Chưa thể hài lòng

Mới đây, đoàn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã “vi hành” kiểm tra tình hình cơ sở vật chất và công tác khám chữa bệnh tại 4 bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội là: E, K trung ương, Nội tiết và Hữu Nghị.
Chưa thể hài lòng

Mới đây, đoàn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã “vi hành” kiểm tra tình hình cơ sở vật chất và công tác khám chữa bệnh tại 4 bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội là: E, K trung ương, Nội tiết và Hữu Nghị.

Trong chuyến “vi hành” tại BV K trung ương của “tư lệnh” ngành y tế, một nữ bệnh nhân từ tận Nghệ An lặn lội ra BV này vào lúc 4 giờ cho biết chị xếp hàng chờ khám bệnh và có vẻ may mắn khi 7 giờ, chị là người bệnh đầu tiên có được phiếu khám. Thế nhưng, dù là người đầu tiên thì tới gần 10 giờ, nữ bệnh nhân này vẫn cứ phải ngồi chờ, không được làm bất cứ xét nghiệm hay siêu âm nào chỉ vì bác sĩ còn chưa làm việc và không ít bệnh nhân được cái “quyền” ưu tiên chen ngang trước.

Bộ trưởng Bộ Y tế (áo tím) thăm hỏi bệnh nhân tại Bệnh viện K. Ảnh: Suckhoedoisong

Chưa dừng lại ở đó, tiếp tục tìm hiểu tại khu điều trị nội trú, Bộ trưởng Bộ Y tế không khỏi bức xúc khi thấy cảnh 3 - 4 bệnh nhân cùng chung... một giường bệnh, trong khi đó, lãnh đạo tại đây lại báo cáo chỉ có 1 - 2 bệnh nhân/giường. Thậm chí, một bệnh nhân lớn tuổi bị ung thư phổi đang điều trị đã thẳng thắn cho biết vì giường bệnh quá đông bệnh nhân nên ban ngày ông phải vào BV điều trị và truyền thuốc, còn tối đành ra ngoài thuê chỗ ngủ với giá 160.000 đồng/đêm. Tệ hơn, một số bệnh nhân còn “tố” rằng họ phải “lót tay” để được khám nhanh hơn, mổ sớm hơn, thậm có còn phải “đút” cả tiền cho bảo vệ để được vào thăm người thân đang điều trị nội trú trong giờ hành chính.

Tuy nhiên cũng rất đáng mừng, ngoài BV K trung ương thì chuyến thị sát tại 3 BV còn lại, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn công tác của Bộ Y tế đã nhận được lời khen nhiều hơn tiếng chê của người bệnh. Mặc dù mới chỉ là một chuyến “vi hành” tại 4 BV lớn ở Hà Nội nhưng đã có rất nhiều sự việc bức xúc từ phía người bệnh, khiến dư luận cảm thấy hoang mang. Chắc chắn rằng sẽ còn không ít những câu chuyện và vấn đề bức xúc khác mà người bệnh, người nhà bệnh nhân tại nhiều BV trong cả nước còn đang rất muốn phản ánh bày tỏ với lãnh đạo ngành y tế, nhưng họ cảm thấy rất “khó nói” vì dù sao họ vẫn đang phải trông cậy, phó thác tính mạng và sức khỏe của mình vào nhiều cán bộ y tế tại đây.

Trong thời gian qua đã có nhiều BV, trung tâm y tế được mở rộng, nâng cấp và xây mới, cùng với đó là việc triển khai sâu rộng hệ thống bệnh viện vệ tinh, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật nhằm nâng cao hơn chất lượng khám chữa bệnh. Đặc biệt là cuộc vận động các BV cam kết đổi mới phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thế nhưng, dù ngành y tế đã có cố gắng để giảm tải BV công lập, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ y đức, ứng xử của cán bộ y tế nhưng hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Thực tế này đòi hỏi ngành y tế nói chung và lãnh đạo Bộ Y tế phải trách nhiệm và sâu sát hơn nữa, có những giải pháp hiệu quả hơn để thực sự thay đổi, cải thiện được chất lượng dịch vụ y tế.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục