Chú Tư của chúng tôi đã đi xa

Chúng tôi gọi ông một cách rất thân mật, kính mến “Chú Tư”. Ông có nhiều tên gọi cũng như nhiều bút danh, nhưng “chú Tư là thân tình, gần gũi nhất”. Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, thời kỳ gian khó đầy thử thách của chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi – một đội ngũ trí thức trẻ từ hậu phương lớn được vào chiến trường Nam bộ. Phạm Quang Nghị, Thanh Thảo, Lê Điệp, Cao Xuân Phách, Dương Trọng Dật, Lê Quang Trang, Nguyễn Văn Lịch, Trần Đức Cường… thỉnh thoảng rẽ rừng xăm xăm đến thăm và nói chuyện với chú Tư ở B30 giữa Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, trong chiến khu.
Có lần chú Tư định viết một bài tiểu luận về văn học. Ông hỏi chuyệân chúng tôi về lớp trí thức trẻ và cũng muốn coi chân cẳng chúng tôi ra sao. Ông hỏi: “Mình nghe đài phát bài thơ của tay nào nghe nói trẻ lắm, người dân tộc vùng cao, viết về con sông quê hương Việt Nam. Đây có ai biết không?”. Thanh Thảo cười: “Chắc là bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của ông Tế Hanh”. Chú Tư lắc đầu: “Tế Hanh thì mình biết. Đâu còn trẻ, tay này mới đoạt giải cuộc thi Thơ báo Văn Nghệ Trung ương?”. À hóa ra do điều kiện trong chiến tranh báo chí không vào kịp, chú Tư nghe đài nên không biết rõ. Tôi thưa: “Dạ thưa chú Tư, đó là bạn học cùng lớp với con. Anh là Bế Kiến Quốc, hiện công tác tại Sở VHTT Hà Đông. Quốc quê ở thành phố Nam Định”… Chú Tư cười lớn và nhờ tôi chép lại bài thơ của Bế Kiến Quốc để chú đọc. Chú Tư thích bài thơ của Bế Kiến Quốc, và đặc biệt 2 câu: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng. Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông”. Bài thơ của Bế Kiến Quốc phù hợp với câu cách ngôn nổi tiếng của ông “Ra ngõ gặp anh hùng”. Nói cách khác, câu cách ngôn nổi tiếng của Trần Bạch Đằng được một nhà thơ trẻ phổ thành thơ.
Chú Tư thích thơ Quốc mà quý tôi. Tôi gọi ông là ba và ông xưng hô “tao, mầy” với tôi rất Nam bộ, rất gia đình và cũng rất nông dân, rất lính. Lê Điệp, Phan Xuân Biên, Phan An, Hà Phương, Trần Thị Thắng, Hà Công Tài, Nguyễn Khắc Thuần… chuyển xuống T4 (Khu Sài Gòn-Gia Định), Cao Xuân Phách, Nguyễn Văn Lịch và tôi thường đến thăm và nói chuyện với ông bên bờ sông Vàm Cỏ. Chuyện ông nói và cách đối xử, chúng tôi biết, ông là một lãnh tụ thanh niên, một người yêu mến và trông chờ lớp thanh niên trí thức, đặc biệt là văn nghệ sĩ.

Năm 1974, cùng với Lê Quang Trang, Đỗ Nam Cao, Thanh Thảo, Lê Điệp… xuống vùng ven Củ Chi, Trảng Bàng, tôi viết tập thơ “Vùng trắng nói”. Trước khi vào chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi gởi chú Tư đọc. Sau đó cho đến ngày 15-5-1975, khi đất nước hòa bình, chú Tư nhắn tôi lại chơi và trả lại tập bản thảo mà tôi tưởng đã mất với dòng chữ “Được lắm mầy. Rất chiến tranh. Coi chừng Tây quá”. Tôi đã sửa chữa nhiều và cho đến bây giờ vẫn giữ tập thơ như một kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc chiến và tình cảm của chú Tư.

Chúng tôi gắn bó máu thịt với Nam bộ. Nhiều người đã trưởng thành. Chú Tư vui. Niềm vui bắt nguồn từ ngày đầu chú Tư đón lớp trí thức trẻ Hà Nội vào chiến trường B2.

Năm ngoái, khi con cháu làm lễ thượng thọ 80, ông mời chúng tôi đến chơi. Ông theo dõi và quý trọng những cánh trí thức trẻ chúng tôi, nhưng ông chưa vui vì chúng tôi không có tác phẩm nào xứng đáng, coi được. “Ráng lên nghe mầy”, ông hay nói với chúng tôi như vậy. Lời nói của chú Tư kính mến. Chúng tôi chỉ là những nét nhỏ trong cuộc đời phong ba của ông. Nhưng chỉ với sự quan tâm ấy, chúng tôi cảm nhận ông là một người bạn lớn. Chúng tôi vẫn tốt, đó là điều cơ bản. Rồi chúng tôi và lớp trẻ kế cận sẽ có những tác phẩm “coi được” như chú Tư mong đợi. Ở chú Tư có cái uy dễ nể. Chú có mặt trong hầu hết các hoạt động văn hóa của thành phố. Chúng tôi nhận biết đàng sau cái tính “địa phương Nam bộ” là mong muốn văn hóa mình phải có bản sắc…

Cách nay một tuần, ông có gởi Báo SGGP một bài viết. Ông là một nhà báo xuất sắc. Ông viết cho tất cả các báo. Đối với Báo SGGP, bao giờ ông cũng gởi gắm những vấn đề lớn. Sau khi gởi tới Tổng Biên tập Dương Trọng Dật, ông điện thoại cho tôi, báo ông cóù gởi một bản khác đã sửa chữa kỹ, nhờ chuyển gấp tới Tổng biên tập. Có thể đây là bài báo cuối cùng của ông.

Con người làm việc như vậy, con người ấy để lại một ấn tượng mạnh mẽ, sâu đậm không chỉ trong những vấn đề mà cả văn phong, nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý, nhà thơ Hưởng Triều, nhà báo, nhà văn hóa Trần Bạch Đằng… của chúng ta đã ra đi! Chú Tư của chúng tôi đã đi xa.

Vũ Khoa Vũ Ân Thy

Tin cùng chuyên mục