Chưa thấy bóng dáng Luật Đất đai sửa đổi, Thường vụ Quốc hội sốt ruột

Tại phiên họp thứ 57 của UBTVQH, việc “chưa thấy bóng dáng việc sửa Luật Đất đai” được nhiều thành viên UBTVQH nhắc đến một cách rất sốt ruột.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, theo Nghị quyết số 106/2020/QH14 của Quốc hội và các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2021, Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 10 dự án luật. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh chương trình, tổng số là 7 dự án luật.

Để bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa chương trình năm 2021 và năm 2022, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2021 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Về chương trình năm 2022, Chính phủ đề nghị tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV trình thông qua 6 dự án luật; cho ý kiến 3 dự án. Còn tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV sẽ trình thông qua 3 dự án và cho ý kiến 1 dự án.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan này thống nhất với đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào Chương trình cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp; đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nhóm chỉ tiêu, các chỉ tiêu thống kê để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hệ thống của Danh mục.

Tuy nhiên, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật lưu ý, đề nghị dự kiến Chương trình năm 2022 của Chính phủ còn thiếu tính dự báo, việc chuẩn bị cho Chương trình năm 2023 còn rất hạn chế (chỉ có 1 dự án luật được đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 để gối đầu sang năm 2023). Đây cũng là hạn chế nhiều  năm trước, nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn khi “chưa thấy bóng dáng việc sửa Luật Đất đai”, mặc dù nội dung này đã được đưa vào kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội và dự kiến được thông qua vào cuối tháng 5-2022.

“Khi sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, nhiều vướng  mắc về đất đai càng lộ rõ, có cái đã sửa, nhưng có những vấn đề cốt lõi phải sửa trong Luật Đất đai. Đề nghị Chính phủ làm rõ hơn việc có kịp chuẩn bị trình sửa luật này hay không”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh thẳng thắn chất vấn.

Phát biểu tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu công tác lập pháp phải chủ động hơn; mỗi dự án luật phải được đánh giá đầy đủ tác động; tránh để quay lại tình trạng thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, tuổi thọ ngắn.

“Phải cương quyết giữ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, chất lượng. Chỉ đưa những nội dung chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, có sự thống nhất cao của cơ quan trình và thẩm tra” – Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Điều hành nội dung thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm chuẩn bị các dự án luật gửi cơ quan thẩm tra trình UBTVQH cho ý kiến. “Chính phủ và các cơ quan từ nay đến cuối năm không đề xuất bổ sung thêm dự án vào năm 2021 để dành thời gian giải quyết các công việc cấp bách. UBTVQH cũng không xem xét các dự án không có trong chương trình”, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét giải trình làm rõ việc kịp thời thể chế hóa các nghị quyết cũng như được giao nhiệm vụ, đã có chương trình nhưng một số việc hiện nay đã quá hạn, ví như: Luật Đất đai, Luật Khám chữa bệnh, sửa đổi tổng thể các luật thuế, để đảm bảo đồng bộ thực hiện chiến lược cải cách thuế.

Tin cùng chuyên mục