
Ngày 22-12, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành hướng dẫn các Sở GD-ĐT trên toàn quốc tổ chức thi thử trắc nghiệm môn ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung) vào ngày 14-1-2006 nhằm tập dượt cho học sinh và nhà trường trước khi bước vào các kỳ thi chính thức diễn ra trong tháng 6 và tháng 7-2006. Trả lời phỏng vấn phóng viên SGGP, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Nguyễn An Ninh cho biết:

-Qua đợt trắc nghiệm toàn quốc sắp tới, chúng ta sẽ có đánh giá tổng quan về lực học của học sinh và tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng. Riêng về mặt kỹ thuật – một trong những vấn đề được dư luận lo ngại hàng đầu khi triển khai thi trắc nghiệm – lại không gặp nhiều trở ngại lớn. Cụ thể, qua đợt thi trắc nghiệm quy mô hẹp vừa rồi, chỉ có 1% thí sinh (trong tổng số hơn 81.000 thí sinh dự thi) mắc lỗi kỹ thuật, máy chấm phải loại ra ngoài.
- Vì sao thời gian làm bài thi trắc nghiệm lại được điều chỉnh tăng thêm 15 phút so với trước và đề thi sẽ được “khoanh vùng” như thế nào, thưa ông?
- Qua đợt thi vừa rồi, chúng tôi cũng đã khảo sát việc định cỡ đề thi và thời lượng làm bài. 45 phút cho bài thi gồm 50 câu trong kỳ thi tốt nghiệp là đề xuất của hội đồng chuyên môn. Nhưng trên thực tế, do yêu cầu đề thi khá cao nên có nhiều thí sinh không làm hết bài. Chúng tôi đã quyết định tăng thời lượng để bảo đảm đa số thí sinh có thể làm hết bài thi. Trong kỳ thi thử toàn quốc sắp tới, đề thi chủ yếu nằm trong chương trình học kỳ I nhưng yêu cầu kiểm tra sẽ chủ yếu rơi vào phần kỹ năng. Việc chúng tôi đưa môn ngoại ngữ ra thi thử đầu tiên là nhờ môn này không bị giới hạn nhiều về chương trình nên không ngại nội dung đề thi nằm ngoài chương trình.
- Vậy Bộ GD-ĐT có chủ trương tổ chức thi thử cho các thí sinh “lớp 13” thi trượt đại học năm ngoái tham gia thi thử trong đợt này không, thưa ông?
-Trong hướng dẫn gửi các Sở GD-ĐT hôm 22-12, bộ đã yêu cầu các địa phương tổ chức tại các hội đồng coi thi một số phòng thi riêng cho các thí sinh tự do của địa phương có nhu cầu thi thử trắc nghiệm. Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố có phương án chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện cho các thí sinh tự do có nguyện vọng được dự thi.
- Vậy cho đến thời điểm này, Cục đã hoàn tất các công việc chuẩn bị cho kỳ thi thử toàn quốc?
- Chúng tôi đang tiến hành gửi tài liệu hướng dẫn thi trắc nghiệm cho tất cả các Sở GD-ĐT trên toàn quốc và lập kế hoạch bảo đảm hoạt động cho các đoàn giám sát, kiểm tra trong thời gian tổ chức thi. Quy trình làm đề thi và sao in đề thi cũng sẽ đảm bảo các nguyên tắc bảo mật và được đảm bảo an toàn như đối với in sao đề thi tốt nghiệp THPT hàng năm.
- Xin cám ơn ông!
VIỆT LAN
Những điều cần chú ý khi làm bài thi trắc nghiệm - Làm đến câu trắc nghiệm nào thí sinh dùng bút chì tô ngay ô tròn trả lời trên phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), ứng với câu trắc nghiệm đó. Tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu TLTN, vì dễ bị thiếu thời gian. - Tránh việc tô 2 ô tròn trở lên cho một câu trắc nghiệm vì máy sẽ không chấm và câu đó không có điểm. - Chỉ tô các ô tròn bằng bút chì. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh dùng tẩy tẩy thật sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác mà mình mới lựa chọn. - Số thứ tự câu trả lời mà thí sinh làm trên phiếu TLTN phải trùng với số thứ tự câu trắc nghiệm trong đề thi. Tránh trường hợp trả lời câu trắc nghiệm này nhưng tô vào hàng của câu khác trên phiếu TLTN. - Không nên dừng lại quá lâu trước một câu trắc nghiệm nào đó; nếu không làm được câu này thí sinh nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác; cuối giờ có thể quay trở lại làm câu trắc nghiệm đã bỏ qua, nếu còn thời gian. |