Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, khơi dậy khát vọng và ý chí của người học

Sáng 13-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã về thăm, chúc mừng và có bài nói chuyện cùng tập thể cán bộ sư phạm và sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Cùng tham dự có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm cơ sở vật chất Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm cơ sở vật chất Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Báo cáo với Chủ tịch nước, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: Trường được thành lập vào năm 1957 với tiền thân là Đại học Văn Khoa (thuộc Viện Đại học Sài Gòn), Đại học Tổng hợp TPHCM. Trường là trung tâm nghiên cứu, đào tạo đại học và sau đại học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) lớn nhất khu vực phía Nam.

Trong quá trình phát triển, nhà trường đã xác lập giá trị cốt lõi là "Sáng tạo - Dẫn dắt - Trách nhiệm", triết lý giáo dục là "Giáo dục toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa" làm kim chỉ nam cho hoạt động. Hiện nay, trường đang đào tạo đa dạng các ngành học từ bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ trong 9 lĩnh vực. Các ngành học được đào tạo trên cơ sở nhu cầu xã hội cũng như đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Tập thể nhà trường tặng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bức tranh về ngôi trường mà Chủ tịch nước từng theo học. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tập thể nhà trường tặng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bức tranh về ngôi trường mà Chủ tịch nước từng theo học. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nhà trường là đơn vị tiên phong trong việc khai mở ra các ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học mới, đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của xã hội như: Việt Nam học, Đông phương học, Nhân học, Quan hệ quốc tế, Đô thị học, Ngữ văn Tây Ban Nha, Ngữ văn Ý... Trường là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về việc thu hút sinh viên và học viên quốc tế đến từ hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đến học tập, nghiên cứu dài hạn và hàng ngàn lượt học viên đến học tập, nghiên cứu ngắn hạn hàng năm.

Từ nhà trường, nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đã trở thành những nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, văn nghệ sĩ, doanh nhân; nhiều người đã trở thành những chính trị gia từ địa phương đến Trung ương, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ở bất kỳ môi trường và cương vị công tác nào, cựu sinh viên, học viên nhà trường vẫn luôn thể hiện giá trị sáng tạo - dẫn dắt - trách nhiệm.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng, động viên lãnh đạo nhà trường. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng, động viên lãnh đạo nhà trường. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Kế thừa truyền thống, nhà trường luôn nằm trong tốp đầu các trường có phong trào thanh niên, sinh viên xuất sắc của TPHCM và cả nước. Đặc biệt, chiến dịch “Xuân tình nguyện” được khởi đầu từ Đoàn trường vào năm 2004 đã trở thành một trong ba hoạt động tình nguyện lớn của thanh niên, sinh viên toàn quốc. Các hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, hoạt động công tác sinh viên rộng khắp đã kiến tạo một môi trường đại học chuẩn mực, năng động, sáng tạo, đa văn hóa và hội nhập; hun đúc lý tưởng, hoài bão, trách nhiệm xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, đây chính là môi trường lý tưởng cho việc đào tạo các lãnh đạo trẻ, bổ sung cho đội ngũ lãnh đạo tương lai ở các cấp khác nhau”, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Cùng với đó, các nhà khoa học và sinh viên của trường cũng chia sẻ niềm vui khi được Chủ tịch nước đến thăm nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam; cũng như nói lên những tâm tư, nguyện vọng và quyết tâm để nhà trường ngày một phát triển.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, chúc mừng thầy cô giáo Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, chúc mừng thầy cô giáo Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm của một cựu sinh viên, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương những thành quả của tập thể sư phạm nhà trường và gửi lời thăm hỏi chân thành, chúc mừng tốt đẹp nhất đến quý thầy cô giáo và các bạn sinh viên.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài, coi trọng trí thức. Các bậc tiền nhân thường nói: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “Phi trí bất hưng”... Những nhận thức sâu sắc và quý báu ấy đề cao giá trị đạo đức làm người, nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta, góp phần hun đúc nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hóa và con người Việt Nam. Truyền thống đó được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, trao truyền và bồi đắp cho đến hôm nay. Ngày 20-11, Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để xã hội bày tỏ lòng biết ơn, tri ân các thầy cô, những người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có nhiều chia sẻ tâm huyết với tập thể cán bộ sư phạm và sinh viên Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có nhiều chia sẻ tâm huyết với tập thể cán bộ sư phạm và sinh viên Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Theo Chủ tịch nước, Trường ĐH KHXH&NV là nơi quy tụ nhiều nhà khoa học, cô giáo, thầy giáo giỏi, nổi tiếng trong giảng dạy và nghiên cứu. "Cách đây hơn 30 năm, dưới mái trường này, chúng tôi đã được học tập với những thầy cô giáo đầy nhiệt huyết, luôn quan tâm đến sự tiến bộ của sinh viên. Kiến thức sâu rộng và nhân cách mẫu mực của các cô giáo, thầy giáo chính là tấm gương sáng, động viên chúng tôi bước vào cuộc sống với nhiều hoài bão trong hành trình phụng sự xã hội, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành công có được của lớp sinh viên ngày ấy, trong đó có cá nhân tôi, có phần từ công lao dạy bảo của các thầy cô", Chủ tịch nước chia sẻ.

Với hơn 65 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ của nhà trường luôn được bổ sung, phát triển về số lượng và năng lực, trình độ, chuyên môn cao, có bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy, nhiều GS, TS đạt nhiều danh hiệu khoa học, giáo dục cao quý ở trong và ngoài nước, được sinh viên và xã hội tin yêu, kính trọng.

Chủ tịch nước xúc động chia sẻ: “Mỗi dịp trở lại trường, tôi đều xúc động, phấn khởi và tự hào trước những thành tựu mà các thế hệ thầy cô nối tiếp nhau đã dày công vun đắp. Đến nay, nhà trường đã định vị được sứ mệnh, tầm nhìn, tạo dựng được vị thế là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học nhân văn chất lượng cao, lớn nhất khu vực phía Nam và quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Trường đã thu hút và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tài năng. Nhiều cựu sinh viên của nhà trường nay đã thành danh trong nhiều lĩnh vực và có đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi cùng Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM và cán bộ giảng viên nhà trường. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi cùng Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM và cán bộ giảng viên nhà trường. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Phần lớn sinh viên là những người ưu tú, có hoài bão cống hiến, năng động, sáng tạo. Đến nay, trường đã đào tạo cho xã hội hơn 75.000 cử nhân khoa học, hơn 6.000 thạc sĩ và trên 600 tiến sĩ. Trường thu hút đông sinh viên nước ngoài đến học tập, tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo với 13 chương trình đào tạo bậc đại học liên quan đến các quốc gia, hợp tác với 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong giảng dạy, nghiên cứu và phụng sự xã hội, nhà trường đã có nhiều bước đột phá để đưa khoa học xã hội và nhân văn vào thực tiễn. Nhiều công trình nghiên cứu của trường được đón nhận và đánh giá cao, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương, vùng và đất nước. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác sinh viên và văn hóa đại học được chú trọng triển khai thực hiện bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú. Nhà trường luôn nằm trong nhóm đầu các trường có phong trào thanh niên, sinh viên xuất sắc của TPHCM và cả nước…

Đạt được kết quả này là sự nỗ lực của tập thể giáo chức và sinh viên luôn tâm huyết, tận lực với tầm nhìn và sứ mệnh của trường, tạo nền tảng vững chắc góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo của đất nước.

“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và với niềm tự hào riêng của một cựu sinh viên, tôi xin nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà nhà trường đã đạt được trong thời gian qua”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trồng cây mai vàng tặng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trồng cây mai vàng tặng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chia sẻ về xác định mục tiêu, phương hướng và định vị tầm vóc của trường trong tương lai, Chủ tịch nước cho rằng nhà trường cần tập trung những nội dung sau:

Một là, kiên trì đổi mới tư duy và hành động, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, khẳng định vị thế của nhà trường trong nước, trong khu vực và quốc tế.

Hai là, đổi mới quản lý, quản trị nhà trường theo hướng tự chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. Năm học vừa qua, nhà trường bước vào tự chủ với nhiều thử thách. Dù có nhiều khó khăn nhưng cũng đã nỗ lực từng bước vượt qua. Để đi tiếp trong chặng đường sắp tới, cần kiên trì với bộ giá trị cốt lõi là “Sáng tạo - Dẫn dắt - Trách nhiệm” và triết lý giáo dục của Nhà trường “Giáo dục toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Ba là, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, xây dựng môi trường văn hóa, môi trường học thuật để sinh viên tự tin, độc lập, sáng tạo, say mê trong nghiên cứu, học tập, phục vụ xã hội. Chú trọng đặc biệt tới giáo dục phẩm chất, phát triển năng lực cần thiết cho sinh viên để tăng khả năng thích ứng với xã hội và hội nhập quốc tế, có kỹ năng, tư duy học tập suốt đời; khơi dậy khát vọng và ý chí, quyết tâm vươn lên của mỗi cá nhân góp phần vào sự vươn lên của cả dân tộc.

Bốn là, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy là lực lượng quyết định đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu của nhà trường. Cần có chế độ đãi ngộ và chính sách hợp lý với cán bộ có trình độ cao; tạo điều kiện, môi trường cho các thầy cô tự học tập, nghiên cứu, trau dồi, phát triển tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy năng lực sư phạm.

Riêng với sinh viên, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý: Chất lượng dạy và học trong nhà trường đại học chỉ đạt kết quả cao nhất khi người học chủ động, tích cực, tự giác học tập, nghiên cứu, khát khao khám phá tri thức và hoàn thiện nhân cách. Thời gian các em còn ngồi trên ghế nhà trường là khoảng thời gian rất ý nghĩa.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng 20 suất học bổng (trị giá 100 triệu đồng) cho 20 sinh viên xuất sắc của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng 20 suất học bổng (trị giá 100 triệu đồng) cho 20 sinh viên xuất sắc của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Khép lại buổi nói chuyện, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng: “Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống, nền tảng vững chắc mà các thế hệ giảng viên, viên chức, sinh viên, học viên đã xây dựng, với quyết tâm, kiên trì, tập thể cùng nhìn về một hướng, chung sức, đồng lòng, nhà trường sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự phát triển của xã hội và đất nước, tạo ra sự bứt phá cho khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam”.

Trước đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dâng hoa tại Không gian truyền thống phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn, Gia Định, TPHCM; trồng cây mai vàng, biểu tượng của mùa xuân vùng đất phương Nam tặng nhà trường; tham quan lớp Triết học và thăm khuôn viên nhà trường.

Tin cùng chuyên mục