúc trân trọng đến chư tôn giáo phẩm, chư vị hoà thượng, thượng tọa, đại đức, ni trưởng, ni sư, đại đức tăng ni, cư sĩ, đồng bào Phật tử TP, trong nước và nước ngoài lời cầu chúc mạnh khỏe, an lạc, hưởng mùa Phật đản được an vui, hạnh phúc.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Hoàng Năng, kỷ niệm ngày Đức Phật Đản sinh là dịp để tăng ni, cư sĩ, phật tử Việt Nam ôn lại truyền thống “hộ quốc an dân”, được kết tinh qua chiều dài hơn 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đồng thời qua đây cũng là dịp để những người con Phật hướng tâm và phát tâm sống theo giáo pháp của Đức Phật, phát huy tri thức, đạo đức, tinh thần từ bi, hỷ xả, thực hiện những việc làm “Tốt đời, đẹp đạo”, “Ban vui – Cứu khổ” “Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”, phù hợp với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta. Ông Nguyễn Hoàng Năng nhấn mạnh: Trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, lịch sử đã chứng minh trong các thời kỳ Phật giáo Việt Nam hưng thịnh luôn có sự gắn bó với Quốc gia, dân tộc. Đối với đạo Phật, đạo và đời không tách rời nhau “Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận Phật giáo Việt Nam có những đóng góp xứng đáng cho việc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Về trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, ông Nguyễn Hoàng Năng khẳng định sẽ cùng với các ngành chức năng tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tôn giáo và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kết thúc Đại lễ Phật đản là các nghi thức cúng dường, dâng hoa mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2560 và thả chim bồ câu, bong bóng cầu nguyện cho quốc thái dân an, hòa bình, an lạc cho chúng sinh.

Hồng Hiệp


Trang nghiêm Đại lễ Phật đản tại Huế

Sáng nay 21-5, tại Tổ đình Từ Đàm (TP Huế), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2560. Chư tôn đức giáo phẩm cùng đông đảo tăng ni, phật tử các giới tham dự.

Trang nghiêm Đại lễ Phật đản PL 2560 tại Tổ đình Từ Đàm

Sau hồi chuông trống Bát nhã rước Lễ đản sanh, lễ chính thức tổ chức trang nghiêm với diễn văn khai mạc, tụng kinh cầu Quốc thái dân an, Tổ quốc vinh quang, đạo pháp trường tồn, thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc. Đại lễ Phật Đản là dịp để tăng ni, phật tử và nhân dân tưởng nhớ ngày sinh của Đức Phật Thích Ca - người khai sáng đạo Phật.

Trước đó, vào tối 20-5, hàng ngàn tăng ni, phật tử trang nghiêm cử hành nghi lễ rước Phật từ chùa Diệu Đế về Tổ đình Từ Đàm với quãng đường dài hơn 5km. Lộ trình rước Phật được trang trí bởi các cụm hoa sen, và panô kính mừng Phật đản được trang trí lộng lẫy hài hòa với cảnh sắc sông Hương, núi Ngự. Đoàn rước di chuyển bằng ô tô đi qua các con đường, góc phố trong thành phố Huế.

Đoàn xe diễu hành mừng Đại lễ Phật đản tại Huế

Bên cạnh lễ hội chính diễn ra tại Tổ đình Từ Đàm và chùa Diệu Đế, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế còn diễn nhiều hoạt động phong phú như thuyết giảng Phật pháp, diễu hành, rước xe hoa, văn nghệ mừng sự ra đời của Đức Phật và các hoạt động từ thiện xã hội.

Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phó Trưởng Ban Tổ chức chia sẻ: Tất cả những nội dung hoạt động trong tuần lễ Phật Đản PL.2560 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đều được kết tụ bằng tinh thần đoàn kết hòa hợp, cõi lòng chí thành, đạo tâm thuần khiết và niềm hân hoan của tăng ni, Phật tử dâng lên cúng dường đức Phật nhân kỷ niệm ngày đản sanh. Điều đó đã nói lên những bước thành tựu và phát tiển của Phật giáo Huế đồng hành cùng sự đi lên của quê hương xứ sở, đóng góp vào ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

        VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục