Chuẩn bị hơn 164.000 tấn thực phẩm để đảm bảo thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” ​

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của khoảng 9,4 triệu dân, TPHCM dự kiến cung cấp bình quân 10.964 tấn lương thực, thực phẩm/ngày, tương đương hơn 164.000 tấn cho 15 ngày tăng cường biện pháp giãn cách, nhằm đảm bảo thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”.

 

Người dân mua hàng tươi, giá ổn định từ các xe bán hàng lưu động trên địa bàn quận 4
Người dân mua hàng tươi, giá ổn định từ các xe bán hàng lưu động trên địa bàn quận 4

 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng vừa ký ban hành văn bản số: 2798/KH-UBND về kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa trong giai đoạn TPHCM thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Đẩy mạnh phương thức “đi chợ hộ”

Theo đó, thành phố yêu cầu triển khai kế hoạch phải đồng bộ, tập trung, phát huy vai trò chủ động cao nhất của TP Thủ Đức, các, quận, huyện, phường, xã, thị trấn; huy động nguồn lực từ các cấp, các ngành cùng tham gia phân phối đầy đủ, kịp thời lương thực thực phẩm thiết yếu để người dân yên tâm cùng cộng đồng thực hiện giãn cách xã hội. Đảm bảo chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa phải được vận hành liên tục ổn định theo nguyên tắc các hệ thống phân phố trên địa bàn (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống); các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa lương thực thực phẩm, cung ứng chế biến vẫn tiếp tục hoạt động để thực hiện công tác thu mua, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành về thành phố nhằm tổ chức phân phối cho người dân.

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dung thiết yếu hàng ngày của khoảng 9,4 triệu dân, thành phố dự kiến cung cấp bình quân 10.964 tấn/ngày, gồm gạo, lương thực chế biến khô (mì, bún, phở…), thịt gia súc gia cầm, thực phẩm chế biến, trứng; nước chấm, dầu ăn các loại và rau củ quả; đường, sữa, muối…

Nhu cầu tiêu dùng bình quân 1 tuần là 76.747 tấn; bình quân 15 ngày là 164.460 tấn. Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu về nước uống của người dân ước đạt 19 triệu lít/ngày (566 triệu lít/tháng); các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang gần 630.000 cái/ngày, nước sát khuẩn (loại 0,5 lít) khoảng 240.000 chai/ngày. Do đó, các mạng lưới cung ứng hàng hóa của thành phố tăng cường tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm về cho hệ thống phân phối trên địa bàn, gồm: 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi, 27 chợ truyền thống đang hoạt động).

Thành phố tiếp tục phối hợp các tỉnh, thành tổ chức phân luồng xanh, triển khai các phương án giao thông linh hoạt (giao thông đường bộ, đường thủy...), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng tổ chức cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành vào. Về hoạt động của hệ thống phân phối, kiểm soát di chuyển thực hiện theo chỉ đạo của UBND TPHCM.

UBND TPHCM nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhằm đảm bảo an toàn nhất cho người dân, thực hiện tốt nhất các biện pháp kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tình hình cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân sẽ được thực hiện thông qua các phương thức phù hợp, vừa kiểm soát việc di chuyển, lưu thông trên đường tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, vừa đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận, cung ứng kịp thời hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày của mỗi hộ dân trên địa bản. Cụ thể, việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ" do Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Tổ dân phố...), các lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ thực hiện với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).

Không để chuỗi cung ứng đứt gãy

Trong quá trình làm việc giữa các địa phương với các đơn vị cung ứng hàng hóa trên địa bàn, nếu có thiếu hụt nguồn cung, Sở Công thương TP hỗ trợ bổ sung và tổ chức điều phối các chuyến xe bán hàng lưu động, “Siêu thị mini di động" để bổ trợ thêm kênh phân phối.

Đối với người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trên cơ sở rà soát các đối tượng khó khăn trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp với Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho người dân bị ảnh hưởng, tổ chức cấp phát các túi an sinh miễn phí cho người dân, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn.

UBND TPHCM cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố - Cơ quan Thường trực Trung tâm Tiếp nhận và Hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 chủ động phối hợp UBND quận, huyện và TP Thủ Đức trong công tác điều phối, hỗ trợ các túi an sinh miễn phí đến các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 10.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TPHCM triển khai các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu, thu mua, dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn khẩn cấp phòng chống dịch. Vận động các doanh nghiệp hội viên đẩy mạnh sản xuất, tăng cường dự trữ hàng hóa, đảm bảo hàng hóa thiết yếu cung ứng cho người dân trong thời.

Đối với hội ngành nghề trên địa bàn thành phố, rà soát, đánh giá năng lực cung ứng của các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm trên địa bàn, tổ chức kết nối với các nhà sản xuất, phân phối nước ngoài đủ năng lực, đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu hàng hóa thiết yếu bổ sung kịp thời nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân.

Các hệ thống phân phối chủ lực trên địa bàn thành phố (Co.op, Satra, Big C, Lotte, Vinmart, Bách Hóa Xanh...) chủ động phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, thống kê nhu cầu của người dân trên địa bản để tổ chức phân phối hàng hóa thực phẩm cho người dân phù hợp nhu cầu tiêu dùng thực tế và tỉnh hình kiểm soát dịch bệnh.

Đẩy mạnh sản xuất, tăng cường công tác thu mua nhằm tăng lượng hàng hóa tối đa dự trữ thường xuyên tại địa điểm kinh doanh, kho chứa hàng. Ưu tiên các giải pháp bán hàng trực tuyến, bán hàng đăng ký trước và bán theo giỏ hàng (combo); có phương án bổ sung nguồn hàng đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn nguồn cung hàng hóa. Chủ động phối hợp Tổ hậu cần từng phường, xã, thị trấn để nắm bắt thông tin số lượng, chủng loại giỏ hàng, lượng hàng của từng khu vực để điều phối, chuẩn bị gia hàng hóa kịp thời để cung ứng cho người dân. 

Tin cùng chuyên mục