Thanh niên tình nguyện Việt Nam đến với người dân Lào

Chung một dòng MêKông

Cũng chính con sông đã mang biết bao phù sa đỏ thắm từ vùng đất bazan Pathoumphone (Chămpasăk, Lào) này đi qua Campốt, Tongle Sap (Campuchia) rồi đổ vào đất nước Việt Nam. Chị Khon vẫn ngày ngày uống nước sông MêKông như hàng triệu con người Nam Việt Nam vẫn uống. Phù sa của sông đã tưới tắm cho biết bao vùng đất mà nó chảy qua, suốt từ cao nguyên Tây Tạng xuôi về biển Đông. Vậy mà người Thái, người Việt đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp trong khi dân bản Pak Touy lại chưa...
Chung một dòng MêKông

Cũng chính con sông đã mang biết bao phù sa đỏ thắm từ vùng đất bazan Pathoumphone (Chămpasăk, Lào) này đi qua Campốt, Tongle Sap (Campuchia) rồi đổ vào đất nước Việt Nam. Chị Khon vẫn ngày ngày uống nước sông MêKông như hàng triệu con người Nam Việt Nam vẫn uống. Phù sa của sông đã tưới tắm cho biết bao vùng đất mà nó chảy qua, suốt từ cao nguyên Tây Tạng xuôi về biển Đông. Vậy mà người Thái, người Việt đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp trong khi dân bản Pak Touy lại chưa...

  • Vượt 50km đường rừng để khám bệnh

Từ tỉnh Chămpasăk, thủ phủ Nam Lào chúng tôi hành quân về huyện vùng cao Ba Chiêng trong cơn mưa rừng tầm tã. Mùa mưa đã về, bản Cuông Sy hiện ra với nóc nhọn chạm rồng vươn cao trên nền trời đầy hơi sương, 1.600 dân bản đã tụ họp từ sáng sớm chờ đoàn vì bà con nghe cán bộ bảo: có bác sĩ tình nguyện Việt Nam sang khám bệnh cho dân bản, mà đâu phải chuyện thường, đấy là những bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, nổi tiếng cả Đông Dương.

Chung một dòng MêKông ảnh 1

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khám bệnh cho bệnh nhân Lào ở bản Cuông Sy.

Trong chánh điện chùa Sỷ Bun Hương, 6 chiếc bàn khám bệnh, 1 bàn ghi tên bệnh và 1 bàn cấp thuốc được bày trí theo hình chữ U, người dân bản chờ đọc tên theo thứ tự, mắt háo hức nhìn những chiếc áo blu trắng xen trong màu áo xanh tình nguyện.

Bác sĩ Ngọc Tài nghe nữ bệnh nhân Nang than đau bụng (qua phiên dịch từ bác sĩ Sổm Sắc), anh hỏi Nang có bị ho không, bệnh nhân lắc đầu. Lại hỏi: “Mỗi khi có kinh nguyệt thì đau thế nào? Có chồng chưa?...”. Những câu hỏi rất bình thường nhưng làm Nang đỏ mặt nhìn bác sĩ Sổm Sắc, vị bác sĩ trẻ người Việt cũng thoáng ngại ngùng... Sau cùng, kết luận ghi trên toa thuốc là nhiễm giun. Thì ra do ăn bốc bằng tay, uống nước không đun sôi nên Nang phải… xổ lãi.

Bàn khám bên cạnh, bác sĩ Tường Vũ tất bật đặt ống nghe, soi đèn pin khám tai, mũi, họng. Dù đang công tác tại Khoa Chấn thương sọ não, BV Chợ Rẫy nhưng khi bệnh nhân Khăm La chìa cẳng chân bị nấm làm ngứa, anh Tường Vũ chẳng ngại ngần nâng chân bác Khăm La lên xem xét và chỉ định: viêm da, dùng thuốc chống dị ứng, thuốc bôi da kèm theo vài vỉ thuốc bổ.

Suốt 4 giờ đầu buổi sáng, các bác sĩ trong đội thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh (MHX) Việt Nam cùng những đồng nghiệp của Bệnh viện Chămpasăk phải cố gắng lắm mới hoàn tất khám và phát thuốc miễn phí cho 200 bệnh nhân. Bác sĩ Khem Phone xúc động nói: “Bà con các bản vùng xa, vùng sâu ít có điều kiện được khám chữa bệnh như thế này. Ngay các bác sĩ bản địa đến với bản Cuông Sy còn thấy mệt bởi 50km đường rừng, vậy mà các bạn thật hết lòng với bà con. Ở đây, bà con thường bị rối loạn tiêu hóa do chưa tuân thủ vệ sinh thực phẩm, lại bị các bệnh ngoài da nhiều lắm”.

Trời vẫn mưa rả rích, không một bệnh nhân nào muốn rời chùa Sỷ Bun Hương dù đã gần 1 giờ trưa. Aên tạm vài nắm xôi chấm mắm còng (món ăn chính ở Lào), chúng tôi lại bắt đầu khám cho 320 bệnh nhân còn lại. Người Lào không có thói quen chen lấn, lại rất hiền hậu. Thi thoảng, chúng tôi lại nhận được nụ cười tươi như hoa chămpa của các thiếu nữ Cuông Sy, cổ quấn khăn rằng đủ màu khoe sắc thắm… Mãi đến khi gà rừng thôi gáy te te ngoài suối, đám lợn đen trùi trũi rút về các chân nhà sàn, ngày khám bệnh mới kết thúc. Có tổng cộng 520 người dân được khám chữa miễn phí trong một bản chỉ 1.600 người.

  • “Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long…”

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Chămpasăk, Pra Dith, nói bằng tiếng Việt: “Tôi được học trung cấp nông lâm nghiệp ở Việt Nam, thấy các đồng chí làm nông giỏi quá, tài quá. Ở Chămpasăk, bà con các bộ tộc Lào vẫn chưa tiếp cận nền nông nghiệp kỹ thuật cao, dù tỉnh có đến 500.000 ha đất trồng trọt trên tổng số 1,8 triệu ha đất tự nhiên. Trong kháng chiến chống Mỹ, các đồng chí đã cùng bộ đội Pathet Lào đánh đuổi quân Vàng Pao, quân Mỹ xâm lược thì nay, lại đến giúp nhân dân Lào phát triển kinh tế. Cám ơn các đồng chí lắm!”.

Sông MêKông đang cuồn cuộn chảy. Xe của đồng chí Pra Dith đưa chúng tôi dọc theo dòng sông xuôi về hướng Nam 40 km để gặp con sông nhỏ tên Touy. Từ đây lại vào bản Pak Touy (huyện Pathoumphone, tỉnh Chămpasăk- Lào không có đơn vị hành chính xã - PV), có nghĩa là nơi cửa (vàm) sông Touy gặp sông mẹ MêKông. Cũng thật lạ kỳ, chỉ cách một dòng nước mà bên này sông MêKông –nơi chúng tôi đứng - là một vùng đất đỏ bazan rộng lớn còn bên kia sông chỉ rặt thứ đất sét xám pha sỏi bạc màu!

Thầy Trần Ngọc Tấn (giảng viên Trường ĐH Nông Lâm) trong chiếc áo xanh tình nguyện hỏi lớn: “Tôi thấy ở đây đất bazan tốt, bà con trồng rất nhiều cam, quýt, bưởi… nhưng bà con trồng bằng gì?”. Nhiều tiếng nói đồng thanh vang lên, sau đó được cán bộ phiên dịch mô tả: “Ở đây trồng cây thì bỏ hạt xuống đất, khi nào có trái thì ăn thôi, không cần làm thêm gì hết!”.

Màn hình vải được căng lên cao, tấm bảng đen dựng ngay chính điện ngôi chùa hẻo lánh Pak Touy, hôm nay đông ken dân bản. Giữa vùng sơn thủy như Pathoumphone, việc các “nhà khoa học nông nghiệp quốc tế” đến với bản đã thu hút tất cả mọi người. Sau phần lý thuyết bằng miệng lẫn hình ảnh minh họa phải chọn cây mẹ sao cho tốt, cách chiết nhánh, biện pháp tạo rễ, cách bầu đất…, anh nông dân Phăn được mời lên làm thực tế mẫu. Sau đó, đưa nhau ra gốc bưởi trước nhà chị Khon “thực tập”, bà con bản Pak Touy, ai ai cũng muốn thử chiết cành.

“Nhà khoa học nông nghiệp quốc tế” Nguyễn Minh Cảnh (ĐH Nông Lâm) phải toát hết mồ hôi mới tạm làm các “học viên” của anh hài lòng. Tổng cộng trong đợt tình nguyện MHX 2005, thanh niên TPHCM sẽ phổ cập cho 300 lượt cán bộ Lào và nhân dân các bản ở Lào. Sông MêKông vẫn cuộn chảy, dòng đi của nó chỉ cách chùa Pak Touy và nhà chị Khon hơn năm mươi bước chân. Cũng chính con sông đã mang biết bao phù sa đỏ thắm từ vùng đất bazan Pathoumphone này đi qua Campốt, Tonle Sap (Campuchia) rồi đổ vào đất nước Việt Nam. Song dân bản Pak Touy lại chưa biết cách tận dụng.

 “Sắp tới đây còn có các lớp dạy nuôi tôm càng, dạy nuôi cá, dạy trồng cây cao su… mình sẽ tham gia học đầy đủ để mà còn áp dụng vào công việc của bản. Việt-Lào hai nước chúng ta/Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long mà!”, chị Khon cười. Tiếng cười vang vọng cả chánh điện chùa Pak Touy!

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục