Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Nếu thông tư, nghị định sai thì phải sửa

Sáng nay, 6-11, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Theo Chủ tịch Quốc hội, mở đầu chất vấn trực tiếp, đã có 113 đại biểu (ĐB) đăng ký chất vấn. Nhiều nội dung nóng được các ĐB đặt ra.

Tranh luận thẳng thắn về vướng mắc trong phân định giữa chi thường xuyên và chi đầu tư, ĐB Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng) nhận định, Luật Đầu tư công có nội dung quy định tính chất của dự án đầu tư công, dẫn tới cách hiểu cho rằng toàn bộ dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp… đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công; dẫn tới chồng lấn các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công. “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp giải quyết?”, ĐB Cường chất vấn.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng)

Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng)

Cho biết “đã 3 lần trình, mệt mỏi quá”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, vướng mắc cần có sự giải thích luật của UBTVQH để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác và yên tâm nhất. Điều 6, Khoản 2 của Luật Đầu tư công quy định kể cả xây dựng mới, lẫn nâng cấp, sửa chữa, mở rộng tài sản công đều theo Luật Đầu tư công. Khi đó phải xác định kế hoạch đầu tư trong trung hạn và hàng năm. Nếu chương trình, dự án và các nguồn kinh phí không được đưa vào Luật Đầu tư công, mặc dù là ngân sách nhà nước, thì sẽ sai quy định.

“Hiện nay, cái nào chi thường xuyên, cái nào chi đầu tư công vẫn đang bế tắc, tạo vướng mắc trong triển khai thực hiện”, ông Phớc khẳng định. Theo Nghị định 73 của Chính phủ đối với hệ thống công nghệ thông tin, những dự án hoạt động đầu tư dưới 15 tỷ đồng thì dùng chi thường xuyên. Tuy nhiên, hướng dẫn thực hiện Nghị định 73 hiện vướng mắc, không biết phần đầu tư có phải lập dự án đầu tư hay có đưa vào đầu tư công trung hạn?

Để giải quyết vướng mắc, vừa qua, Bộ Tài chính đã 3 lần trình, 1 lần với Chính phủ thì chưa có sự đồng thuận cao nên chưa trình UBTVQH, 2 lần đã trình đúng quy trình thủ tục về vấn đề này và đã trình ra UBTVQH nhưng chưa được trình ra Quốc hội.

Liên quan nội dung trên, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, về chi thường xuyên, vấn đề không hẳn do Luật Đầu tư công, mà còn liên quan Luật Ngân sách nhà nước. Về việc sửa chữa nâng cấp, hiện nay công tác này vẫn được triển khai bình thường, không vướng mắc. Về đầu tư mới, phải thực hiện theo quy trình quy định trong Luật Đầu tư công. Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội nội dung, với dự án dưới 15 tỷ đồng thì có thể thực hiện dự án từ chi thường xuyên.

Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các cơ quan của Quốc hội đã khẳng định và Quốc hội đã có văn bản trả lời Chính phủ với nội dung: “Trong thực tiễn cũng như trong quy phạm pháp luật, không có một văn bản nào, một trường hợp nào quy định mức chi thường xuyên và chi đầu tư là căn cứ vào giá trị số tiền cả. Không phải trên 15 tỷ đồng là đầu tư công và dưới 15 tỷ đồng lại là chi đầu tư thường xuyên. Chúng ta chi lương là hàng trăm nghìn tỷ đồng, chi cho giáo dục đào tạo là hàng trăm nghìn tỷ đồng thì đều là chi thường xuyên”.

Theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, vấn đề là tính chất chứ không phải giá trị của các khoản chi. Và, các cơ quan Quốc hội khẳng định rằng, không có vướng mắc gì trong Luật Đầu tư công. Yêu cầu Chính phủ rà soát lại xem có vướng mắc trong Luật Ngân sách nhà nước hay không? Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, cho đến nay, sau khi rà soát, kết luận bước đầu là cũng không có vướng mắc về Luật Ngân sách nhà nước. “Do đó, Quốc hội đã đưa việc giải quyết nghị quyết đặc thù về vấn đề chi thường xuyên và chi đầu tư ra khỏi chương trình, không chấp nhận việc đó. Nếu Chính phủ và các bộ, ngành thấy rằng, đây là trách nhiệm giải thích pháp luật của UBTVQH thì cần có đề xuất, sau đó UBTVQH sẽ giải thích. UBTVQH không giải thích những vấn đề đã rõ hoặc nội dung không ai yêu cầu giải thích”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phản hồi, Bộ trưởng Tài chính nói: “Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Luật Đầu tư công ban hành từ năm 2014 “trói” hết hoạt động, ví dụ sửa chữa, nâng cấp, mở rộng… Toàn bộ tài sản công, không phân biệt giá trị đều đưa vào thì đương nhiên khi thực hiện tài sản đó phải được điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công”. Thêm nữa, theo ông Phớc, Luật Đầu tư công cũng quy định các khoản chi nếu không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thì không được chi.

“Báo cáo Chủ tịch Quốc hội, khi tôi nói từ nay tôi không nói đến vấn đề này nữa là vì tôi trình 3 lần rồi, mệt mỏi quá, chứ không phải là đồng ý”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giãi bày.

“Hai tổ rà soát pháp luật độc lập của UBTVQH và Chính phủ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, liên quan hơn 500 văn bản, từ thông tư, nghị định, đến luật, trong đó có cả Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công thì không hề có một bộ nào nói gì vấn đề này, coi đó là vấn đề vướng mắc hay ách tắc”, Chủ tịch Quốc hội cho biết và đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo thêm, để tường minh.

“Trường hợp có vướng mắc, chúng ta sẵn sàng sửa đổi, bổ sung. Chưa rõ thì sẵn sàng giải thích. Nhưng nguyên nhân nằm ở đâu? Nếu thông tư, nghị định sai thì phải sửa”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “gói” lại phiên chất vấn sáng.

Từ 2021 đến 9-2023: Bảo hiểm chi trả gần 2.300 tỷ đồng cho tai nạn xe gắn máy

ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, cử tri đã nhiều lần phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực, vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn, phức tạp. Việc mua bảo hiểm loại này chủ yếu tránh bị cơ quan chức năng xử phạt.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vấn đề bảo hiểm xe cơ giới được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm, đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc. Thời gian qua, xe máy bị tai nạn chiếm 64%; từ năm 2021 đến tháng 9-2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn, gần 2.300 tỷ đồng. Điều đó thể hiện Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người lái xe máy, bởi người sử dụng xe máy đa số thu nhập không cao, khi có ảnh hưởng tính mạng thì bảo hiểm chi trả tối đa là 150 triệu, xe hư hỏng thì trả tối đa 50 triệu.

Để thuận lợi chi trả cho người dân hơn, Nghị định 67 của Chính phủ liên quan vấn đề này đã quy định trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải chi trả cho người bị tai nạn. Nếu ảnh hưởng tới tính mạng thì mới cần có biên bản, giấy tờ của công an, còn không thì chỉ cần có file ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử là sẽ được giải quyết hưởng bảo hiểm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QUANG PHÚC

Thủ tướng nghe riêng dự thảo quy hoạch của TPHCM và Hà Nội

Tại phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc triển khai thực hiện xây dựng, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch theo Luật Quy hoạch lúc đầu khó khăn, nhưng đến nay cơ bản đã tháo gỡ hết.

Trong số 111 quy hoạch phải thực hiện, đã thẩm định, trình, phê duyệt 106 quy hoạch, đây là nỗ lực rất lớn của các ngành, cấp. Tồn đọng chưa ban hành được chủ yếu các dự án đã thẩm định xong, đang tiếp thu ý kiến để trình lại HĐND địa phương, trước khi trình Thủ tướng, khá mất thời gian. “Đáng lưu ý, trong số 4 quy hoạch địa phương, có 2 quy hoạch rất khó là của TPHCM và Hà Nội, 2 cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt. Do đó, Bộ KH-ĐT đã báo cáo để Thủ tướng nghe riêng, cho ý kiến trước khi Hội đồng thẩm định họp”, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết.

Chủ tịch Quốc hội: "Quả bóng được chuyền từ Bộ Tài chính sang Bộ KH-ĐT, sang Bộ GD-ĐT, dừng lại ở đâu?"

Gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Tài chính và GD-ĐT, ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) đề nghị cho biết phong trào đoàn, đội trong nhà trường hiện nay quan trọng hay không; nếu quan trọng thì vì sao không bố trí ngân sách hỗ trợ hoặc đưa vào quy định để chi từ nguồn sự nghiệp của nhà trường?

ĐB cũng nhận xét, mỗi năm, nguồn ngân sách hỗ trợ người dân học nghề, chuyển đổi nghề hoặc dạy nghề cho thanh niên xuất ngũ còn rất ít ỏi. Vậy quan điểm của Bộ trưởng và giải pháp hiệu quả cho vấn đề này?

Đại biểu Tô Thị Bích Châu. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Tô Thị Bích Châu. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, kinh phí sự nghiệp bố trí cho phong trào đoàn, đội là định mức kinh tế kỹ thuật ngành, thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Về học nghề cho quân nhân giải ngũ liên quan tổng cục dạy nghề và các đơn vị của quân đội. Với trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính đã bố trí đầy đủ theo dự toán, nhu cầu của các bộ, ngành gửi.

Bày tỏ chưa hài lòng, ĐB Tô Thị Bích Châu sử dụng quyền tranh luận: “Tôi cho rằng, nên có một quy định của ngành tài chính cứng từ Trung ương về chi cho phong trào đoàn, đội. Bởi, nhiệm vụ này hết sức quan trọng, để hoạt động này thực sự chất lượng và không mang tính hình thức như hiện nay”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định, ngân sách chi cho phong trào đoàn đội trong trường học thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính đã có Thông tư 05 năm 2015, quy định về vấn đề phụ cấp của giáo viên kiêm nhiệm đối với phong trào đoàn đội, còn hoạt động của phong trào này có bố trí kinh phí không, bố trí và tổ chức theo cung cách thế nào… thuộc trách nhiệm Bộ GD-ĐT.

“Theo quy trình ngân sách, các công việc đó phải được các cấp ngân sách trình lên, Bộ Tài chính là cơ quan tổng hợp, không có vai trò đề xuất phát sinh các khoản chi”, Bộ trưởng cho biết.

Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ mời các bộ trưởng liên quan làm rõ vấn đề. “Quả bóng được chuyền từ Bộ Tài chính sang Bộ KH-ĐT, sang Bộ GD-ĐT, dừng lại ở đâu”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi?

Khó khăn trong giải quyết tài sản công

ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, nhưng việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã còn chậm; nhiều trụ sở hành chính bỏ trống, lãng phí, trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên). Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tài sản công thuộc cấp Trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành. Còn tài sản công của các cơ quan huyện, xã do UBND tỉnh quản lý.

Đa số tài sản công sau khi sắp xếp thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh. Bộ trưởng thông tin, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10%, với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó khoảng 500 tài sản công đang bỏ không, lãng phí. Nguyên nhân, khi chuyển cho các cơ quan, đơn vị, nhiều cơ quan ở địa bàn khác nhau nên không có nhu cầu. Khi bán tài sản công thì khó tìm được các cơ quan định giá; cũng như khó tìm được người mua trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay.

Ngoài ra, để chuyển tài sản công sang mục đích khác thì phải tổ chức đánh giá, trụ sở phải được phê duyệt lại về quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển mục đích sử dụng đất hay một loạt các thủ tục khác… Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, đôn đốc đồng thời sẽ làm việc các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm trong xử lý các tài sản công này, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn tại Quốc hội bắt đầu từ sáng nay, 6-11 và kéo đến ngày 8-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Hoạt động chất vấn - trả lời chất vấn tại Quốc hội bắt đầu từ sáng nay, 6-11 và kéo đến ngày 8-11. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) đề nghị Bộ trưởng Tài chính làm rõ nguyên nhân đầu tư còn dàn trải. Ông cho rằng, nhiều năm qua, ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa còn thấp, cào bằng; việc thực hiện cơ chế đặt hàng còn hạn chế; khắc phục như thế nào?

Cũng chất vấn người đứng đầu ngành tài chính, ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) đề nghị làm rõ giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công. “Với trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho Chính phủ thì Bộ trưởng đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công?”, bà Ánh chất vấn.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang). Ảnh: QUANG PHÚC
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) hỏi về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội và đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết khó khăn, vướng mắc và giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) quan tâm đến giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ Quốc hội giao về tiết kiệm chi thường xuyên và phòng, chống lãng phí trong sử dụng tài sản công.

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận, Luật Tài sản công tuy mới được ban hành, nhưng đã bộc lộ một số bất cập và thời gian tới đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sửa Luật Tài sản công. Chẳng hạn, luật hiện hành chưa quy định hình thức mua lại tài sản thành tài sản công.

“Như các trạm BOT do thay đổi quy hoạch nên không sử dụng được nữa thì đoạn đường đó sẽ do Nhà nước quản lý, nên mua lại của một số nhà đầu tư tư nhân thì chưa có quy định”, Bộ trưởng Tài chính nói; đồng thời cho biết, Bộ Tài chính đã đề nghị Thủ tướng sửa nhiều nghị định về quản lý, sử dụng tài sản công. Một số đơn vị sự nghiệp công lập khi liên doanh, liên kết, thuê tài sản công sẽ được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn.

Với chất vấn của ĐB Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tháng 3, Thủ tướng đã ban hành quyết định thực hành tiết kiệm chống lãng phí thực hiện cho năm nay và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc này liên quan đến nhiều ngành, cấp nên đúng là "có hơi chậm". Theo Bộ trưởng Tài chính, cần nâng cao trách nhiệm các cơ quan quản lý tài sản, như sáp nhập xóm, xã thì các cấp phải điều chuyển tài sản công có hiệu quả hoặc bán đi để lấy tiền đầu tư phát triển mới. Bộ trưởng cũng cam kết sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để siết chặt quản lý.

Tín nhiệm quốc gia Việt Nam được thế giới đánh giá cao

ĐB Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) chất vấn: “Chính phủ đã đặt mục tiêu, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để đến năm 2030, nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, góp phần giảm chi phí huy động vốn, thu hút thêm nhiều vốn đầu tư. Đề nghị cho biết đánh giá của các tổ chức quốc tế về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đến nay? Đâu là điểm mạnh? Chính phủ có giải pháp gì cải thiện mức tín nhiệm quốc gia hướng tới mục tiêu nâng cao xếp hạng môi trường đầu tư, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy khả năng huy động vốn”?

Đại biểu Trần Văn Tuấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Trần Văn Tuấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời, thời gian qua, tín nhiệm quốc gia Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Trong khi một số quốc gia bị hạ điểm thì Việt Nam được nâng hạng với mức “triển vọng và ổn định”, hay BB+. Điều này giúp tạo niềm tin cho các quỹ tài chính, quỹ đầu tư đổ tiền vào nền kinh tế và thúc đẩy phát triển. “Vừa qua, qua chuyến công tác tại Mỹ, tôi có làm với các tổ chức đánh giá tín dụng như S&P, Moody’s và đều được đánh giá cao thị trường tài chính Việt Nam, tin tưởng sự năng động phát triển và khuyến nghị đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, các tổ chức này đặt ra các câu hỏi về giải quyết vấn đề nợ xấu tăng cao, nợ trái phiếu quá hạn, giải ngân đầu tư công, quan điểm về xử lý thị trường bất động sản… Họ hài lòng và tin tưởng những giải pháp đề ra của Việt Nam”, Bộ trưởng Tài chính khẳng định.

Triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội còn chậm

Về tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, công nhân, mục tiêu có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới 2030. Nguồn tiền cho gói tín dụng này đến từ huy động tín dụng trong dân, với lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Khi chính sách này được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các ngân hàng và đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, công bố dự án thuộc chương trình cho vay. Các ngân hàng cũng đưa ra quy trình nội bộ triển khai gói tín dụng này. Hiện có 18/63 UBND địa phương gửi văn bản công bố dự án tham gia chương trình với 53 dự án có nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã giải ngân được 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại 3 địa phương, tới cuối tháng 10…

Thừa nhận hiệu quả triển khai gói này còn hạn chế, Thống đốc nhận định, trước hết là nhu cầu vay của đối tượng vay - người lao động thu nhập thấp - còn hạn chế. Nhu cầu nhà ở thì "bức xúc thật, nhưng đi vay để mua nhà thì họ cần cân nhắc kỹ". Cạnh đó, các điều kiện để hưởng ưu đãi còn bất cập... Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị UBND các địa phương sớm công bố dự án thuộc chương trình để các ngân hàng triển khai, đồng thời phối hợp các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, giải ngân vốn cho đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội nêu trên là chủ trương rất đúng đắn và nhân văn của Chính phủ. Để triển khai hiệu quả, cần sự vào cuộc không chỉ riêng ngân hàng mà còn của Bộ Xây dựng, địa phương, tổ chức công đoàn, đặc biệt là người lao động. Cạnh đó, phải nắm được nhu cầu, yêu cầu về số lượng, diện tích, địa điểm, chất lượng, mức giá... từ đó lên kế hoạch triển khai, xây dựng, cung cấp thì mới thực hiện thành công.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chương trình 1 triệu căn hộ là chương trình nhân văn, để thực hiện đỏi hỏi nguồn lực tài chính lớn. “Nhưng nhu cầu nhà ở cho người lao động, người có thu nhập thấp rất lớn nhưng nhu cầu vay vốn lại là cân nhắc của người dân”, Thống đốc nói.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng quan tâm triển khai giải ngân gói 120.000 tỷ đồng và mở rộng cho các ngân hàng thương mại cổ phần khác, lúc đó nguồn vốn sẽ lớn hơn. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng thực hiện cho vay chương trình này. “Mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đòi hỏi sự tham gia của toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp bộ, ngành, địa phương, công đoàn, tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đạt mục tiêu chương trình”, Thống đốc nhấn mạnh.

Đẩy mạnh tiếp cận vốn tín dụng để ngăn tín dụng đen

ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) nêu rõ, sau thời gian bị kìm nén, hiện tín dụng đen vẫn còn đất sống, len lỏi không chỉ ở nông thôn mà cả vùng thành thị. Thậm chí, một số nơi đang có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. “Có thể ngăn chặn tín dụng đen được không?”, ĐB Huỳnh Thanh Phương chất vấn.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương. Ảnh: QUANG PHÚC

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là vấn đề Chính phủ rất quan tâm. Thời gian qua, ngành công an, ngân hàng triển khai rất nhiều giải pháp ngăn chặn; trong đó có đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng để ngăn tín dụng đen. Tới đây, các ngành sẽ tiếp tục phối hợp làm mạnh vấn đề này. Đặc biệt, khi có cơ sở dữ liệu quốc gia, việc tiếp cận vốn tín dụng của người dân sẽ thuận lợi, minh bạch hơn. Giải pháp chính là bảo đảm người dân có nhu cầu vay vốn được vay thuận lợi, từ đó hạn chế tín dụng đen. Cùng với đó, ngành công an mạnh tay đấu tranh với tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Liên quan thanh toán không dùng tiền mặt, vấn đề được ĐB Thanh Hương quan tâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin, đến tháng 9, tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán giảm xuống 9,17% so với 11,73% cuối 2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giao dịch tăng 49% số lượng, giao dịch qua Internet tăng 60,3%; kênh điện thoại di động tăng gần 61%, qua QR Code 105%... Trong khi đó, giao dịch qua ATM giảm. Những chỉ dấu này cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng. Nhưng, tâm lý dùng tiền mặt tại nông thôn, vùng sâu, xa và tâm lý e ngại của người dân về rủi ro trong thanh toán vẫn còn khá nặng nề.

Thời gian tới, ngân hàng sẽ rà soát, phối hợp các cơ quan hoàn thiện hành lang pháp lý để đảm bảo an ninh, quyền lợi người dân.

Chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng

ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh), ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cùng chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề tăng trưởng tín dụng thấp. Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 5,91%. Các giải pháp để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14% như đã đề ra? Lộ trình để hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu về tín dụng. Số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút. Người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân; kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thống đốc nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước điều hành bám sát theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ. Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy, trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng.

Báo cáo tổng hợp các vấn đề tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa có sự chuyển biến theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi đến ĐB nêu rõ, trong lĩnh vực ngân hàng hiện tồn tại 3 vấn đề. Đó là việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém.

Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc với giá 0 đồng đối với Ngân hàng Xây dựng (Việt NamCB, sau đổi là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), nhằm tái cơ cấu, đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Song tiến độ tái cơ cấu những ngân hàng này rất chậm. Tháng 10-2022, có thêm NHTMCP Sài Gòn (SCB), được đặt vào kiểm soát đặc biệt. Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8-2023), việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc (CGBB), đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để CGBB, 1 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương CGBB (DongABank).

Thiếu nhà ở xã hội, thị trường bất động sản ách tắc, dự án ODA chậm tiến độ

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) chất vấn: "Nghị quyết 41 của Quốc hội yêu cầu khẩn trương xây dựng luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong năm 2021, sửa đổi quy định quản lý, sử dụng vốn ODA. ĐB đề nghị làm rõ công tác này đã thực hiện như thế nào và ảnh hưởng gì đến tiến độ giải ngân vốn ODA?".

Đại biểu Nguyễn Quang Huân. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Quang Huân. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ ban hành 2 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, Nghị định số 58 về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi, phát triển nhanh và bền vững đến năm 2025. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 105 năm 2023 về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đây là 2 chính sách rất quan trọng nhằm gỡ khó để hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay được phục hồi, phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng phát triển kinh tế chung...

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện tiến độ của các dự án ODA chậm so với yêu cầu. Ngoài những nguyên nhân giống đầu tư công nói chung, các dự án ODA phải thực hiện rất nhiều quy định khác nhau. Theo đó, thực hiện theo các quy định trong nước về đầu tư công, các quy định của nhà tài trợ nước ngoài cũng như các quy trình thủ tục đàm phán các hiệp định vay, thỏa thuận vay…

Các dự án sau khi hoàn tất thủ tục mà có sự điều chỉnh thì phải thực hiện lại quy trình cả trong nước và điều chỉnh các hiệp định. Do đó, các dự án này mất nhiều thời gian và tiến độ. “Mỗi dự án phải mất ít nhất 2 năm hoàn tất thủ tục, nếu phải điều chỉnh lại mất quy trình 1-2 năm nữa”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho rằng, cần nghiên cứu một cách căn cơ hơn để hài hòa thủ tục trong nước và nước ngoài, đảm bảo chặt chẽ và rút ngắn được thời gian.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị được kỳ vọng đưa ra giải pháp phát triển nhà ở xã hội, gỡ khó cho thị trường bất động sản. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị được kỳ vọng đưa ra giải pháp phát triển nhà ở xã hội, gỡ khó cho thị trường bất động sản. Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng theo báo cáo tổng hợp vấn đề chất vấn được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi tới ĐB, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều động thái, ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường này vẫn khó khăn, ách tắc từ thủ tục pháp lý, đến quỹ đất và vốn đầu tư. Giá nhà ở còn ở mức khá cao so với thu nhập của người dân.

Trong một báo cáo hồi tháng 5, Cushman & Wakefield Việt Nam, đơn vị tư vấn lĩnh vực bất động sản, cho rằng giá nhà ở tại Việt Nam hiện cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người hàng năm.

Cạnh đó, một số thủ tục hành chính về đầu tư rườm rà, gây cản trở, các phân khúc thị trường còn lệch, vốn tín dụng đầu tư thị trường này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp bất động sản phải dừng đầu tư, thi công dự án và việc này kéo theo khó khăn của nhà thầu, cung ứng vật liệu và nhiều ngành nghề khác.

Vướng mắc pháp luật về đất đai, như xác định giá đất, tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng hay quy định chọn nhà đầu tư chồng chéo với quy định đầu tư, đấu thầu, đất đai... được nhận diện là rào cản lớn cho phục hồi, phát triển thị trường nhà ở.

Trong khi đó, phát triển nhà ở xã hội được coi là một trong số giải pháp tái cấu trúc thị trường bất động sản. Nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân thu nhập thấp tại các khu công nghiệp là khoảng 2,4 triệu căn, giai đoạn 2021–2030.

Đến cuối tháng 6, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội tại các đô thị, quy mô khoảng 19.516 căn. 294 dự án khác đang triển khai, sẽ cung ứng gần 288.500 căn nhà ở xã hội cho thị trường.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ đã có 37 dự án muốn vay, với nhu cầu vốn khoảng 17.850 tỷ đồng. Trên 6.200 tỷ đồng đã được Ngân hàng Chính sách giải ngân, cho 15.000 khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, nhà ở hộ gia đình.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân hiện chưa đáp ứng nhu cầu của 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đủ vốn ưu đãi cho chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng được chỉ định cho vay nhà ở xã hội tới giờ vẫn chưa được bố trí. Chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến không hấp dẫn nhà đầu tư.

Báo cáo cũng nhận định, việc yêu cầu tất cả các dự án phải dành quỹ đất nhà ở xã hội mà không căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, điều kiện kinh tế xã hội từng vùng, khiến quỹ đất này không được đưa vào đầu tư, gây lãng phí nguồn lực và làm tăng giá nhà ở.

Các đại biểu dự phiên chất vấn sáng 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự phiên chất vấn sáng 6-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới

Giải pháp chủ yếu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương đồng bộ, kịp thời từ ngày 1-7-2024 đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hiện Chính phủ đã bố trí đủ nguồn ngân sách để triển khai đồng bộ cả 6 nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; đảm bảo mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp; đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước được cải thiện. Cùng với đó, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương đều được tinh giảm, biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 11,67% - là cơ sở tạo nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cơ bản, như nguồn ngân sách chưa dồi dào, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị - “giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương” - làm cơ sở xây dựng bảng lương mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với người giữ chức vụ lãnh đạo phức tạp do ở nhiều bậc lương cũ, ngạch, chức danh nghề nghiệp khác nhau xếp vào một mức lương chức vụ mới... dẫn đến có người cao hơn, có người thấp hơn (phải bảo lưu chênh lệch để bằng mức hiện hưởng).

Sáng 6-11, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí và Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn lần lượt trình bày báo cáo việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4. Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra các báo cáo trên.

Sau đó, Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp đến hết buổi sáng 8-11. Từ 9 giờ 40 phút đến 11 giờ 30 phút, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành đối với các lĩnh vực: Kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng. Nội dung này kéo sang buổi chiều cùng ngày, đến 14 giờ 40 phút.

Tin cùng chuyên mục