Chung kết cuộc thi WhiteHat Grand Prix 2018 là cuộc đua kéo dài liên tục 8 giờ, giữa 10 đội thi đã xuất sắc đến từ 6 quốc gia đã vượt qua hơn 700 đội thi góp mặt tại vòng loại để giành quyền tham dự vòng thi chung kết.
Sáng nay, 1-11, tại Hà Nội vòng chung kết cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu - WhiteHat Grand Prix 2018 đã chính thức được khai mạc, mở đầu cuộc tranh tài kéo dài 8 giờ giữa 10 đội thi an toàn thông tin (ATTT) xuất sắc nhất vòng loại đến từ 6 quốc gia. WhiteHat Grand Prix 2018 là cuộc thi an toàn không gian mạng toàn cầu do Cục ATTT (Bộ TT-TT) phối hợp cùng Diễn đàn an ninh mạng Việt Nam WhiteHat.vn tổ chức.
Cuộc thi đang diễn ra, kéo dài 8 tiếng liên tục và sẽ kết thúc vào lúc 16 giờ ngày 1-11. Ảnh TB Có chủ đề “Truyền thuyết Việt Nam - Legends of Vietnam” với đối tượng tham gia là tất cả các đội thi không giới hạn quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, WhiteHat Grand Prix 2018 là năm thứ tư cuộc thi kiến thức và kỹ năng ATTT mạng này được mở rộng ra quy mô toàn cầu. Vòng chung kết cuộc thi WhiteHat Grand Prix 2018 là cuộc đua kéo dài liên tục 8 giờ, từ 8 giờ đến 16 giờ ngày 1-11, giữa 10 đội thi đã xuất sắc vượt qua hơn 700 đội thi góp mặt tại vòng loại để giành quyền tham dự vòng thi chung kết. Cụ thể về các đội: coconutCoffee và JustToPlay đến từ Hàn Quốc; dcua đến từ Ukraina; pwndevils và perfectblue đến từ Mỹ; ACEBEAR, Injoker10K và r3s0L của Việt Nam; LC1BC đến từ Nga; và đội p4team đến từ Ba Lan.
Cuộc thi WhiteHat Grand Prix 2018 chính thức được khai mạc lúc 8 giờ sáng 1-11. Ảnh T.B Phát biểu lại lễ khai mạc, Phó Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh việc những người làm ATTT sẽ “đi nhanh hơn, tiến xa hơn trong hành trình không gian mạng cùng nhau”. Ông Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết, Việt Nam có mấy ngàn năm lịch sử nhưng vẫn là quốc gia non trẻ trong lĩnh vực không gian mạng mới mẻ. Do đó, chọn “Truyền thuyết Việt Nam” với mong muốn tạo ra sự kết hợp độc đáo giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Truyền thuyết là những câu chuyện được truyền miệng. Truyền thuyết của Việt Nam luôn kết thúc có hậu cho người tốt, thể hiện giấc mơ của tầng lớp lao động. Khi giải quyết được một vấn đề, các đội thi sẽ mở ra ra được một truyền thuyết về Việt Nam.
“Với vòng chung kết hôm nay, nói rộng hơn, các bạn đều nhận thức được an ninh mạng đang là một phần quan trọng trong thế giới kỹ thuật số. Mọi người đều lo ngại trước các nguy cơ an ninh mạng gia tăng. Chúng ta cảm thấy thế nào về điều đó? An ninh mạng có mục đích gì? Vì sao xe hơi lại có phanh? Tôi cho rằng nó không phải để dừng xe mà là để xe có thể đi nhanh hơn. Tương tự như vậy, an ninh mạng không phải để dừng ứng dụng CNTT mà để mọi người tận hưởng CNTT nhiều hơn. Tuy nhiên, đi nhanh hơn là không đủ, chúng ta cần đi xa hơn. Có câu nói thế này: Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng nhau. Đó là lý do vì sao chúng tôi đã cố gắng hết sức để sự kiện WhiteHat Grand Prix 2018 có thể diễn ra tại Hà Nội”- ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Đội dcua đến từ Ukraina đang thực hiện bài thi. Ảnh TB Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho biết, năm nay là năm đầu tiên vòng chung kết WhiteHat Grand Prix có sự tham gia của các đội thi quốc tế đến Việt Nam. Điều đặc biệt là toàn bộ các khâu tổ chức, ra đề thi đều do Ban tổ chức nước chủ nhà Việt Nam thực hiện. Vượt qua vòng loại với 720 đội tham dự đến từ 80 quốc gia, 10 đội thi xuất sắc nhất đã tham gia tranh tài trong vòng chung kết WhiteHat Grand Prix, đáng chú ý trong đó có tới 4 đội đang nằm trong bảng xếp hạng CTFtime.
Đội r3s0L của Việt Nam đang thực hiện bài thi trong sáng 1-11. Ảnh T.B Tại vòng chung kết WhiteHat Grand Prix 2018 đang diễn ra, lần đầu tiên tại Việt Nam, thử thách vượt qua các lỗ hổng bảo mật trên thiết bị IoT được đưa vào một cuộc thi an toàn thông tin mạng. Ở phần thi đầu tiên, mỗi đội sẽ được cấp một hệ thống mạng giống như thực tế tại doanh nghiệp với các thiết bị IoT như: Router, Modem Wi-Fi, Camera giám sát, hệ thống điều khiển trung tâm, các thiết bị đầu cuối… Nhiệm vụ của các đội thi là phải vượt qua các lỗ hổng bảo mật tồn tại trên các thiết bị IoT và ghi điểm sau mỗi thử thách. Việc này đòi hỏi thành viên của các đội phải luôn cập nhật kiến thức mới nhất về các lỗ hổng an ninh, đồng thời phải sở hữu đầy đủ kỹ năng liên quan đến phân tích lỗ hổng hệ thống mạng từ xa, dịch ngược (Reverse Engineering)... Sau đó, các đội thi sẽ tiếp tục tham gia phần thi đối kháng trực tiếp Attack/Defense onsite. Cùng với việc công khai thông tin về dịch vụ và tài nguyên của các đội và phương pháp tính điểm trong vòng thi đối kháng trực tiếp Attack/Defense, trong thể lệ thi đấu vòng chung kết đã công bố ngày 19-10, Ban tổ chức cuộc thi WhiteHat Grand Prix 2018 cũng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: tấn công mang tính phá hoại vào các Server tính điểm hoặc các chủ thể khác không nằm trong yêu cầu của cuộc thi; tấn công DoS, DDoS hạ tầng làm cản trở việc thi đấu của các đội khác; chia sẻ flag giữa các đội; và những hành vi gian lận khác…
Kết thúc phần thi thứ 2 gồm 2 round, lúc 11 giờ, đội thi đến từ Nga LC1BC đang dẫn đầu, tiếp theo là đội coconutCoffee của Hàn Quốc và đội perfectblue đến từ Mỹ. Ảnh T.B Cơ cấu giải thưởng cuộc thi WhiteHat Grand Prix 2018 gồm 1 giải Nhất trị giá 230 triệu đồng (tương đương khoảng 10.000 USD), 1 giải Nhì và 1 giải Ba có giá trị lần lượt là 45 triệu đồng (2.000 USD) và 25 triệu đồng (1.000 USD). Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho các đội thi tham dự vòng chung kết cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2018, ban tổ chức tài trợ toàn bộ chi phí lưu trú và đi lại cho các đội tới Hà Nội. Sau khi cuộc thi kết thúc, theo kế hoạch, vào ngày 2-11, các đội thi quốc tế sẽ được tham gia chương trình tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng để hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam.
Dự kiến, vào 17 giờ chiều này, sẽ diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2018.
TRẦN BÌNH