Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Chấm dứt giao nhà đầu tư đề xuất dự án

Tại hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8-2019 và 8 tháng đầu năm của UBND TPHCM diễn ra vào sáng 30-8, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết đơn vị đầu tư dự án Rạch Xuyên Tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo đề xuất dự án. Đây sẽ là dự án cuối cùng trên địa bàn TPHCM thực hiện theo hình thức này. Về sau, việc này do nhà nước thực hiện.

Tăng trưởng chậm, không được xếp loại xuất sắc

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM điểm lại chỉ tiêu tổng quát như tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ trong 8 tháng đầu năm 2019 tăng 11,8% (hơn 747.300 tỷ đồng) nhưng thấp hơn so với cùng kỳ (tăng 12,6%). Về xuất khẩu, đạt 27,2 tỷ USD (tăng 8,9%, trong khi cùng kỳ tăng 6%) cho thấy có khả quan hơn. “Chúng ta phân tích vì sao tăng, các mặt hàng xuất khẩu cụ thể sao?”, đồng chí Nguyễn Thành Phong gợi ý, đồng thời yêu cầu đánh giá xuất khẩu, nhập khẩu của từng khu vực doanh nghiệp, nhất là FDI, của doanh nghiệp trong nước.

Người đứng đầu UBND TPHCM tiếp tục lưu ý trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM thì ngoài ngành điện tử tăng mạnh, lại có đến 3 ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa chất - cao su - nhựa, cơ khí chế tạo có mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm ước chỉ tăng 0,4% trong khi cùng kỳ tăng 7,3%; ngành hóa chất - cao su - nhựa không tăng, thậm chí còn giảm.

Bày tỏ không hài lòng trước dấu hiệu không tốt này, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, vấn đề này đã được cảnh báo cách đây 2 tháng và yêu cầu Sở Công thương TPHCM phân tích nguyên nhân, xác định giải pháp thúc đẩy phát triển. Song, đến nay, tình hình vẫn không khả quan thì lãnh đạo Sở Công thương không được xem là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Chấm dứt giao nhà đầu tư đề xuất dự án ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, trước đây, 4 ngành công nghiệp trọng yếu luôn tăng hơn toàn ngành công nghiệp nói chung, nhưng 6 tháng đầu năm 2019 lại liên tục giảm. Do đó, Sở Công thương TPHCM phải chủ động về giải pháp và phối hợp với các đơn vị liên quan, trong đó có Viện Nghiên cứu Phát triển TP xác định đúng các nguyên nhân; lắng nghe doanh nghiệp để đề ra giải pháp cụ thể. Thậm chí, Sở Công thương phải chủ động đăng ký báo cáo, trao đổi với UBND TPHCM về tình hình sản xuất các ngành công nghiệp trọng yếu công nghiệp nhằm xác định giải pháp hữu hiệu.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Phương Đông, giải thích kết quả trên là “do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu phải có các phân tích, dẫn chứng cụ thể, thay vì chỉ giải thích chung chung.

Tham gia thảo luận, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng hiện nay tác động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tác động đến Việt Nam có tích cực và tiêu cực. Về tích cực, xuất khẩu của TPHCM và cả nước đều tăng, đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Song, về tiêu cực, không chỉ thương mại Mỹ - Trung mà TPHCM bị còn tác động bởi quan hệ thương mại Nhật - Hàn. Bởi lẽ, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước đầu tư lớn vào Khu Công nghệ cao TPHCM. “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động đến tỷ giá”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nhận xét và phân tích, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bị mất giá rất lớn, nên hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, cạnh tranh mạnh với hàng hóa Việt Nam.

Bày tỏ lạc quan về tình hình đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều dự án gia hạn tăng vốn, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, kết quả này thể hiện môi trường đầu tư đã được cải thiện.

Vị chuyên gia kinh tế này phân tích, vốn đầu tư tăng là tín hiệu khả quan, trong bối cảnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM bị hạn chế. Tuy nhiên, khâu giải ngân chậm khiến vốn bị "ngâm" lại, chậm thẩy ra thị trường, làm căng thẳng thị trường tiền tệ. Vì thế, thủ tục hành chính cần được cải thiện để đẩy tăng tỷ lệ giải ngân, góp phần thúc đẩy đầu tư. Đặc biệt, PGS.TS Trần Hoàng Ngân đề nghị lãnh đạo UBND TPHCM quan tâm đến các dự án giao thông, để giải tỏa ùn tắc giao thông tại một số khu vực kết nối từ quận 7, quận 8 vào khu vực trung tâm.

Chấm dứt giao nhà đầu tư đề xuất dự án

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đến các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến cuối năm. Trong đó, Chủ tịch UBND quận - huyện và sở - ngành tăng cường thực hiện quyết liệt lập lại trật tự xây dựng xây dựng trên địa bàn theo Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và kế hoạch của UBND TP.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Chấm dứt giao nhà đầu tư đề xuất dự án ảnh 2 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đến các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến cuối năm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngoài ra, Sở Xây dựng cùng các địa phương phải có giải pháp xử lý nghiêm khắc ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm xây dựng; phối hợp với Sở Nội vụ chuyển thanh tra xây dựng về các quận - huyện. Cũng liên quan nội dung này, Thường trực UBND TPHCM sẽ nghe Thanh tra TP báo cáo kết quả xác minh vi phạm xây dựng 110 biệt thự (tại quận 7), của chủ đầu tư là Công ty Hưng Lộc Phát.

Đề cập các khiếu nại về việc thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và Khu Công nghệ cao (quận 9), đồng chí Nguyễn Thành Phong nhắc lại, UBND TPHCM đã có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ liên quan đến dự án Khu Công nghệ cao TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM đã có 3 buổi tiếp xúc với người dân, thông báo chính sách và ghi nhận ý kiến người dân. Với các hộ dân đồng tình chính sách của UBND TPHCM, thì TP sẽ thực hiện ngay việc bố trí nền tái định cư cho các hộ dân trước ngày 30-11-2019. Còn với các hộ dân chưa đồng tình, TP tiếp tục lắng nghe, phân tích và giải quyết. 

Một nhiệm vụ quan trọng khác là việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án công. Đồng chí yêu cầu Sở KH-ĐT rà soát lại các dự án khởi công, sẽ hoàn thành trước Đại hội Đảng bộ TPHCM sắp tới và dự án chuẩn bị khởi công sau đại hội (đầu năm 2021), cùng phương thức đầu tư.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, việc thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) lâu nay gặp vướng mắc nên được “đẩy” sang đầu tư công nhưng điều này sẽ dẫn tới tình trạng vốn ngân sách không thể cân nổi. Chẳng hạn, chỉ với các đoạn 1, đoạn 3 thuộc đường Vành đai 2 với chi phí bồi thường giải phóng, đầu tư xây dựng công trình đã lên đến 10.000 tỷ đồng và thành phố không đủ nguồn thực hiện. Do đó, Sở KH-ĐT cần rà soát lại, xác định danh mục dự án đầu tư công cấp bách thực hiện từ nguồn ngân sách.

Người đứng đầu chính quyền thành phố đề cập đến dự án cải tạo Rạch Xuyên Tâm và cho hay, dự án này được một nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất thực hiện từ nhiều năm qua. Do đó, UBND TPHCM tiếp tục để đơn vị này nghiên cứu, báo cáo đề xuất dự án.  Sau đó, việc lựa chọn nhà đầu tư phải được tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, đây sẽ là dự án cuối cùng trên địa bàn TPHCM cho phép nhà đầu tư nghiên cứu dự án, đề xuất đầu tư. Công việc này, từ nay về sau phải do nhà nước thực hiện, từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các chương trình đột phá; chuẩn bị nội dung cho các hội thảo chuyên đề còn lại, như hội thảo về du lịch thông minh, về nhà ở cho người dân thành phố.

Xử phạt thông minh hành vi xả thải gây ô nhiễm

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, dự kiến cuối tháng 9-2019, TPHCM khởi công dự án nhà máy đốt rác phát điện thứ 2, nâng tổng mức xử lý rác của 2 nhà máy đốt rác phát điện (trước đó, TP đã khởi công một nhà máy) là 4.000 tấn/ngày. Như vậy, gần 50% rác thải sinh hoạt của thành phố sẽ được xử lý bằng công nghệ sạch, từ đó kích thích các nhà đầu tư hiện hữu nhanh chóng chuyển đổi mô hình xử lý rác.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Chấm dứt giao nhà đầu tư đề xuất dự án ảnh 3 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan: Các cơ sở, đơn vị còn tình trạng xả nước thải "chui". Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, hiện nay các cơ sở, đơn vị có phát sinh nước thải đều có công trình xử lý nước thải nhưng vẫn còn tình trạng xả “chui”. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát rất khó khăn nên ô nhiễm chưa cải thiện. Đồng chí yêu cầu Sở TN-MT khẩn trương ứng dụng công nghệ thông tin, có ứng dụng theo dõi, kiểm soát bằng được từng đơn vị trong việc xả thải. Ứng dụng này phải ghi nhận được tình trạng xả nước thải vượt chuẩn ra môi trường, làm căn cứ xử phạt (nguội) đối với các trường hợp vi phạm. Đây là xử phạt thông minh các hình vi xả thải gây ô nhiễm.

Tin cùng chuyên mục