Chung tay giúp người tị nạn

KHÁNH MINH
Chung tay giúp người tị nạn

Dòng người tị nạn từ Syria và các nước khác ồ ạt đổ về Đức đã khiến cuộc sống của người dân nước này bị ảnh hưởng. Thành phố Munich của Đức là điểm tiếp nhận chính của làn sóng tị nạn này. Cũng vì lý do đó, Munich được mô tả là “tràn ngập di dân” khiến Đức phải quyết định kiểm soát biên giới để tránh tình trạng người tị nạn tràn vào vượt khỏi tầm kiểm soát. Việc Đức chi ra 6 tỷ USD để lo cho người tị nạn, cùng với thái độ tiếp đón di dân nồng nhiệt nên nước này và nữ Thủ tướng Angela Merkel được ca ngợi. Không chỉ có người dân Đức bản địa, mà còn có nhiều người dân đến từ các quốc gia khác cũng chung sức giúp người tị nạn, trong đó có cộng đồng người Việt.

Chị Nguyễn Phan Châu Hợp, một người Đức gốc Việt, cho biết không ít người Việt tham gia các hoạt động trợ giúp này. Rất nhiều người bạn của chị tự lập ra những tổ chức giúp đỡ trên Facebook sẵn sàng giúp đỡ di dân. Mỗi khi trên các trang web này xuất hiện thông báo về một chuyến tàu chở người nhập cư mới đến với số người cần được giúp đỡ, chị và mọi người lại ra nhà ga chính, đem theo các vật dụng cần thiết hoặc những thứ chị quyên góp được từ công ty để giúp họ. “Nếu như không có những nhóm tình nguyện tự đứng ra điều phối với nhau thì thành phố Munich sẽ bất động, tê cứng. Hoạt động này rất hiệu quả”, chị Hợp nói. Cô Diệu Vân đang sống ở Munich cho biết, Giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình của cô cũng sắp có chương trình bán thức ăn để quyên tiền giúp đỡ di dân, bên cạnh việc hưởng ứng những hoạt động chung của người bản địa. Đa số người Đức đều giúp đỡ nhiệt tình người nhập cư. “Họ đi làm về là lo sắp xếp giờ, đưa vợ con ra cùng giúp người nhập cư, hoặc gửi con rồi ra đó giúp, biểu diễn âm nhạc, cắt tóc, có nhiều người bỏ tiền túi ra mua cả trăm đôi giày hoặc quần áo lót ủng hộ”, cô Diệu Vân nói.

Người Đức gốc Việt cùng với người dân bản xứ ở Munich dang rộng vòng tay giúp đỡ người nhập cư từ Trung Đông

Mặc dù con số người tị nạn đổ vào thành phố Munich tính cho đến nay đã lên tới gần 100.000 người, nhưng nhờ tinh thần tự nguyện và khả năng tổ chức của dân chúng nên cuộc sống thường ngày của người dân địa phương đã không bị ảnh hưởng nhiều. Nhiều người Việt cho rằng giúp đỡ người tị nạn vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Chị Châu Hợp nói: “Tôi tin là có nguy cơ các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc những tổ chức khủng bố khác trà trộn vào. Nhưng tôi cho rằng, công việc kiểm soát là của cảnh sát và của chính phủ. Tôi tin là họ sẽ tìm ra ai là kẻ khủng bố và ai không phải. Đây thực sự là một thách thức lớn. Chúng ta không vì thế mà bỏ mặc mọi người chỉ vì nghĩ rằng có một số người có thể là khủng bố, bởi hầu hết mọi người đều đang cần được giúp đỡ”.


KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục