Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Khoa học và công nghệ là động lực quan trọng để phát triển đất nước

Ngày 18-5, nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và công nghệ (KH-CN) Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới thăm và nói chuyện với các giáo sư, viện sĩ, cán bộ nhân viên của Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam.

(SGGP).- Ngày 18-5, nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và công nghệ (KH-CN) Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới thăm và nói chuyện với các giáo sư, viện sĩ, cán bộ nhân viên của Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển và ứng dụng KH-CN, coi đây là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, đất nước ta đang đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là sự nghiệp to lớn, đòi hỏi phải đồng tâm, nhất trí, phát huy cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng, trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của các nhà khoa học. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi cần có sự đổi mới về quản lý, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng KH-CN.

Chủ tịch nước nêu rõ: “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH-CN, xem đó là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả của KH-CN, tạo động lực cho các nhà khoa học cống hiến cho đất nước”. 

Cụ thể, cần đổi mới ngay từ khâu hình thành các nhiệm vụ khoa học theo hai hướng nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản và ứng dụng, phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với những mục tiêu là các sản phẩm khoa học cụ thể, được đặt hàng từ những chủ thể có nhu cầu. Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả các chương trình, đề tài KH-CN theo hướng phục vụ thiết thực mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy hiệu quả ứng dụng làm thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng công trình. Đối với lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, cần chú trọng hợp tác quốc tế để những sản phẩm KH-CN tương xứng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, phát triển KH-CN cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực KH-CN mũi nhọn, có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, bảo đảm đồng bộ về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm khoa học, ứng dụng những thành tựu KH-CN vào sản xuất, đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Chủ tịch nước lưu ý, để làm tốt điều đó cần phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn tri thức của con người Việt Nam và tranh thủ tối đa tri thức tiên tiến của nhân loại. Triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu tiên đối với các hoạt động KH-CN nói chung, đối với cán bộ KH-CN nói riêng, nhất là cán bộ khoa học trẻ, có trình độ cao; thu hút nhân tài phục vụ đất nước. Tôn vinh những nhà khoa học có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước, trọng dụng nhân tài, tạo sức mạnh tổng hợp để đưa nền KH-CN Việt Nam tiến lên một bước mới.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm và nói chuyện với các nhà khoa học, cán bộ nhân viên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Đánh giá cao những kết quả nghiên cứu, lao động sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ tịch nước cho rằng, thời gian tới, trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng chiến tranh, xung đột dân tộc, tôn giáo, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoạt động khủng bố tiếp tục gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Các mâu thuẫn lớn của thời đại và cuộc đấu tranh tư tưởng vẫn rất gay gắt. Các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là chiến tranh mạng, làn sóng di cư, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu gia tăng; tranh chấp chủ quyền ở biển Đông diễn biến phức tạp, đe dọa chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia của các nước, trong đó có Vỉệt Nam.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của khoa học xã hội và nhân văn nói chung, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục tích cực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; củng cố, tăng cường sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận về chính trị trong nhân dân; phát huy sức mạnh của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao ý chí phấn đấu thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cùng với việc tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội cơ bản về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhằm xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo xu hướng phát triển, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao quyết định bổ nhiệm Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn giữ chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã tới thăm Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, nơi gìn giữ, bảo tồn và giới thiệu những tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tới du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục